Nông thôn Tây Bắc: Sơn La ứng dụng khoa học vào sản xuất, thúc đẩy kinh tế vùng đồng bào dân tộc

Văn Ngọc

13/07/2025 17:00 GMT +7

Sơn La đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng, tạo việc làm, từ đó thúc đẩy kinh tế vùng đồng bào dân tộc phát triển.

Clip: Sơn La, đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất giúp tăng năng suất

Đồng bào dân tộc Sơn La làm chủ khoa học kỹ thuật

Trên những triền đồi xanh mướt của vùng nông thôn Tây Bắc, bà con đồng bào các dân tộc tại Sơn La đang từng ngày viết nên câu chuyện về sự chuyển mình mạnh mẽ. Cây ăn quả đã trở thành hướng đi chủ lực để thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Từ những nương rẫy truyền thống, bằng sự cần cù, sáng tạo và tiếp thu khoa học kỹ thuật, hàng nghìn ha cây ăn quả như mận hậu, xoài, nhãn, cam... đã phủ xanh khắp các bản làng, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn định hình một diện mạo nông thôn mới đầy sức sống và trù phú cho Sơn La, thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.

Nông dân Sơn La xây dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tự động cho vườn nho. Ảnh: Văn Ngọc

Xuôi theo Quốc lộ 6, chúng tôi đến thăm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thành Cương, xã Mai Sơn, tỉnh Sơn La. HTX này do một thanh niên người dân tộc Thái đứng đầu, với 14 thành viên, chuyên canh tác các loại cây ăn quả như mơ, mận, dâu tây... Mỗi năm, HTX tiêu thụ hàng trăm tấn sản phẩm, góp phần đáng kể vào kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, những năm trước đây, do hạn chế trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cũng như việc chuyển đổi số trong nông nghiệp chưa được chú trọng, dẫn đến sản lượng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của HTX còn gặp nhiều khó khăn.

Anh Lèo Văn Lếch, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Cương, chia sẻ: Khi được tham gia lớp tập huấn do Hội Nông dân tỉnh Sơn La tổ chức, chúng tôi đã tiếp cận được các kiến thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp. Áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác cây trồng, nhờ vậy sản lượng cũng như chất lượng cây trồng của hợp tác xã ngày càng khẳng định được chất lượng, nâng cao năng suất.

Đặc biệt, anh Lếch nhấn mạnh việc nâng cao kỹ năng tham gia hoạt động trên Zalo, Facebook, cài đặt các ứng dụng app thông minh, các ứng dụng nông nghiệp số đã thúc đẩy mạnh mẽ việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của HTX.

"Từ đó, chúng tôi cũng tìm được nhiều thị trường mới, thuận tiện hơn trong việc tiếp cận với khách hàng," anh Lếch nói.

HTX Nông nghiệp Thành Cương áp dụng các tiện bộ khoa học vào canh tác dâu tây, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Văn Ngọc

Khoa học kỹ thuật thúc đẩy kinh tế vùng đồng bào dân tộc tỉnh Sơn La

Những năm qua, tỉnh Sơn La đã thực hiện lồng ghép nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX mua sắm máy móc, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La, đến nay, việc cơ giới hóa trong khâu làm đất cơ bản đã đạt 100% đối với cây mía, cao su, chè; trên 50% đối với cây lúa, sắn, ngô, cà phê.

Việc ứng dụng công nghệ trong khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật đối với lúa và các cây trồng khác đạt trên 40%; khâu thu hoạch đối với chè đạt trên 80%. Nhiều hệ thống tưới tiết kiệm nước đã được ứng dụng cho các loại cây trồng như hoa, nấm, cà phê, chè, mía, rau các loại, cây ăn quả.

Mô hình nhà lưới, nhà kính cũng được ứng dụng trong sản xuất hoa, rau các loại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong chăn nuôi, cơ giới hóa trong cung cấp thức ăn, nước uống, xử lý môi trường đối với nuôi lợn đạt trên 80%; 100% các hộ chăn nuôi bò sữa sử dụng máy vắt sữa, giúp giảm sức lao động và tăng hiệu quả.

Nông dân áp dụng kỹ thuật bao trái để bảo vệ trái cây khỏi côn trùng. Ảnh: Văn Ngọc

Toàn tỉnh Sơn La đã hình thành 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm: 1 vùng chè, 1 vùng chăn nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu; 2 vùng cà phê, 1 vùng na, 1 vùng xoài, 3 vùng nhãn, xoài, mận. Ngoài lợi ích giảm ngày công, tiết kiệm chi phí, việc sử dụng máy móc cơ giới còn giúp nâng cao lợi nhuận lên 15-20% so với phương pháp thủ công.

Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa tại địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Có tới 70% khối lượng công việc vẫn phải thực hiện thủ công. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp có địa bàn chủ yếu là đồi núi, đất sản xuất cách xa nhau, rải rác. Cùng với đó, giao thông đi lại tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa còn nhiều trở ngại, nên việc lắp đặt, sử dụng máy móc gặp khó khăn. Việc đầu tư cơ giới hóa đòi hỏi chi phí lớn và có kiến thức nhất định, khiến việc tiếp cận với kỹ thuật số của một số hộ nông dân còn hạn chế.

Vùng trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Ông Vũ Tiến Đĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sơn La, thông tin: Ngành đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hạ tầng tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung."

Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tỉnh Sơn La tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, các hộ nông dân đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất; cơ giới hóa từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Với sự quyết tâm của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của người dân, Sơn La đang từng bước vượt qua thách thức, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, thúc đẩy kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.

Đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La ngày càng được nâng cao

Đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La ngày càng được nâng cao

Từ những chính sách hỗ trợ, sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày càng nâng cao.

Sơn La đưa cây ăn quả lên đất dốc, nông dân ngày càng no ấm

Sơn La đưa cây ăn quả lên đất dốc, nông dân ngày càng no ấm

Chiều 16/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chủ trương về trồng cây ăn quả trên đất dốc giai đoạn 2016-2025.

Sơn La: Diện tích cây ăn quả và cây sơn tra tăng hơn 200% sau 10 năm thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc

Sơn La: Diện tích cây ăn quả và cây sơn tra tăng hơn 200% sau 10 năm thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc

Diện tích cây ăn quả và cây sơn tra của tỉnh Sơn La ước đạt 85.050 ha, tăng 219% so với năm 2016.

Sơn La: Sản lượng cây ăn quả dự kiến tăng 31%

Sơn La: Sản lượng cây ăn quả dự kiến tăng 31%

UBND tỉnh Sơn La vừa tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo 598, triển khai sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản năm 2025.