Clip: Tạo cú hích trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Hỗ trợ đồng bào dân tộc nâng cao thu nhập
Yên Châu (Sơn La) vùng đất sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Mông, Kinh, Xinh Mun, Khơ Mú… Huyện có 56km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn của nước CHDCND Lào. Nhận thức rõ, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân các dân tộc là nhiệm vụ chính trị quan trọng, huyện Yên Châu đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp, các ngành huyện Yên Châu ưu tiên thực hiện, đó chính là tập trung đầu phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Lò Chung Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Chiềng Đông là xã vùng III của huyện Yên Châu, kinh tế của xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Toàn xã có trên 1.800 hộ dân, trong đó trên 90% hộ đồng bào dân tộc. Những năm qua, xã đã tích cực phối hợp với đơn vị, phòng ban chuyên môn của huyện huyện triển khai đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định.
Thực hiện nội dung đột phá sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, Đảng ủy xã đã ban hành nhiều nghị quyết lãnh đạo phát triển kinh tế với nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế. Đẩy mạnh thực hiện nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, như: Cải tạo vườn tạp trồng nhãn chín muộn, xoài ghép ở bản Chai; nuôi cá ở bản Nặm Ún; trồng tỏi ở bản Đông Tấu; trồng dưa lưới, măng tây ở bản Luông Mé; nuôi gà thả vườn tại bản Thèn Luông...
Trong đó, đảng viên là nhân tố tích cực đi đầu hỗ trợ hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ cấu giống cây trồng vật nuôi phù hợp, sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao thu nhập. Hiện nay, toàn xã có trên 630ha cây ăn quả, 60ha rau màu, 80ha tỏi; duy trì trên 6.680 con gia súc, 34.000 con gia cầm, 25ha mặt nước nuôi thủy sản.
Phát triển thế mạnh vùng đồng bào dân tộc
Về xã Phiêng Khoài lần này, ấn tượng với chúng tôi là những màu xanh của vườn cây mận hậu. Phiêng Khoài có hơn 20km đường biên giới với nước bạn Lào. Xã có 4 dân tộc Kinh, Thái, Mông, Xinh Mun sinh sống tại 30 bản, trong đó có 19 bản đặc biệt khó khăn.
Trước đây, sản xuất của bà con vẫn còn mang nặng tính tự cung, tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã ở mức cao. Làm thế nào để xóa được đói, nghèo cho người dân là điều cấp ủy, chính quyền xã Phiêng Khoài luôn trăn trở. Cây mận hậu, được địa phương này lựa chọn để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn.
Gia đình ông Lò Văn Đôi, bản Cồn Huất, xã Phiêng Khoài (Yên Châu, Sơn La) chuyển hơn 2 ha đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng mận hậu từ năm 2010. Những năm qua, cây mận phát triển tốt, cho năng suất cao, trung bình gia đình ông thu về khoảng 30- 35 tấn quả mỗi năm. Sau khi trừ tất cả chi phí, gia đình ông Đôi thu về gần 200 triệu đồng/năm. Từ khi trồng mận, gia đình ông Đôi đã có của ăn của để, không phải lo cái đói cái nghèo nữa.
Hiện, xã Phiêng Khoài có trên 1.300 ha mận hậu, trong đó hơn 1.200 ha cho thu hoạch. Nhờ những cách làm cụ thể, hiệu quả, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Phiêng Khoài giảm xuống còn dưới 32%. Đời sống của người dân từng bước được nâng lên.
Ông Lù Văn Cường, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cho biết: Thực hiện Chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu sô (DTTS) và miền núi, thời gian qua huyện Yên Châu đang triển khai các dự án thành phần và hàng chục tiểu dự án với tổng nguồn vốn được giao trên hàng trăn tỷ đồng. Từ nguồn lực được phân bổ huyện đã đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp hàng chục công trình dự án đầu tư cơ sở vật chất như nhà văn hóa, đường giao thông trường lớp học, nước sinh hoạt, sắp xếp dân cư vùng thiên tai.
Nhờ có những chính sách này, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của huyện Yên Châu đã có những đổi thay tích cực. Hiện, 100% các xã trên địa bàn đã có đường ô tô, điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, bản, hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu nước phục vụ cho sản xuất, trường học, trạm y tế cơ bản hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Có thể nói, việc triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai tại huyện Yên Châu đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị tham gia. Nhờ đó, trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả, góp phần giúp người dân có việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, vượt lên làm giàu.