dd/mm/yyyy

Sa Pa - Hành trình từ Trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa

Hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa và chào mừng 65 năm Bác Hồ lên thăm Lào Cai, UBND thị xã Sa Pa (Lào Cai) vừa tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế “Sa Pa – Hành trình từ Trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa”.
 Hành trình từ Trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa - Ảnh 1.

Một góc khu du lịch quốc gia Sa Pa. Ảnh: Cổng thông tin Điện tử thị xã Sa Pa.

Cao trạm khu vực Sa Pa - tiền thân khu du lịch quốc gia Sa Pa

Hội thảo có sự tham gia của 165 đại biểu, khách mời là nhà khoa học, giới chuyên môn, nhà quản lý trên nhiều lĩnh vực tại các cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước.

Cách đây tròn 120 năm, năm 1903, đoàn thám hiểm của sở Địa lý Đông Dương, sau nhiều ngày khảo sát đã phát hiện cảnh quan kỳ vĩ của cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả, Đoàn đặt tên Cao trạm khu vực là Sa Pa. 

Đây được coi là dấu mốc ban đầu hình thành khu du lịch Sa Pa. Năm 1905, một đoàn khảo sát người Pháp đã tổ chức thám hiểm và đặt được mốc tiêu trên đỉnh Fansipan. 

Ngày 2/6/1909, Chánh sứ Lao Kay (tên cũ của tỉnh Lào Cai) trình Thống sứ Bắc Kỳ đề nghị thành lập khu điều dưỡng trên cao trạm Sa Pa. Cũng từ sau dấu mốc đó là quá trình phát triển của Sa Pa theo năm tháng với những công trình lần lượt được dựng lên, những hoạt động mang tính du lịch được từng bước phát triển.

 Hành trình từ Trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa - Ảnh 2.

Khu du lịch quốc gia Sa Pa nổi tiếng bởi ruộng bậc thang. Ảnh: Cổng thông tin Điện tử thị xã Sa Pa.

Từ cuối thập kỷ 20 đến đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX, tốc độ xây dựng thị trấn Sa Pa được đẩy mạnh nhanh chóng, với 3 lần quy hoạch trở thành khu du lịch có tiếng, bao gồm 3 khu chủ yếu là Phố Khách, An Nam, Xuân Viên. Các khách sạn lớn, biệt thự chủ yếu của người Pháp mọc lên ngày càng nhiều, ngoài ra còn xây dựng vườn hoa, sân chơi; xác định các điểm du lịch như Hang Đá, Thác Bạc, Cầu Mây phục vụ cho du lịch và nghỉ dưỡng. 

Hình thành khu du lịch thị trấn Sa Pa ngay từ đầu không phải vì mục đích thương mại hay kỹ nghệ mà là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng. 

Năm 1930, Cao trạm Sa Pa được dùng điện, từ đó tốc độ xây dựng ở Sa Pa được đẩy mạnh, từ năm 1938-1939 có đến 3.000 du khách đến Sa Pa. Đến năm 1943, Sa Pa có khoảng 200 biệt thự và nhà do người Pháp xây dựng mang đậm nét kiến trúc phương Tây.

 Hành trình từ Trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa - Ảnh 3.

Mùa thu Sa Pa đẹp ngỡ ngàng khi vào mùa lúa chín. Ảnh: Mùa Xuân.

Sau Đại hội Đảng bộ lần thứ X (1991) và lần thứ XI (1996) Lào Cai đã chú trọng phát triển mạnh mẽ du lịch và xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng. 

Đặc biệt, huyện Sa Pa đã tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, phối hợp với Viện quy hoạch Bộ xây dựng tập trung chỉ đạo xây dựng thị trấn Sa Pa thành thị trấn du lịch với quy mô mở rộng từ 120 ha lên 300 ha. Tỉnh Lào Cai đã dành một phần ngân sách đáng kể để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch bao gồm: Kéo điện lưới quốc gia, xây dựng nhà nghỉ, khu vui chơi, xây dựng hệ thống nước sạch, tuyến đường nội thị, cải tạo tuyến đường nối Lào Cai với Sa Pa…

Từ đó khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Sa Pa ngày một đông hơn. Những tiềm năng, thế mạnh của du lịch Sa Pa dần dần được đánh thức. Ngoài loại hình du lịch nghỉ dưỡng nhằm tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, du lịch Sa Pa thời gian này còn mở rộng du lịch sinh thái, văn hóa với các điểm du lịch như Hàm Rồng, Bãi đá cổ, thác Bạc, cầu Mây, Cát Cát, Tả Phìn… 

Năm 2017, thị xã Sa Pa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu du lịch Quốc gia mang tầm cỡ Quốc tế, từ đó tạo tiền đề cho việc quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư, thu hút khách du lịch đến với Sa Pa. Ngày 01/01/2020, Thị xã Sa Pa được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử dành cho sự phát triển của Sa Pa và là cơ hội mở ra để xây dựng đô thị Sa Pa xứng tầm là Khu Du lịch quốc gia và vươn tới đẳng cấp quốc tế, đồng thời là dấu mốc quan trọng của hoạt động du lịch thị xã nói riêng. Lúc này, Sa Pa có 16 đơn vị hành chính với 6 phường và 10 xã.

 Hành trình từ Trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa - Ảnh 4.

Sa Pa điểm đến hấp dẫn du khách 4 bốn mùa. Ảnh: Quyền Anh Tuấn.

Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết: Phát huy những lợi thế về điều kiện tự nhiên và nhân văn riêng có, trong những năm gần đây du lịch Sa Pa đã và đang có những bước phát triển vượt bậc cả về chất và lượng với tốc độ tăng trưởng đạt 45,17%. 

Từ đầu năm 2023 đến nay lượng khách du lịch đạt hơn 2,68 triệu lượt khách, bằng 138,6% so với cùng kỳ năm 2022, dự kiến hết năm 2023, thị xã sẽ đón trên 3,5 triệu lượt khách, doanh thu hơn 12 nghìn tỷ đồng. 

Nhìn lại chặng đường hành trình từ Trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa, chúng ta càng tự hào và khẳng định vị thế của du lịch Sa Pa với bề dày 120 năm hình thành và phát triển. Và đây cũng là mốc thời gian để chúng ta tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và nhận diện giá trị tài nguyên du lịch đặc trưng của Sa Pa trong suốt hành trình hình thành và phát triển.

Xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa mang tầm Quốc tế

Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa nhấn mạnh, để thị xã Sa Pa phát triển thành Khu du lịch quốc gia mang tầm cỡ quốc tế đòi hỏi phải có những giải pháp tổng thể, đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành.

Phát triển du lịch Sa Pa phải được thực hiện trên nguyên tắc phát triển đi đôi với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số; phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên (khí hậu, cảnh quan) và vấn đề bảo đảm an ninh, quốc phòng, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường, đặc biệt quy hoạch phải đi trước một bước. 

Sa Pa sẽ tập trung xây dựng và phát triển trung tâm Khu du lịch quốc gia Sa Pa và các phân khu du lịch có hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật tiện ích, dịch vụ đồng bộ, trong đó tập trung tái thiết khu vực vùng lõi trung tâm Sa Pa, phát triển các chức năng hỗn hợp đô thị dịch vụ du lịch. Mở rộng không gian đô thị về phía Đông Bắc, hình thành các trung tâm đô thị, dịch vụ, du lịch mới. 

 Hành trình từ Trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa - Ảnh 5.

Hội thảo khoa học Quốc tế “Sa Pa – Hành trình từ Trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa”. Ảnh: Trọng Bảo.

Phát triển các khu chức năng đô thị, dịch vụ du lịch chất lượng cao gắn với chủ đề văn hóa Sa Pa dọc thung lũng Mường Hoa, Suối Hồ. Giữ gìn, cải tạo, mở rộng các bản làng truyền thống trong đô thị kết hợp phát triển du lịch cộng đồng; bảo tồn phát huy các giá trị cảnh quan tự nhiên, công trình kiến trúc như danh thắng ruộng bậc thang, Khu trạm khắc đá cổ, núi Hàm Rồng.... 

Tại Hội thảo, các tư liệu, luận cứ khoa học đã được các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích để làm sáng tỏ thêm về vai trò, giá trị của vùng đất và con người Sa Pa trong tiến trình lịch sử 120 năm hình thành và phát triển từ Trạm nghỉ dưỡng đến Khu du lịch quốc gia Sa Pa.

Đồng thời, tiếp thu những định hướng và giải pháp góp phần phát triển du lịch Sa Pa thành ngành kinh tế mũi nhọn, tiến tới xây dựng Sa Pa thành Khu du lịch Quốc gia mang tầm Quốc tế.       

Mùa Xuân