Ông Hùng “nông thôn mới”

KIỀU BÌNH ĐỊNH

30/03/2017 19:00 GMT +7

Từ những đóng góp của những trưởng thôn như ông Phạm Đức Hùng mà xã Hòa Đông huyện Krông Pách tỉnh Đắc Lắk đã về đích trong xây dựng nông thôn mới

Trưởng thôn Phạm Đức Hùng (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới. Ảnh: THỦY BÌNH
Trưởng thôn Phạm Đức Hùng (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới. Ảnh: THỦY BÌNH

Không phải là xã điểm nông thôn mới của tỉnh Đắk Lắk, nhưng nhờ biết huy động hiệu quả sức dân, nên xã Hòa Đông, huyện Krông Pách sớm “về đích” xây dựng nông thôn mới. Trong thành tích chung đó có đóng góp không nhỏ của ông Phạm Đức Hùng, Trưởng thôn thôn Hòa Thành. Người dân địa phương quý mến gọi ông là “Trưởng thôn nông thôn mới”.

Luôn gương mẫu đi đầu

Cuối tháng 9-2016, Trưởng thôn Phạm Đức Hùng vinh dự là một trong số 200 đại biểu dự hội nghị biểu dương cán bộ thôn, buôn tiêu biểu vùng Tây Nguyên lần thứ nhất. Báo cáo tham luận của ông về kinh nghiệm vận động nhân dân trong thôn chung sức xây dựng nông thôn mới rất cuốn hút người nghe, không chỉ bởi sát thực tế, mà còn nêu bật được cách làm hay, kinh nghiệm quý trong công tác tuyên truyền, vận động, đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.

Giữa tháng 11, chúng tôi về thôn Hòa Thành, xã Hòa Đông để được trò chuyện với người “thủ lĩnh” phong trào xây dựng nông thôn mới trên vùng đất Tây Nguyên. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, ông quê gốc xã Yên Tiến, huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định); bố đẻ là thương binh, anh trai là sĩ quan quân đội. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam Ninh, năm 1978, Phạm Đức Hùng theo tiếng gọi của Đảng tham gia đội hình đoàn cán bộ, công nhân lao động miền Bắc vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới. Những năm đầu sau giải phóng, vùng đất Tây Nguyên còn hoang sơ, nghèo nàn và lạc hậu. Kinh tế manh mún, kỹ thuật canh tác nông nghiệp của nông dân, thậm chí của cả công nhân các nông-lâm trường quốc doanh, HTX nông nghiệp thấp kém; lao động chủ yếu bằng thủ công, dựa vào sức người, việc sử dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp không đáng kể.

Theo phân công của tổ chức, Phạm Đức Hùng trở thành giáo viên Trường Công nhân cơ khí nông nghiệp tỉnh Đắc Lắc (sau này chuyển thành Trường Trung cấp Nông nghiệp). Từ năm 1978 đến 1994, thầy giáo dạy nghề Phạm Đức Hùng đã truyền đạt kiến thức sửa chữa, sử dụng máy kéo cho hàng nghìn công nhân, nông dân, góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, giải phóng sức lao động.

Năm 1982, Phạm Đức Hùng lập gia đình với cô giáo của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Bé, ở xã Hòa Đông. Kể từ đó, ông cùng gia đình gắn bó với vùng đất Hòa Thành, xã Hòa Đông, coi Tây Nguyên là quê hương thứ hai của mình. Hai vợ chồng là giáo viên, trong thời điểm đất nước chưa xóa bỏ bao cấp, đồng lương eo hẹp, đông con, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nên đến năm 1994, ông Hùng xin về nghỉ chế độ một lần, để có thời gian làm vườn và chăm lo cho các con. Do không có rẫy cà phê, hồ tiêu, hay cao su như nhiều hộ khác ở địa phương, nên thu nhập của gia đình ông rất thấp. Vì vậy, nhiều lần hộ ông Hùng được bình bầu đưa vào diện hộ nghèo, để được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, nhưng lần nào vợ chồng ông cũng từ chối. Bởi trong suy nghĩ của ông “mình khó khăn, thiếu thốn thật, nhưng thực tế vẫn còn nhiều hộ khó khăn hơn”, nên ông nhường phần chính sách ưu đãi đó cho hộ khác.

Gương mẫu, kiên trì, tự lực vươn lên, khi các con lần lượt tốt nghiệp đại học, ra trường tìm được công ăn việc làm ổn định, kinh tế gia đình ông dần được cải thiện, từ thiếu ăn, vươn lên đủ ăn, rồi có tích lũy. Từ căn nhà tạm, năm 2013, với sự hỗ trợ của người con gái thứ hai, ông đã xây được căn nhà kiên cố, khang trang. Trong câu chuyện về gia đình, ông Hùng tự hào vì cả bốn người con của ông đều học hành giỏi giang. Nay ba con lớn đã tốt nghiệp đại học có công ăn việc làm ổn định, còn cậu con trai út đang theo học năm cuối Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Các con ông nhiều năm là những tấm gương vượt khó, hiếu học của huyện Krông Pách, tỉnh Đắc Lắc.

Năm 2011, khi được bà con trong thôn tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, ông đã dồn hết tâm huyết lo toan công việc chung. Từ thực tiễn hơn 30 năm gắn bó với đất và người Tây Nguyên, ông hiểu khá rõ những thăng trầm, khó khăn thiếu thốn và cả những tiềm năng chưa được đánh thức của vùng đất mà ông xác định là quê hương thứ hai này. Trong công việc hằng ngày, ông thường ghi nhớ và vận dụng những lời huấn thị sâu sắc của Bác Hồ. Ông bảo, những lúc gặp việc khó, ông tự nhủ phải nhớ lời Bác dạy “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Nhờ phát huy tính gương mẫu của người cán bộ “nói đi đôi với làm”, thậm chí làm trước để dân noi theo, nên Trưởng thôn Phạm Đức Hùng đã huy động được nhiều sức dân, thực hiện hiệu quả Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Biết huy động nguồn lực trong dân

Cũng như nhiều thôn, buôn khác ở Tây Nguyên, khi khởi động chương trình xây dựng nông thôn mới, thôn Hòa Thành, xã Hòa Đông có xuất phát điểm rất thấp. Cụ thể trong 19 tiêu chí, Hòa Thành chỉ đạt tiêu chí về hệ thống chính trị, còn lại 18 tiêu chí đều chưa đạt. Vậy, làm thế nào để thực hiện thành công, nhất là trong điều kiện xã Hòa Đông không phải là xã chọn xây dựng điểm về nông thôn mới của huyện Krông Pách; thôn Hòa Thành cũng không phải là thôn điểm về xây dựng nông thôn mới của xã Hòa Đông. Điều này, đồng nghĩa với việc không được hỗ trợ ngân sách từ Trung ương, từ tỉnh, huyện cho xây dựng nông thôn mới, mà bản thân xã, thôn phải tự huy động nguồn lực trong nhân dân và nguồn ngân sách xã để thực hiện.

Thôn Hòa Thành được thành lập năm 1988, nằm về phía tây nam huyện Krông Pách, có diện tích 2,1km2 với 151 hộ, 602 nhân khẩu; trước năm 2010 là thôn khó khăn của xã, kinh tế của nhân dân chậm phát triển, hạ tầng xã hội chưa được đầu tư, nhất là hệ thống giao thông và trường mầm non. Trước tình hình ngân sách Nhà nước khó khăn, Trưởng thôn Phạm Đức Hùng đã cùng với các đồng chí trong Ban Tự quản thôn lặn lội đến từng hộ để hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập; đồng thời tranh thủ ý kiến nhân dân về việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi nhân dân đã thông suốt, đích thân Trưởng thôn lập kế hoạch, kiến nghị UBND xã hỗ trợ kinh phí và cam đoan với xã sẽ thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu trong năm 2014.

Được UBND xã hỗ trợ 10% kinh phí, nhân dân rất hào hứng thi đua, đóng góp 90% kinh phí để bê tông hóa đường giao thông trong thôn. Cụ thể năm 2012, thôn Hòa Thành tiến hành làm đường bê tông dài 300m. Đây là đoạn đường đầu tiên của xã do nhân dân tự thi công. Để thực hiện thành công phần việc này, trong quá trình thực hiện, ông cùng tập thể đã phát huy dân chủ, người dân được biết về mức hỗ trợ từ ngân sách xã, được tham gia bàn bạc về dự toán, quyết định mức đóng góp của từng hộ, được trực tiếp tham gia thi công, trực tiếp giám sát việc thi công; các khoản thu-chi được công khai rõ ràng, minh bạch cho toàn thôn. Chính vì vậy chỉ trong một thời gian ngắn, thôn đã tổ chức thi công xong, người dân đóng góp 170 triệu đồng, tương đương 90% giá trị công trình. Đây là tuyến đường mẫu để áp dụng cho các tuyến khác trong thôn và nhân rộng cho toàn xã.

Từ công trình đầu tiên trên, sau hơn 2 năm, thôn Hòa Thành đã huy động nhân dân đóng góp hơn 2 tỷ đồng, thi công được 2,3km đường bê tông; đầu tư 100% kinh phí mắc điện chiếu sáng công cộng trên tuyến đường dài hơn 2km; xây dựng 2km đường điện phục vụ sản xuất; vận động 30 hộ chỉnh trang, xây mới nhà ở; chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ được 1.000m; hơn 30 hộ tự đầu tư từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thôn còn vận động các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường mầm non trên địa bàn; tạo nguồn kinh phí chăm lo cho tổ dân phòng thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự trong thôn. Đến cuối năm 2014, thôn Hòa Thành đã “cán đích”, đạt 100% chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới. Tiêu biểu là về lĩnh vực kinh tế, thôn không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm, thậm chí một số hộ đạt 150 triệu đồng/người/năm nhờ làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tình hình an ninh trật tự trong thôn luôn được bảo đảm tốt; nhiều năm được Công an tỉnh, huyện tặng giấy khen.

Một trong những kinh nghiệm quý để Trưởng thôn Phạm Đức Hùng tổ chức vận động thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới, đó là phát huy tính tiên phong gương mẫu đi đầu của 21 đảng viên trong chi bộ thôn và 49 đảng viên sinh hoạt nơi cư trú. Các gia đình đảng viên không chỉ tích cực tham gia lao động, góp quỹ, mà còn hăng hái hiến đất, tháo dỡ công trình để phục vụ xây dựng hạ tầng nông thôn mới. Tiêu biểu như các đảng viên: Phan Ích Dân (Lữ đoàn Đặc công 198, Binh chủng Đặc công); Nguyễn Đình Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông; Trương Thị Trang, Bí thư chi bộ thôn; đảng viên Phạm Quang Lợi và hộ dân Nguyễn Thị Hạnh. Thôn trưởng Phạm Đức Hùng còn vận động, tranh thủ sự hỗ trợ về công lao động của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 198-đơn vị đóng quân trên địa bàn, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường nông thôn mới, xây dựng nhà cho hộ nghèo, trường mẫu giáo...

Nhận xét về Trưởng thôn Phạm Đức Hùng, đồng chí Nguyễn Đình Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, khẳng định: “Đồng chí Phạm Đức Hùng thực sự là Trưởng thôn tiêu biểu, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, nói đi đôi với làm, được nhân dân tin yêu, tín nhiệm. Đồng chí là tấm gương để các trưởng thôn trong xã học tập. Những thành công trong xây dựng nông thôn mới của thôn Hòa Thành tạo động lực lớn, khơi dậy phòng trào thi đua sôi nổi trong toàn xã. Nhờ vậy, tháng 7-2015, xã Hòa Đông được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, với kết quả toàn xã đã huy động 274 tỷ đồng đầu tư cho thực hiện chương trình, trong đó nguồn huy động trong nhân dân là 204 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 73%; riêng thôn Hòa Thành, tỷ lệ huy động trong dân chiếm 94%”.

Để giữ vững, nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương, Trưởng thôn Phạm Đức Hùng cho rằng, tới đây cần tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; tiếp tục thực hiện tốt hơn tiêu chí về môi trường và tiêu chí về an ninh trật tự, vì đây là những tiêu chí rất dễ sụt giảm khi có tác động tiêu cực. Có thêm những đảng viên “đầu tàu” như anh Phạm Đức Hùng, chúng tôi tin rằng, vùng đất Tây Nguyên sẽ có thêm nhiều thôn, xã tiêu biểu về xây dựng nông thôn mới.