dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Triển vọng cho cây Mắc ca ở Tuần Giáo

Cây mắc ca ở huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) đã cho thấy khả năng sinh trưởng, phát triển tốt; mở hướng thuận lợi cho người dân.

Triển khai dự án trồng cây Mắc ca ở Tuần Giáo

Sau gần 9 năm đưa vào trồng thí điểm, đến nay cây mắc ca ở huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) đã cho thấy khả năng sinh trưởng, phát triển tốt; diện tích trồng thử nghiệm ban đầu, khoảng 300ha đã cho thu hoạch quả, sản lượng bình quân 5kg quả/cây.

Năm 2015 Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên chính thức thực hiện dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo. Đến nay huyện Tuần Giáo đã trở thành địa phương có diện tích mắc ca lớn nhất tỉnh Điện Biên với 1.400ha, tại 2 xã: Quài Nưa và Quài Cang.

Cây mắc ca phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện, khả năng sinh trưởng tốt. Với khả năng chịu được sương muối, chịu hạn, ít sâu bệnh, cây mắc ca có thể trồng xen, trồng che bóng cho nhiều loại cây như cà phê, cây công nghiệp ngắn ngày.

Nông thôn Tây Bắc: Triển vọng cho phát triển cây Mắc ca ở Tuần Giáo - Ảnh 1.

Hiện tại huyện Tuần Giáo có diện tích trồng cây mắc ca là 1.400ha, tập trung trồng tại 2 xã: Quài Nưa và Quài Cang. Ảnh: Vinh Duy

Xác định là cây trồng mũi nhọn, thời gian qua chính quyền huyện Tuần Giáo và doanh nghiệp đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia hợp tác phát triển cây mắc ca, thay thế những cây trồng truyền thống hiệu quả thấp.

Theo chủ trương của tỉnh, Tuần Giáo được phê duyệt là vùng trồng mắc ca tập trung với quy mô 2.000ha tại các xã: Quài Cang, Quài Nưa, Quài Tở, Nà Sáy và Chiềng Sinh. Thực hiện dự án, UBND huyện đã tích cực phối hợp với Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên tuyên truyền để người dân hiểu được hiệu quả của việc góp đất cùng Công ty phát triển mắc ca.

Đến nay, diện tích mắc ca trồng thử nghiệm đã cho thu hoạch quả tốt, sản lượng bình quân 5kg quả/cây. Ngoài ra, từ khi triển khai, dự án đã tạo việc làm cho hơn 680 lao động, chủ yếu là đồng bào các dân tộc trong vùng dự án. Trong đó có 150 lao động thường xuyên và 530 lao động mùa vụ; mức thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/tháng/lao động thường xuyên; 200 nghìn đồng/ngày/lao động thời vụ (3 đợt/năm, mỗi đợt từ 30 - 60 ngày).

Nông thôn Tây Bắc: Triển vọng cho phát triển cây Mắc ca ở Tuần Giáo - Ảnh 3.

Cây mắc ca phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Tuần Giáo, khả năng sinh trưởng tốt. Ảnh: Vinh Duy

Mặc dù vậy hiện nay tiến độ triển khai dự án trồng mắc ca trên địa bàn huyện còn chậm. Đặc biệt, năm 2021 huyện Tuần Giáo mới triển khai được 7.500/10.338ha theo kế hoạch; năm 2022 dự kiến triển khai trồng 25.00ha mắc ca nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xong kế hoạch của năm 2021.

Do vậy thời gian tới, Tuần Giáo cần triển khai các dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện theo đúng chủ trương, các chính sách của tỉnh về phát triển cây mắc ca; đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn.

Thành lập Hợp tác xã mắc ca

Ông Bùi Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Macadamia Điện Biên cho biết: Qua rà soát cho thấy, huyện Tuần Giáo có quỹ đất khá lớn, với diện tích trên 17.000ha phù hợp để phát triển cây mắc ca. Mặc dù vậy, khu vực triển khai dự án người dân đa phần là dân tộc thiểu số, trình độ dân trí, canh tác còn hạn chế. Việc thực hiện các thủ tục về đất đai phức tạp, mất nhiều thời gian. Một số người dân trong vùng dự án chưa nhận thức rõ về giá trị kinh tế, xã hội, môi trường của cây mắc ca, cũng như cơ chế, chính sách, lợi ích khi tham gia thực hiện dự án với doanh nghiệp nên chưa thực sự đồng thuận tham gia dự án.

Nông thôn Tây Bắc: Triển vọng cho phát triển cây Mắc ca ở Tuần Giáo - Ảnh 4.

Xác định là cây trồng mũi nhọn, thời gian qua chính quyền huyện Tuần Giáo đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia hợp tác phát triển cây mắc ca, thay thế những cây trồng truyền thống hiệu quả thấp. Ảnh: Vinh Duy

Để phát triển cây mắc ca bền vững, đảm bảo tiến độ cũng như quyền lợi của các bên liên quan thì việc thành lập hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác mắc ca tại huyện Tuần Giáo là việc làm cần thiết.

Năm 2022, theo kế hoạch Tuần Giáo trồng 300ha mắc ca. Hiện nay huyện đã chỉ đạo thí điểm thành lập 2 HTX mắc ca tại 2 xã Quài Cang và Quài Nưa theo hướng liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với diện tích trên 300ha.

Trong đó, HTX Dịch vụ mắc ca Quài Nưa đã được đăng ký thành lập, với 9 thành viên và 293 hộ tham gia với diện tích khoảng 200ha; HTX Dịch vụ mắc ca Quài Cang đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký thành lập HTX với 9 thành viên, 205 hộ tham gia với diện tích trên 100ha.

Mô hình liên kết các hộ dân trồng mắc ca thông qua HTX với nhà đầu tư khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho các hộ gia đình, người dân tham gia HTX, tạo ra sản phẩm hàng hóa tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong vùng dự án nói riêng và huyện Tuần Giáo nói chung. HTX Mắc ca sẽ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất - chế biến tiêu thụ mắc ca theo mô hình "Hộ nông dân - HTX - Nhà đầu tư", thông qua hợp đồng kinh tế giữa HTX và nhà đầu tư.

Nông thôn Tây Bắc: Triển vọng cho phát triển cây Mắc ca ở Tuần Giáo - Ảnh 5.

Mô hình liên kết các hộ dân trồng mắc ca thông qua HTX đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho người dân tham gia HTX, tạo ra sản phẩm hàng hóa tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh": Vinh Duy

Để phát triển mắc ca bền vững, cùng với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp có dự án đầu tư mắc ca cần tăng cường phối hợp, thông tin với các phòng, ban chuyên môn của huyện và chính quyền địa phương để xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về đất đai. Xây dựng kế hoạch, bố trí, huy động mọi nguồn lực (giống, vốn, nhân lực) tổ chức trồng đảm bảo mùa vụ; tăng cường quản lý, chăm sóc diện tích cây đã đầu tư; đồng thời nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn, chỉ đạo của tỉnh trong việc phát triển cây mắc ca.

Vinh Duy