Sa Pa: Bàn phương án giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo bám và ăn xin

PV Tây Bắc

01/04/2025 12:24 GMT +7

UBND thị xã Sa Pa vừa tổ chức buổi làm việc với các đơn vị trường học bàn các phương án giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo bám và ăn xin trên địa bàn.

UBND thị xã Sa Pa làm việc với các đơn vị trường học có đối tượng là học sinh tham gia bán hàng rong, nhảy múa, ăn xin. Ảnh: Truyền hình Sa Pa.

Theo báo cáo nhanh từ các nhà trường bằng hình ảnh về công tác rà soát, nắm bắt các đối tượng là học sinh của nhà trường tham gia chèo kéo, đeo bám khách để bán hàng rong và ăn xin trên địa bàn phường Sa Pa. Hiện có 51 học sinh, chủ yếu là của các trường học đóng trên địa bàn phường Cầu Mây, xã Hoàng Liên và xã Tả Van đang tham gia chèo kéo, đeo bám khách để bán hàng rong.

Đặc biệt có các em nhỏ của một số trường mầm non đã tham gia nhảy múa ăn xin gây hình ảnh phản cảm và ảnh hưởng đến quyền được vui chơi, học hành của các em. Cuộc họp cũng dành thời gian để các đại biểu thảo luận, tham gia ý kiến bàn các giải pháp giải quyết tình trạng trên…

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Đỗ Văn Tân đã kết luận: Việc đề ra các phương án giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo bám và ăn xin trên địa bàn phường Sa Pa đã được triển khai nhiều năm qua, tuy nhiên, do nhiều yếu tố. Trong đó, có vấn đề về nhận thức hạn chế của người dân mà chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên tình trạng trên vẫn chưa giải quyết dứt điểm được, gây hình ảnh xấu xí đối với Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, đồng thời vi phạm quyền trẻ em…

Chính vì vậy, việc thực hiện các giải pháp giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo bám và ăn xin trên địa bàn phường Sa Pa cần phải quyết liệt hơn, cụ thể hơn, đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong đó có các trường học trên địa bàn, bởi đây là một kênh rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục các bậc phụ huynh và học sinh...

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Đỗ Văn Tân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Truyền hình Sa Pa.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cũng nêu rõ đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của các Nhà trường nói chung và của các thầy, cô giáo nói riêng để cùng với chính quyền địa phương giáo dục, chăm sóc và bảo vệ quyền cho các em, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn…

Về nhiệm vụ cụ thể, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa Đỗ Văn Tân giao cho phường Sa Pa cử người chụp ảnh, quay phim gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp về số học sinh tham gia đi múa xin tiền và chèo kéo đeo bám khách bán hàng rong, việc quay hình phải xong trước ngày 7/4.

Đề nghị các trường học có học sinh tham gia chèo kéo đeo bám khách cần phải tăng cường công tác quản lý bằng biện pháp cử người cuối tuần lên rà soát, chụp ảnh để có được số liệu điều tra cụ thể, cơ bản nhất. Đồng thời, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của các học sinh tham gia bán hàng rong, nhảy múa, ăn xin một cách chi tiết, cụ thể báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo xong trước 15/4 để có giải pháp thực hiện. Riêng trường Mầm non Lao Chải xong trước 10/4...

Cùng với đó, các nhà trường khi có thông tin, cần cung cấp ngay cho các xã, phường để đưa lên tuyên truyền, nêu tên trực tiếp trên hệ thống loa truyền thanh của địa phương.. đối với các trường có học sinh bán trú cần có biện pháp tuyên truyền chuyên đề, thường xuyên.

Sa Pa bàn các phương án giải quyết tình trạng chèo kéo, đeo bám và ăn xin trên địa bàn các xã, phường. Ảnh: Mùa Xuân.

Trên cơ sở hình ảnh đã có, các nhà trường làm clip triển khai họp tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh theo từng lớp, xong trước ngày 15/4; Giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra đôn đốc các Nhà trường triển khai thực hiện.

Giao Trung tâm Văn hóa, Thể thao- Truyền thông Sa Pa phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hầu Thào, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sử Pán,Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lao Chải làm phóng sự tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, phụ huynh và các em học sinh.