dd/mm/yyyy

Sản lượng thấp, nhu cầu tăng cao đẩy giá tiêu tăng cuối tuần

Thị trường tiêu trong nước hôm nay đồng loạt tăng 500 đồng, chốt ở 93.000 – 95.000 đồng/kg. Nhiều tỉnh Tây Nguyên đang bước vào mùa khô với thời tiết nắng nóng gay gắt. Thời điểm này, người trồng hạt tiêu đang tranh thủ tập trung nhân lực cho việc thu hái nhằm sớm kết thúc mùa vụ để tái chăm sóc cây trồng.

Theo khảo sát, giá tiêu hôm nay tăng trở lại 500 đồng/kg, hiện giá giao dịch dao động trong khoảng 93.000 - 95.000 đồng/kg.

Cụ thể, hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai cùng điều chỉnh giá tiêu lên chung mức 93.000 đồng/kg.

Các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước nâng giá tiêu lên mức cao nhất là 95.000 đồng/kg.

Sản lượng thấp, nhu cầu tăng cao đẩy giá tiêu tăng cuối tuần- Ảnh 1.

Thị trường tiêu trong nước hôm nay đồng loạt tăng 500 đồng, chốt ở 93.000 – 95.000 đồng/kg.

Sản lượng thấp, nhu cầu tăng cao đẩy giá tiêu tăng cuối tuần- Ảnh 2.

Do sản lượng thấp, trong khi nhu cầu tăng cao đẩy giá tiêu liên tục tăng. So với tháng 3/2020 (giá tiêu chạm đáy 34.000 đồng/kg), thì ở thời điểm hiện tại, giá tiêu đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, và tăng 25-30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định về giá hạt tiêu trong thời gian tới, ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hạt tiêu Chư Sê (Gia Lai), dù giá tiêu vẫn có lúc tăng lúc giảm, nhưng xu hướng chung trong năm nay là giá sẽ tiếp tục tăng lên và có thể quay trở lại mốc hơn 100.000 đồng/kg trong thời gian không xa.

Theo nguồn Hiệp hội Hạt tiêu Quốc tế (IPC), giá tiêu thế giới hôm nay có diễn biến như sau:

- Giá tiêu đen Lampung Indonesia chốt ở 4.180 USD/tấn, giảm 0,05%;

- Giá tiêu đen Brazil ASTA 570 chốt ở 4.400 USD/tấn, không đổi;

- Giá tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA chốt ở 4.900 USD/tấn, không đổi;

- Giá tiêu trắng Muntok Indonesia chốt ở 6.187 USD/tấn, giảm 0,05%;

- Giá tiêu trắng Malaysia ASTA chốt ở 7.300 USD/tấn, không đổi.

Sản lượng thấp, nhu cầu tăng cao đẩy giá tiêu tăng cuối tuần- Ảnh 3.

Bảng giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng hàng ngày

Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) cho biết sản lượng tiêu toàn thế giới sẽ giảm khoảng 2% trong năm 2024.

Không nằm ngoài xu hướng, sản lượng tiêu của Việt Nam có thể giảm xuống khoảng 170.000 tấn, tuy nhiên xuất khẩu vẫn có thể đạt khoảng 240.000 tấn. Sản lượng của Brazil sẽ giảm mạnh hơn do các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu.

Giá tiêu hiện vẫn ổn định và có thể có khả năng tăng thời gian tới. Nguồn cung vẫn chưa thể đáp ứng đủ cầu.

Không giống như nghệ hay gừng, giá cả tăng lên mỗi năm, các trang trại trồng nhiều hơn và năm sau giá lại giảm, hạt tiêu cần 3 - 4 năm tới mới đảm bảo được nguồn cung do tình trạng thiếu diện tích trồng đã xuất hiện từ 3 năm trước. Các vùng trồng hiện tại cũng phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu song nhu cầu dài hạn về tiêu vẫn rất mạnh.

Thực tế thời điểm này chỉ có Việt Nam đang thu hoạch nhiều. Giá thế giới cao hơn trong nước, thêm tâm lý sợ thiếu hàng và tăng giá nên nhiều doanh nghiệp chủ động tăng lượng mua vào, đẩy giá hồ tiêu tăng nóng.

Theo thông tin từ Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), Việt Nam cung cấp khoảng 50% sản lượng tiêu toàn cầu, nhưng do diện tích suy giảm mạnh, sản lượng tiêu của Việt Nam trong năm 2024 có thể sẽ ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. 

 

Nguyễn Phương