Năm 2007, vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, gia đình ông Lò Văn Pẻm, bản Mứn (xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) cùng hàng chục hộ dân phải nhường nơi "chôn rau cắt rốn" về tái định cư tại bản Sơn Pha (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La).
Trò chuyện với chúng tôi, ông Pẻm bảo: Phải rời nơi mình sinh ra, bà con ai cũng buồn lắm chứ. Nhưng vì sự phát triển của đất nước nên sau khi được cán bộ vận động về nơi ở mới, bà con ai cũng đồng tình, ủng hộ.
Tại nơi ở mới, ông Pẻm và các hộ dân được Đảng và Nhà nước chia đất sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ vậy, đời sống của bà con tái định cư đã từng bước được cải thiện.
Dẫn chúng tôi thăm chuồng trại nuôi trâu, bò, lợn nhốt chuồng được đầu tư xây dựng khang trang, ông Pẻm cho biết: Trước đây, tại nơi ở cũ, người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp là chính nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Ở vùng quê mới, chúng tôi được cán bộ chuyên môn tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc để phát triển kinh tế.
Sau khi nắm vững kỹ thuật, cùng với việc nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2016, gia đình ông Pẻm bỏ vốn đầu tư chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hoá. Ban đầu, gia đình ông đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi lợn cao sản và kết hợp nuôi lợn đen bản địa.
Nhờ chăn nuôi đúng kỹ thuật, đàn lợn của gia đình ông luôn phát triển tốt. Đến nay, gia đình ông Pẻm có 16 con lợn nái, hơn 100 con lợn thịt. "Gia đình nuôi lợn nái để chủ động con giống, giảm chi phí đầu vào. Nuôi lợn khá vất vả nhưng bù lại hiệu quả kinh tế đem lại cao. Từ đầu năm đến nay, gia đình đã xuất bán hơn 10 tấn thịt lợn hơi ra thị trường. Với giá dao động từ 57 - 60 nghìn đồng/kg, gia đình thu trên 600 triệu đồng", ông Pẻm phấn khởi.
Để nâng cao thêm thu nhập cho gia đình, ngoài chăn nuôi lợn, gia đình ông Pẻm còn nuôi 10 con trâu, bò; liên kết trồng 6.000 m2 mía với Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La; trồng 8.000 m2 cây ăn quả các loại.
Chia sẻ về kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi lợn, ông Pẻm tiết lộ: Ngoài việc đảm bảo nguồn thức ăn, phải đặc biệt quan tâm công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng vaccine theo định kỳ; thường xuyên vệ sinh chuồng trại.
Bên cạnh đó, rắc vôi bột cho khu chuồng chăn nuôi; phun khử khuẩn ít nhất 1 lần/tuần; tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng bảo đảm cho vật nuôi đầy đủ dinh dưỡng; theo dõi quá trình sinh trưởng để kịp thời phát hiện biểu hiện của các bệnh lợn thường gặp để xử lý.
Ngoài ra, gia đình ông Pẻm luôn quan tâm đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, như: Xử lý chất thải bằng men vi sinh, xây dựng hầm biogas tạo ra chất đốt phục vụ việc sinh hoạt trong gia đình.
So sánh cuộc sống nơi ở mới so với vùng quê cũ, ông Pẻm hồ hởi: Trước kia, cứ đều như vắt chanh, mỗi sáng thức dậy gia đình lại lặn lội trên chiếc thuyền qua sông để leo lên những triền đồi dốc cheo leo để tra hạt ngô, gieo hạt thóc. Nói chung cuộc sống rất khó khăn, vất vả.
Bây giờ, cuộc sống nơi ở mới sung túc hơn rất nhiều. Mặc dù đất sản xuất không nhiều so với nơi cũ nhưng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác cao hơn nhiều. Ở đây có giao thông thuận tiện, đất bằng phẳng nên trồng cây gì, nuôi con gì đều bán được. Bà con biết bảo ban nhau đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xoá cái đói, cái nghèo.
Bằng ý chí, nghị lực không biết mệt mỏi trong gần 15 năm nay trong việc đánh thức vùng đất tại nơi ở mới, từ hộ khó khăn, ông Pẻm đã vươn lên thành một trong những nông dân giỏi tại đây. Mô hình phát triển kinh tế của ông Pẻm được cấp uỷ, chính quyền sở tại đánh giá cao; là điển hình để các hộ dân khác học tập và làm theo. Qua đó, góp phần xây dựng vùng quê mới ngày càng phát triển.