dd/mm/yyyy

Sa Pa đẩy mạnh phát triển cây dược liệu

Cây dược liệu đang được coi là một trong những cây trồng mũi nhọn của ngành nông nghiệp thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Clip:  Cây dược liệu tía tô của HTX Farm Sa Pa SeCrets, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa.

Thị xã Sa Pa có tiềm năng, lợi thế về khí hậu mát mẻ quanh năm để duy trì và phát triển nhiều loại dược liệu quý có giá trị y dược cao như: Atiso, chè dây, giảo cổ lam, đương quy và các loại cây dược liệu bản địa khác... Từ những cây dược liệu đã tạo nên nguồn nguyên liệu chính để sản xuất thuốc tắm.

Cây dược đã được bà con nông dân trồng và nhân rộng từ nhiều năm nay nên người dân có nhiều kinh nghiệm trong phát triển trồng, chăm sóc các loại dược liệu bản địa.

Cùng với đó, sự tham gia của các Công ty, HTX ký hợp đồng liên kết đầu tư và thu mua nguyên liệu trên địa bàn thị xã nên đầu ra sản phẩm bước đầu được ổn định, người dân yên tâm sản xuất.

Sa Pa đẩy mạnh phát triển cây dược liệu - Ảnh 2.

Vùng trồng dược liệu của HTX Farm Sa Pa SeCrets, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa. Ảnh: Anh Xuân.

Chị Trần Anh Xuân, Giám đốc HTX Farm Sa Pa SeCrets, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, chia sẻ: Hiện nay HTX đang chiết xuất tinh dầu từ cây tía tô bản địa Sa Pa. Đồng thời, HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu trồng tía tô lên tới 30 ha, cung cấp giống tía tô cho người dân trồng được 10 ha.

Các sản phẩm chính được tạo ra từ tía tô như, trà túi lọc, cao, tinh dầu tía tô, sữa rửa mặt, dầu gội, sữa tắm... đã tạo thành thương hiệu riêng vốn có ở vùng đất Sa Pa và thị trường trong, ngoài tỉnh.

Sa Pa đẩy mạnh phát triển cây dược liệu - Ảnh 3.

Tía tô là một trong những cây dược liệu rất tốt cho sức khỏe. Ảnh: Mùa Xuân.

Đến nay, tổng diện tích trồng dược liệu trên địa bàn thị xã Sa Pa có 220 ha chủ yếu là atiso, đương quy, chùa dù, tía tô, cây khôi nhung, hoàng sin cô... Trong đó, diện tích cây dược liệu hàng năm là 125 ha; diện tích cây dược liệu lâu năm là 93 ha.

Ngoài ra, cây dược liệu lâu năm có 95 ha gồm cây chè dây, cây sa nhân tím, cây dược liệu khác...

Sa Pa đẩy mạnh phát triển cây dược liệu - Ảnh 4.

Cây dược liệu mang lại thu nhập ổn định cho người dân Sa Pa. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, cho biết: Giá trị kinh tế đem lại của việc trồng cây dược liệu đã giúp chuyển đổi kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thị xã, tăng giá trị sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác.

Đồng thời, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập của các hộ nông dân tham gia trồng cây dược liệu, góp phần không nhỏ vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo cho người dân.

Sa Pa đẩy mạnh phát triển cây dược liệu - Ảnh 5.

Từ trồng cây dược liệu đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, để phát triển cây dược liệu gắn với du lịch, Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa đã có những giải pháp triển khai cụ thể, quy hoạch phát triển vùng cây dược liệu. Phối hợp với Viện Dược liệu quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu thị xã Sa Pa giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng năm 2030. Trong đó, tập trung tại các phát triển vùng trồng tại các xã có thế mạnh về du lịch như: Tả Phìn, Thanh Bình, Mường Hoa…

Lồng ghép 3 nguồn vốn chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 thuộc nguồn vốn chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giảm nghèo bền vững, nông thôn mới để triển khai các dự án hỗ trợ phát triển cây dược liệu trên địa bàn thị xã cho bà con nhân dân.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, vận động người dân, cộng đồng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng truyền thống sang phát triển sản xuất cây dược liệu; bảo tồn khai thác hợp lý nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên. Nhằm hướng đến sử dụng nguồn dược liệu bền vững và bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch.

Sa Pa đẩy mạnh phát triển cây dược liệu - Ảnh 6.

Người dân thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai chăm sóc cây dược liệu Actiso. Ảnh: Mùa Xuân.

Mặc dù cây dược liệu trên địa bàn thị xã Sa Pa đang phát triển mạnh, tuy nhiên, hình thức tổ chức sản xuất vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, các hình thức hợp tác còn ít và vẫn chưa phát huy hết vai trò và hiệu quả. Do vậy, việc phát triển sản xuất cây dược liệu vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Chi phí sản xuất đầu vào cho cây dược liệu cao hơn nhiều so với các cây trồng truyền thống khác. Yêu cầu về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công chăm sóc cao nên bà con nhân dân vùng cao gặp khó khăn trong việc đầu tư sản xuất nếu không có hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp.

Các sản phẩm dược liệu chủ yếu chế biến thô rồi xuất bán, cơ sở sản xuất, chế biến thuốc, thực phẩm chức năng chưa phát triển. Điều này dẫn đến chưa gia tăng giá trị kinh tế của cây dược liệu nên người dân không mạnh dạn chuyển đổi đất trồng dược liệu.

Do đó, thời gian tới, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành tỉnh Lào Cai để có cơ chế chính sách  khuyến khích thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư phát triển, liên doanh liên kết sản xuất dược liệu bền vững.

Mùa Xuân