Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp tỉnh cho học sinh trung học, năm học 2023 – 2024, có hơn 200 dự án đến từ 58 đơn vị đăng ký dự thi. Trong đó, có sự tham gia của 12 phòng GD&ĐT với 89 dự án; 33 trường THPT với 85 dự án; 9 trường PTDTNT THCS&THPT với 17 dự án; đặc biệt là có sự tham gia của các TT GDTX, với 10 dự án.
Sau vòng chấm sơ loại, Ban Tổ chức đã lựa chọn ra 95 dự án đến từ 39 đơn vị tham dự vòng thi chung kết, với tổng số 181 thí sinh dự thi và 95 giáo viên hướng dẫn.
Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi, phong trào nghiên cứu khoa học của học sinh trung học tỉnh Sơn La đã và đang phát triển bền vững và ổn định. Các đề tài nghiên cứu đã thể hiện sự nhiệt tình rất đáng trân trọng của các em học sinh trong việc cố gắng tìm kiếm câu trả lời nghiêm túc, hiệu quả cho nhiều vấn đề thiết thực trong cuộc sống hàng ngày.
Cuộc thi đã được triển khai rộng rãi từ cấp trường đến cấp huyện, cấp tỉnh và nhận được nhiều sự quan tâm của các cán bộ quản lý giáo dục, sự tham gia của nhiều giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhận được nhiều sự đầu tư, hỗ trợ về mọi mặt như chuyên môn, tài chính của các lực lượng trong và ngoài ngành.
Các đơn vị dự thi đã tích cực cử giáo viên hướng dẫn, hỗ trợ học sinh nghiên cứu, hầu hết không gian trưng bày các dự án đẹp mắt, đảm bảo tính khoa học và tính sư phạm theo quy định tại Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT ngày 02/11/2012 của Bộ GD&ĐT.
Công tác quản lý, chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy - học, bồi dưỡng giáo viên của các nhà trường cơ bản khá tốt, đặc biệt là các nội dung bồi dưỡng về nghiên cứu khoa học, về dạy học STEM đã bám sát theo sự chỉ đạo của ngành.
Cuộc thi cũng ghi nhận sự nỗ lực, niềm say mê khoa học và sự tận tụy trong công việc của các thầy cô giáo hướng dẫn dự án. Chính các thầy, cô giáo đã thắp lên ngọn lửa đam mê, khơi nguồn cảm hứng cho những ước mơ cao đẹp của các em học sinh, là người dìu dắt các em lần lượt đi tới những thành công. Các thầy, cô giáo đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết, không quản ngày đêm khó khăn hướng dẫn học sinh thực hiện dự án.
Về chất lượng các dự án, sau 11 năm triển khai, nhiều dự án đã được đầu tư bài bản, một số sản phẩm được đem kiểm nghiệm tại các cơ quan chức năng để đánh giá độ tin cậy của kết quả, sản phẩm nghiên cứu. Đa số dự án có cơ sở khoa học, mục tiêu, kế hoạch và phương pháp nghiên cứu rõ ràng.
Chất lượng dự án có nhiều cải tiến, có nhiều dự án thể hiện sự quan tâm đến những vấn đề của học sinh, đặc biệt là vấn đề tâm lý lứa tuổi; quan tâm đến nội dung học tập, như thiết kế các dụng cụ thực hành, thí nghiệm; quan tâm đến các vấn đề của quê hương Sơn La, như phát triển tiềm năng du lịch, nông sản, bảo tồn văn hóa, các nguồn dược liệu quý…
Nhiều dự án ứng dụng CNTT và phát huy sự sáng tạo của học sinh, nhiều dự án hướng tới lợi ích cộng đồng và có tính nhân đạo, tính tuyên truyền rất lớn. Một số dự án chứng minh năng lực phát hiện vấn đề và tự nghiên cứu của học sinh tương đối tốt.
Khi được phỏng vấn, các học sinh tự tin trình bày quy trình nghiên cứu, khảo sát, phân tích ... một cách khá tốt. Điều đó đã thể hiện việc chuyển từ cầm tay chỉ việc của giáo viên hướng dẫn sang việc định hướng cho học sinh tìm hiểu, nghiên cứu, làm quen với nghiên cứu khoa học.
Đây cũng là mục tiêu hướng tới của cuộc thi, là bước chuyển tích cực trong việc tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Kết thúc Cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 93 dự án đoạt giải, trong đó Ban Tổ chức đã trao 3 giải nhất, 12 giải nhì, 34 giải ba, 44 giải tư cho các thí sinh đoạt giải.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen cho 5 học sinh có dự án đoạt giải nhất; Tỉnh đoàn tặng bằng khen 20 cá nhân có dự án đoạt giải nhì; Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh tặng giấy khen cho 32 cá nhân có dự án đoạt giải ba; Hội Khuyến học tỉnh tặng giấy khen 35 cá nhân có dự án đoạt giải ba; Sở GD&ĐT tặng giấy khen cho 2 tập thể có thành tích xuất sắc nhất Cuộc thi và 3 giáo viên hướng dẫn có học sinh đoạt giải nhất tại Cuộc thi.