Hội nghị được tổ chức trực tuyến, kết nối đến 10 điểm cầu, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe các sở, ngành, địa phương báo cáo về tình hình sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Theo đó, tổng diện tích cây ăn quả tỉnh Sơn La đạt là 78.850 ha, sản lượng quả đạt 336.330 tấn; có 78 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP với diện tích 1.339 ha, sản lượng 14.020 tấn; Cục Bảo vệ thực vật cấp 119 mã số vùng trồng, sản lượng đạt 52.000 tấn.
Cây xoài có diện tích 19.026 ha, sản lượng cả năm ước đạt 65.223 tấn. Các giống chính gồm xoài tròn, xoài hôi, xoài bản địa, xoài GL4, GL6, xoài Thái Lan... có năng suất cao, chất lượng tốt; thời gian thu hoạch quả từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Cây nhãn có diện tích 19.224 ha, sản lượng cả năm ước đạt 98.500 tấn, gồm các giống chính như: Nhãn lồng Hưng Yên, nhãn chín sớm (PH-S99-1.1, PH-S99-2.1); nhãn chín muộn (PH-M99-1.1, PH-M99-2.1...) thời vụ thu hoạch từ giữa tháng 7 đến tháng 9.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam nói chung và Sơn La nói riêng gặp nhiều khó khăn. Tỉnh Sơn La xác định để tiêu thụ hết các sản phẩm nông sản, đảm bảo thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân, thì ngoài thị trường xuất khẩu cần phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tiêu thụ tại thị trường trong nước. Tiếp tục đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các nhà máy chế biến... để hỗ trợ tiêu thụ hết các sản phẩm nông sản của Sơn La, trước mắt là các sản phẩm xoài, nhãn.
Tỉnh Sơn La đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương hỗ trợ đưa các sản phấm nông sản của Sơn La tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ. Cung cấp các thông tin về diện tích, sản lượng, chất lượng, mùa vụ các sản phẩm hàng hóa nông sản của tỉnh Sơn La để các doanh nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu, kết nối tiêu thụ. Đưa các sản phấm nông sản của Sơn La vào các nhà máy chế biến như: Doveco của Công ty cổ phần thực phấm Đồng Giao, Nhà máy chế biến hoa quả của Tập đoàn TH, nhà máy Nafood Tây Bắc, SI. Tiếp tục hỗ trợ phát triển các cơ sở sấy long nhãn và các sản phẩm quả; xây dựng kho lạnh, nhà lạnh bảo quản nhằm kéo dài mùa vụ thu hoạch... Góp phần kích cầu tiêu dùng, nâng cao giá trị cho các sản phẩm xoài, nhãn của tỉnh Sơn La.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng Ban Chỉ đạo 598 tỉnh cho biết, do tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng, quy mô cũng như tiến độ của các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh Sơn La. Tuy nhiên, tỉnh Sơn La luôn quan tâm và đẩy mạnh công tác phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn. Tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu của Sơn La đạt khoảng 112 triệu USD, trong đó hàng nông sản đạt 104 triệu USD.
Để đạt được kết quả đó, tỉnh Sơn La đã nhận được giúp đỡ, phối hợp, hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm cao của các bộ, ngành Trung ương. Sự phối hợp, hỗ trợ của các tỉnh bạn, sự vào cuộc của các đối tác là doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài tỉnh. Tỉnh Sơn La mong tiếp tục nhận được sự phối hợp trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Cùng với đó, tỉnh Sơn La cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cung cấp các thông tin về thị trường, điều kiện tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch để thông tin cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã chủ động có kế hoạch trong việc thu hái, bảo quản và xuất khấu. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thương lái của Trung Quốc và các nước; thương lái tại các tỉnh khu vực miền Tây, Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai... lên Sơn La nghiên cứu, khảo sát để tiêu thụ, xuất khấu. Ngoài các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... tiếp tục quảng bá, mở rộng thị trường sang các nước EU khi Hiệp định thương mại tự do EV FTA có hiệu lực.
Để tiếp tục tổ chức thành công và thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm xoài nói riêng và sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh Sơn La năm 2021 và các năm tiếp theo, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị, Bộ Công Thương, Cục xúc tiến thương mại tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh Sơn La duy trì mối quan hệ bền vững với các thị trường xuất khẩu truyền thống, nhất là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Úc…. Tìm kiếm, phát triển các thị trường mới, cung cấp thông tin dự báo thị trường dài hạn để tỉnh có thể điều chỉnh cơ cấu cây trồng, đáp ứng yêu cầu về mẫu mã, chất lượng, nhất là yêu cầu về thủ tục chứng nhận đối với nông sản xuất khẩu.
Đề nghị doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, HTX, các đầu mối tiêu thụ hỗ trợ tỉnh Sơn La đưa khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, hỗ trợ việc liên kết 4 nhà "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp". Đối với UBND các huyện, thành phố đề nghị hỗ trợ nông dân trong sản xuất, kết nối giữa "Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp" để sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng, tìm đầu ra cho sản phẩm, tránh tình trạng được mùa mất giá để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và sự phát triển của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.