Để sản phẩm OCOP Lào Cai không ngừng vươn xa, hội viên nông dân huyện Bảo Thắng có những cách làm hay trong tìm kiếm thị trường, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số và áp dụng linh động hiệu quả cơ chế, chính sách ưu đãi trong nông nghiệp.
Đồng hành cùng nông dân xây dựng sản phẩm OCOP Lào Cai
Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Kiều Hưng, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bảo Thắng, Lào Cai cho biết: Những năm qua, Bảo Thắng đã nỗ lực triển khai, đưa chương trình OCOP trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp của địa phương. Ngay từ năm 2018, thời gian đầu thực hiện chương trình này, Bảo Thắng đã ban hành kế hoạch triển khai, tổ chức tập huấn về phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm cho các hợp tác xã, cơ sở, chủ hộ sản xuất. Ngoài ra, huyện cũng tập trung hỗ trợ các chủ thể thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ, tư vấn kiểu dáng, nhãn hiệu và đẩy mạnh việc vận động người dân triển khai nhiều mô hình sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, hữu cơ...
Với thế mạnh về đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, người dân có trình độ sản xuất cao, tương đối đồng đều nên chương trình OCOP tại Bảo Thắng đã sớm gặt hái được nhiều thành quả. Hiện nay, Bảo Thắng là một trong những địa phương "top đầu" về số lượng sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt sao với 39 sản phẩm.
Nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của huyện Bảo Thắng đã khẳng định được lợi thế trên thị trường và hiện được tiêu thụ rộng rãi trên địa bàn cả nước và phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm mới, huyện cũng tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm đã được cấp chứng nhận đạt sao duy trì, nâng cao sản phẩm, phấn đấu "tăng sao" trong thời gian tới.
Bưởi Múc là loại cây ăn quả gắn với địa danh thôn Múc, xã Thái Niên. Đây là giống bưởi được người dân di thực từ tỉnh Hưng Yên lên trồng tại khu vực thôn Múc nhiều năm trước. Là sản phẩm đặc hữu, người dân địa phương đang có nhiều cách khác nhau để giữ vững thương hiệu, đưa sản phẩm đến với nhiều địa phương trong cả nước. Sản phẩm đã được công nhận đạt 4 sao cấp tỉnh. Mỗi quả bưởi Múc mà hợp tác xã đưa ra thị trường đều gắn Nhãn hiệu bưởi Múc, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tem sản phẩm OCOP. Hợp tác xã đã tập trung trong việc đảm bảo quy trình sản xuất an toàn đưa ra thị trường những quả bưởi Múc đạt chất lượng. Với nỗ lực của chính quyền địa phương, hợp tác xã và người dân tham gia liên kết sản xuất, những năm qua, sản phẩm bưởi Múc ngày càng khẳng định uy tín thương hiệu trên thị trường.
Là một trong những hợp tác xã tiên phong trong tham gia chương trình OCOP, năm 2022, Hợp tác xã Mạnh Hương được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Hà Thủ ô đỏ Lào Cai". Hiện hợp tác xã có 10 sản phẩm được UBND tỉnh Lào Cai chứng nhận, gồm 5 sản phẩm OCOP 3 sao là: Trà bí đao Mạnh Hương, Tinh bột nghệ viên mật ong Mạnh Hương, Tinh bột nghệ đen nguyên chất Mạnh Hương, Tinh bột nghệ đỏ nguyên chất Mạnh Hương, Tinh bột sắn dây Mạnh Hương và 3 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu: Bột tinh nghệ đỏ nếp Mạnh Hương, Bột sắn dây Mạnh Hương, Tinh bột nghệ đen nguyên chất Mạnh Hương. Bên cạnh các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, Hợp tác xã Mạnh Hương còn cung cấp các sản phẩm nông sản sạch tự nhiên, thảo dược sạch khai thác trong rừng cung cấp cho thị trường như: Hà thủ ô, cà gai leo, mật ong rừng, tam thất, nấm hương rừng, mộc nhĩ rừng, măng khô rừng, thảo dược sạch, trà bí đao, trà mướp đắng,…Mục tiêu của hợp tác xã là tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, trong thời gian tới nhằm thăng hạng cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh. Khách hàng sử dụng các sản phẩm của Hợp tác xã Mạnh Hương luôn cảm nận được hương vị, chất lượng trọn vẹn trong từng sản phẩm từ củ nghệ, củ sắn dây, cây thuốc nam với giá cả hợp lý.
Đa dạng các sản phẩm OCOP Lào Cai
Hợp tác xã chế biến thực phẩm sạch Gia Phú có 5 sản phẩm OCOP 3 sao: Thịt lợn sấy, thịt trâu sấy, thịt ba chỉ lợn hun khói, lạp sườn hun khói và xúc xích lợn. "Những tấm giấy thông hành OCOP vừa như lực đẩy, vừa như "gương soi" mỗi ngày để hợp tác xã và bà con nông dân tham gia chuỗi sản xuất, chế biến thực phẩm chung sức, đồng lòng duy nhất một mục tiêu "3 hơn", đó là sạch hơn, ngon hơn và giá cả phù hợp hơn". Bình quân mỗi tháng từ đây cung cấp ra thị trường 3 tạ thịt lợn sấy các loại (tương đương khoảng 1 tấn nguyên liệu thịt tươi đầu vào).
Hợp tác xã ký kết với hàng trăm hộ nông dân, hàng chục cơ sở giết mổ lợn theo nguyên tắc chất lượng là hàng đầu, hai bên cùng có lợi, điều chỉnh giá theo thị trường, thưởng phạt công minh. Riêng đối với thịt trâu, được chọn lựa, kiểm tra từ khâu mua nguyên liệu đầu vào là trâu sống nguyên con, rồi mới đưa vào nơi giết mổ tập trung. Nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, nhờ vậy thịt trâu sấy ra lò luôn dai mà mềm, ngọt vị và thơm hương đặc trưng". Hằng năm, Hợp tác xã Chế biến thực phẩm sạch Gia Phú đưa ra thị trường hơn chục tấn sản phẩm, tạo nên chuỗi sản xuất hiệu quả, tạo thu nhập ổn định và bền vững cho hàng trăm, hàng nghìn nông dân từ khâu chăn nuôi đến chế biến, phân phối sản phẩm.
Tại xã Xuân Quang, nghề nuôi ong lấy mật đã được bà con duy trì từ hàng chục năm nay, với đặc thù địa phương nhiều đồi núi với hoa trái bạt ngàn là điều kiện thuận lợi để người dân xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Sản phẩm mật ong ở đây được Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia công nhận không có dư lượng thuốc kháng sinh, không có hóa chất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này giúp nghề nuôi ong nơi đây phát triển, xây dựng thành sản phẩm hàng hóa. Sản phẩm Mật ong núi đá của Hợp tác xã Nậm Dù Xuân Quang đã vinh dự được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chứng nhận đạt danh hiệu "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2022".
Chia sẻ với chúng tôi, ông Cao Xuân Chiến – Giám đốc Hợp tác xã Hợp tác xã Nậm Dù Xuân Quang cho biết: Với phương trâm đưa sản phẩm đảm bảo chất lượng tới tay người tiêu dùng, chúng tôi đang từng bước đưa sản phẩm ra thị trường theo hình thức bán hàng truyền thống tại các cửa hàng, siêu thị và tiến tới bằng hình thức online trên các nền tảng mạng xã hội.
Có thể thấy, chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện Bảo Thắng thời gian qua đã mở ra cơ hội cho các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ xây dựng và khẳng định thương hiệu trên thị trường, góp phần khẳng định, nâng cao giá trị thương hiệu, tạo thêm cơ hội, tăng sức cạnh tranh cho nông sản của Bảo Thắng. Để sản phẩm OCOP của huyện Bảo Thắng vươn cao, vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP từng bước khẳng định, nâng cao giá trị thương hiệu, tạo thêm cơ hội, tăng sức cạnh tranh cho nông sản của Bảo Thắng nói riêng và nông sản tỉnh Lào Cai nói chung.