dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Bản Sơn Tra mong mỏi một con đường bê tông

Con đường đến với bản Sơn Tra (xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) những ngày này thật gian nan, với những ổ gà, ổ voi sau cơn mưa. Nhiều năm nay, hàng trăm hộ đồng bào Mông vùng Nông thôn Tây Bắc này mong muốn có một con đường bê tông hóa để thuận tiện đi lại và vận chuyển nông sản…

Từ tuyến tỉnh lộ 110 rẽ phải men theo con đường đất vào bản Sơn Tra, rú ga vượt qua chặng đường dài 12 km, với những con dốc đứng trơn trượt. Vừa đi chúng tôi vừa phải dừng xe hỏi người dân chỉ đường. Mất gần một tiếng đồng hồ ngược núi, xuống dốc, chúng tôi có mặt tại gia đình anh Hờ A Xay, Bí thư Chi bộ bản Sơn Tra.

Trao đổi với chúng tôi, anh Hờ A Xay, cho biết: Bản có 186 hộ, với hơn 900 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Sơn Tra là tên mới sau khi sáp nhập 2 bản Huổi Cao và bản Tông Tải. Hiện, cái khó khăn nhất của bản là chưa có đường bê tông nên đi lại rất vất vả, nhất là mùa mưa.

Sơn La: Bản Mông mòn mỏi chờ đợi một con đường bê tông - Ảnh 1.

Con đường lầy lội, trơn trượt mỗi khi trời mưa xuống. Ảnh: Mùa Xuân.

"Trong các cuộc tiếp xúc cử tri đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, người dân trong bản đã kiến nghị rất nhiều lần về việc đầu tư xây dựng tuyến đường bê tông. Nhưng đến nay những kiến nghị của người dân vẫn chỉ nằm trên giấy", anh Xay than thở.

Ông Hờ A Của, 60 tuổi, bản Sơn Tra thì bảo: Người dân về sinh sống ở đây từ những năm 1974, 1975. Hàng chục năm qua, bà con chúng tôi mong mỏi có một con đường bê tông hóa đi lại thuận tiện và vận chuyển nông sản.

Ông Của cho biết thêm: Trước đây, con đường này được bà con dân bản cùng nhau góp sức, góp tiền để mở. Đường không được cứng hoá nên trời mưa thì buị bẩn, mùa mưa thì lầy lội. Khổ nhất là những người già như tôi, phụ nữ và trẻ em.

Sơn La: Bản Mông mòn mỏi chờ đợi một con đường bê tông - Ảnh 2.

Thầy và trò điểm trường Huổi Cao mong muốn Nhà nước sớm cứng hoá con đường lên bản Sơn Tra. Ảnh: Tuệ Linh.

Cùng chung nỗi khổ với người dân bản Sơn Tra còn có thầy và trò điểm trường Huổi Cao (Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nà Bó. Thầy Cầm Văn Thái, giáo viên điểm trưởng Huổi Cao, thông tin: Đến nay, tôi dạy học tại điểm trường này được 3 năm rồi. Điểm trường này có 3 lớp (2 lớp đơn, 1 lớp ghép), với 54 học sinh học lớp 1, 2 và lớp 4, 5.

Theo thầy Thái, nếu trời nắng, giáo viên đi từ tỉnh lộ 110 lên đến điểm trường Huổi Cao mất khoảng 30 phút. Tuy nhiên, vào những ngày trời mưa gió, giáo viên đi lại rất vất vả, đường lầy lội; nhất là con dốc đứng từ bản Cáp Na lên đến đầu bản Sơn Tra cực kỳ trơn trượt. Có thời điểm, các thầy cô và người dân phải hợp sức lại khiêng xe máy mới đi qua được.

Thầy Thái tâm sự: Thương nhất là các em học sinh. Trời mưa, các em phải cuốc bộ khoảng 4 km mới đến được điểm trường. Bình thường 7 giờ, các thầy cô và học sinh phải có mặt tại điểm trường để 7 giờ 30 phút vào lớp. Nhưng nếu trời mưa, đường đi lại trơn trượt, lầy lội, những em ở xa phải 8 giờ mới có mặt tại trường.

Đến nơi, giày dép dính đất nhiều quá nên nhiều em học sinh phải bỏ ở ngoài và đi chân đất vào lớp học. Chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước sớm đầu tư tuyến đường này để người dân, học sinh và giáo viên đi lại thuận tiện. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng học tập ở điểm trường Huổi Cao.

Sơn La: Bản Mông mòn mỏi chờ đợi một con đường bê tông - Ảnh 3.

Sau rất nhiều lần kiến nghị, người dân bản Sơn Tra mong muốn những kiến nghị có đường bê tông của họ sớm được hiện thực hoá. Ảnh: Tuệ Linh.

Rời bản Sơn Tra, chúng tôi đã đem những kiến nghị của người dân và giáo viên ở bản Sơn Tra về việc mong muốn có một con đường bê tông phản ánh tới lãnh đạo UBND xã Nà Bó.

Ông Lê Đình Thuân, Chủ tịch UBND xã Nà Bó, thông tin: Sơn Tra là bản duy nhất của Nà Bó chưa có đường bê tông. Bà con nơi đây mong muốn được Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn kinh phí làm đường, chứ không phải thực hiện theo Nghị quyết 77/2018 của HĐND tỉnh Sơn La. Nếu bà con đồng ý thực hiện theo Nghị quyết 77 thì số tiền đóng góp sẽ rất lớn, bởi chiều dài toàn tuyến khoảng 12 km.

Theo ông Thuân, xã đã có kế hoạch bàn với người dân, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Thứ nhất, giải phóng mặt bằng. Thứ hai, vét nền rãnh, đặt cống nên sẽ rải cấp phối.

Cũng theo ông Thuân, định hướng trong thời gian tới của xã, việc cứng hoá tuyến đường lên bản Sơn Tra là mục tiêu số 1 của xã. Nếu có dự án, đầu tiên sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực làm đường lên bản Sơn Tra, vì các bản khác đã có đường bê tông đến nơi.

Sơn La: Bản Mông mòn mỏi chờ đợi một con đường bê tông - Ảnh 4.

Ngoài người dân bản Sơn Tra, người dân ở một số bản thuộc xã Chiềng Chăn, xã Tà Hộc hàng ngày cũng phải đi qua tuyến đường này. Ảnh: Mùa Xuân.

Sơn Tra là nơi sinh sống của hàng trăm hộ đồng bào Mông, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún nên đời sống còn nhiều khó khăn. Đường giao thông là nền tảng, xương sống, mạch máu để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; chỉ khi giao thông thuận lợi thì đói nghèo, lạc hậu mới được đẩy lùi.

Vì vậy, mong muốn có tuyến đường bê tông vào bản Sơn Tra là nhu cầu bức thiết của bà con và giáo viên, học sinh... nơi đây. Thiết nghĩ, huyện Mai Sơn, xã Nà Bó cần sớm có kế hoạch, giải pháp trong việc hiện thực hoá ước mơ, mong muốn có con đường cứng hoá lên bản Mông vùng cao Sơn Tra.

Mùa Xuân - Tuệ Linh