Hồ Ảng Cang tích nước, thêm nghề mới cho nông dân Mường Ảng
Sau gần 10 năm thi công, cuổi năm 2021, hồ Ẳng Cang, xã Ẳng Cang hoàn thành, bắt đầu tích nước. Mặt hồ rộng mênh mông với diện tích hơn 30ha. Với điều kiện thuận lợi về mặt nước và các thông số thủy lý hóa phù hợp, lòng hồ Ẳng Cang nước lặng, có độ sâu phù hợp. Đây là điều kiện lý tưởng cho nông dân Mường Ảng nuôi cá lồng, bè trên lòng hồ. Nuôi cá lồng được xem như giải pháp thay thế trong sản xuất nông nghiệp trên mặt đất vì phần lớn đất canh tác của người dân sinh sống tại đây đã bị ngập sâu.
Tiềm năng sẵn có, lợi ích từ việc nuôi cá lồng đã thấy rõ, nhất là để mở rộng diện tích nuôi cá thương phẩm với số lượng lớn. Huyện Mường Ảng đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con nuôi cá lồng trên lòng hồ. Để người dân có thêm kinh nghiệm chăn nuôi cá lồng, UBND huyện Mường Ảng đã làm việc với các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La để tổ chức cho người dân vùng lòng hồ tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy chia sẻ: "Để giúp người dân có thêm kinh nghiệm nuôi cá lồng, bè, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xây dựng mô hình trình diễn nuôi cá lồng để nhân dân học tập. Sau đó sẽ nhân rộng mô hình này đến người dân. Gia đình nào muốn chăn nuôi cá lồng, sau khi đăng ký, các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn cách làm lồng, bè nuôi cá đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Kỹ thuật chăn nuôi cá, để người dân nắm bắt được quy trình trong chăn nuôi"
Ông Lò Văn Pánh, Bí thư Chi bộ bản Mánh Đanh phấn khởi chia sẻ: "Tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng tại Mường La và Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La chúng tôi thấy mô hình nuôi cá lồng bè tại hai huyện này rất hiệu quả. Ngay sau chuyến tham quan học tập, nhiều gia đình đã đăng ký tham gia nuôi cá. Hiện nay mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Ẳng Cang đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo".
Nông dân Mường Ảng có thêm nghề mới, tăng thu nhập
Ngay sau Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện triển khai mô hình uôi cá lồng bè tại hồ Ẳng Cang. 10 hộ dân bản Mánh Đanh đã đăng ký tham gia. Các hộ tham gia được hỗ trợ con giống, đầu tư kinh phí làm lồng bè, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng. Sau hơn 3 tháng triển khai, cho thấy, bước đầu mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn. Thời điểm thả, cá rô phi đơn tính có kích thước từ 6 - 8cm/con; nay đã đạt gần 0,5kg/con. Đối với các loại cá khác vẫn phát triển bình thường, tỷ lệ sống đạt trên 80%.
Anh Lường Văn Tỏa, một trong những hộ tham gia mô hình chia sẻ: Khi mới triển khai, dù đã được tập huấn các kỹ thuật nuôi trồng, được phân tích đặc điểm, tính ưu việt và khả năng sinh trưởng, chịu bệnh của từng loại cá, song chúng tôi vẫn còn khá lúng túng, thậm chí có thời điểm cá bị chết. Tuy nhiên, với cách thức hướng dẫn "cầm tay chỉ việc", thường xuyên sâu sát của cán bộ xã, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, chúng tôi đã dần nắm được đầy đủ các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, phòng bệnh cho cá. Các loại cá mà chúng tôi nuôi thả theo mô hình thí điểm đang sinh trưởng và phát triển tốt, riêng cá rô phi đơn tính phát triển vượt bậc.
Theo anh Lường Văn Minh, một trong những hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ Ẳng Cang thì các bè cá của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt cá rô phi đơn tính phát triển trội hơn hẳn, trọng lượng trung bình đạt từ 0,7 - 0,9kg/con. Các loại cá trắm, chép phát triển bình thường, tỷ lệ sống trên 80%. Tuy mới nuôi, nhưng 2 bè cá của gia đình anh đã cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ chi phí. Đây là thu nhập ước mơ cho những người nông dân nghèo của huyện Mường Ảng.
Anh Lường Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang cho biết: Sau khi mô hình nuôi cá lồng, bè trên hồ Ẳng Cang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân đã tự đầu đóng lồng, bè để nuôi cá trên lòng hồ. Với nhu cầu thị trường trong và ngoài huyện rất lớn thì mô hình nuôi các lồng, bè trên hồ Ẳng Cang sẽ là điều kiện thuận lợi để người dân thoát nghèo.