Ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.
10 người chết, mất tích do mưa lũ ở Sơn La
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, từ đêm ngày 22-25/7, trên địa bàn tỉnh Sơn La có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa từ 19h ngày 22/7 đến 19h ngày 25/7 phổ biến từ 100-300mm. Mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người, thiệt hại nặng nề tài sản của Nhà nước và nhân dân, đặc biệt là các huyện Vân Hồ, Mai Sơn, Thuận Châu, Sông Mã và thành phố.
Mưa lũ đã làm 9 người chết, 1 người mất tích, 5 người bị thương; hơn 2.300 nhà bị thiệt hại, trong đó, 125 nhà di dời khẩn cấp, 59 nhà thiệt hại trên 70%; 860 nhà ngập nước từ 1-3m… Cùng nhiều thiệt hại về giao thông, điện, nông nghiệp… Ước tổng thiệt hại 315,7 tỷ đồng.
Báo cáo công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ngay khi thiên tai xảy ra, các đoàn công tác của tỉnh đã trực tiếp có mặt tại địa bàn xảy ra thiên tai, chỉ đạo sơ tán dân, di dời bảo vệ các công trình, bố trí tạm thời nơi ở an toàn cho nhân dân.
Tổ chức ứng cứu các điểm bị cô lập, cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích. Các lực lượng công an, quân đội, lực lượng xung kích hỗ trợ người dân vùng ngập úng di dời người và tài sản, đảm bảo an ninh trật tự vùng bị ảnh hưởng thiên tai. Hỗ trợ kịp thời các hộ gia đình bị ảnh hưởng; đảm bảo không để xảy ra thiếu đói, không có nhà. Tổ chức tiêu độc, khử trùng phòng trừ dịch bệnh vùng bị thiên tai.
Huy động các phương tiện, máy móc thiết bị, khắc phục tạm thời các công trình đường, kè, điện, nền nhà, nước sinh hoạt để bố trí di chuyển dân ra khỏi vùng thiên tai. Nhân dân vùng bị thiên tai phát huy tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình khắc phục thiên tai cụ thể như: Nhường nhà ở tạm trong khi chưa có lán trại, hỗ trợ vật chất để nhân dân bị thiên tai sớm ổn định đời sống tại chỗ.
Công tác quản lý, thực hiện quy hoạch phòng, chống thiên tai còn yếu
Xác định nguyên nhân để xảy ra thiệt hại nghiêm trọng do mưa lũ, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La đã thẳng thắn chỉ ra rằng: Công tác thực hiện quy hoạch, đất đai, xây dựng gắn với quy hoạch phòng chống thiên tai còn bất cập, thiếu đồng bộ, nhất là ở các đô thị, khu dân cư tập trung, khu vực kinh tế phát triển.
Hiện nay, việc quy hoạch, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng chưa quan tâm đến xử lý thoát nước mặt, tiêu thủy. Tình trạng vi phạm lấn chiếm dòng chảy để xây dựng nhà, công trình diễn ra khá phổ biến nhưng chậm được xử lý, ngăn chặn.
Công tác quản lý, thực hiện quy hoạch phòng, chống thiên tai còn yếu, nhất là trong việc cảnh báo, di dời, bố trí sắp xếp các hộ dân đến nơi an toàn chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết, do đó khi thiên tai xảy ra thường gây thiệt hại lớn, hậu quả nặng nề, trong điều kiện ngân sách địa phương còn rất khó khăn.
Cùng với đó, một số chương trình phát triển KT-XH chưa chú trọng gắn liền công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường; đặc biệt ở khu vực nông thôn, phát triển sản xuất mang tính tự phát, phát triển cơ sở hạ tầng quy hoạch chưa đồng bộ, gắn liền với phòng, chống thiên tai hoặc can thiệp chưa phù hợp với các yếu tố quy luật tự nhiên, tạo taluy mái dốc.
Chưa thực sự chú trọng đến việc bồi bổ, cải tạo đất, nâng cao độ che phủ đất, làm cho khả năng điều hòa lũ của rừng và thảm thực vật bề mặt bị giảm, gây nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các huyện, thành phố đã báo cáo nhanh công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cũng như những kiến nghị, đề xuất với tỉnh. Các sở, ngành đã báo cáo về quy hoạch thoát nước tại một số điểm thường xuyên bị ngập úng trên địa bàn thành phố và đô thị các huyện; giải pháp khắc phục sạt lở đối với kết cấu hạ tầng giao thông, điện, thông tin; việc cân đối, phân bổ nguồn vốn cho công tác di dời dân cư…
Các địa phương cần tập trung cao hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai và có giải pháp lâu dài
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La đã ghi nhận sự vào cuộc, nỗ lực của các sở, ngành, các địa phương, đã chủ động triển khai các giải pháp để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống nhân dân.
Trên cơ sở báo cáo, đề xuất tại cuộc họp, trước mắt, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương tập trung cao hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai theo đúng quy định. Vận động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Khẩn trương sửa chữa ngay các công trình bị ảnh hưởng, đảm bảo kịp thời cung cấp điện, nước sạch, thông tin liên lạc, vệ sinh môi trường cho người dân.
Tiếp tục thực hiện bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; nhất là các công trình đang thi công dở dang, hồ đập xung yếu, công trình thủy điện, thủy lợi có nguy cơ mất an toàn cao. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thoát nước, phòng chống ngập úng đang triển khai. Trước mắt, thực hiện ngay các biện pháp cưỡng chế giải phóng mặt bằng, nạo vét, khơi thông, đảm bảo lưu thông dòng chảy tại khu vực đang thi công.
Tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, chủ động sơ tán các hộ dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; trường hợp cần thiết thì có biện pháp cưỡng chế buộc di dời, sơ tán.
Rà soát kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; ngân sách tỉnh năm 2024 để dừng, giãn, hoãn các nhiệm vụ, dự án chưa thực sự cần thiết để có nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai. Rà soát, đánh giá nguyên nhân ngập lụt tại các huyện, thành phố để có giải pháp tổng thể thoát lũ phòng tránh ngập lụt. Phân công lãnh đạo địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực theo dõi, sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai 24/24 trong những ngày bão lũ cao điểm theo phương châm "bốn tại chỗ".
Về lâu dài, tổ chức triển khai có hiệu quả nội dung Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Làm tốt công tác thông tin truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về thủy lợi, phòng chống thiên tai nhằm nâng cao nhận thức của người dân nhất là tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông suối, hạ lưu các hồ đập, vùng trũng thấp để các cấp chính quyền địa phương và người dân biết, chủ động phòng tránh;
Trên cơ sở ảnh hưởng của đợt mưa lũ vừa qua và những năm gần đây, rà soát các khu vực thường xuyên bị lũ quét, ngập úng, sạt lở đất khi sảy ra mưa lớn, đối chiếu với Quy hoạch đã được phê duyệt để đề xuất cấp có thẩm quyền đưa vào các chương trình, dự án, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.
Khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 và kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phải ưu tiên các công trình phòng chống thiên tại, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Rà soát, điều chỉnh quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện đại hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm thiên tai; triển khai Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Tăng cường đầu tư xây dựng các công trình phòng chống thiên tai bằng các hình thức công trình và phi công trình, chú trọng trồng rừng ở vùng rừng phòng hộ đầu nguồn, vùng nguy cơ sạt lở cao.
Sắp xếp thứ tự ưu tiên, từng bước đầu tư xây dựng, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, các công trình phòng, chống, chế ngự lũ quét, sạt lở đất.
Tăng cường quản lý, kiểm soát, không để người dân làm nhà ở, lấn chiếm, ngăn cản, vùi lấp lòng sông, suối, các hang thoát lũ tự nhiên... làm tăng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập úng.