dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Mường Chà vào mùa nương rẫy, không để đất nương lấn chiếm đất rừng

Sau Tết Nguyên đán là thời điểm chuẩn bị canh tác trên nương của người dân vùng cao huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. UBND huyện Mường Chà đã chỉ đạo các xã kiểm tra, không để người dân phá rừng làm nương rẫy. Địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng làm nương, người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Đang thời gian cao điểm cho công tác phòng chống cháy rừng trong mùa khô hanh, cũng như tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy. Mặc dù diện tích rừng trên địa bàn huyện Mường Chà đã được quy hoạch và giao đến từng cộng đồng dân cư. Nhưng những năm trước vẫn còn tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy, hoặc đốt nương cháy vào rừng.

Chặn lửa rừng từ gốc

Trao đổi với phóng viên, ông Lường Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Mường Chà cho biết: "Xác định thời gian sau Tết Nguyên đán là thời điểm nóng tình trạng đốt nương, làm cháy vào rừng. Đặc biệt tình trạng phá rừng làm nương rẫy của một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc. Vì vậy lực lượng kiểm lâm đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, hạn chế mức thấp nhất những vụ vi phạm phá rừng làm nương rẫy cũng như đốt nương cháy vào rừng".

Nông thôn Tây Bắc: Mường Chà vào mùa nương rẫy, không để đất nương lấn chiếm đất rừng   - Ảnh 1.

Diện tích rừng trên địa bàn huyện Mường Chà đã được quy hoạch và giao đến từng cộng đồng dân cư. Ảnh: Vinh Duy

Đã thành thông lệ, cứ sau Tết Nguyên đán, trưởng bản Huổi Lóng, xã Na Sang, huyện Mường Chà, Vừ A Lọi cùng các thành viên trong tổ tuần tra bảo vệ rừng và PCCCR của bản lại tất bật hơn với công tác bảo vệ rừng. Bởi ngoài tăng cường tuần tra rừng, các thành viên trong tổ còn tích cực tuyên truyền các biện pháp phòng chống cháy rừng cho người dân trong bản.

Trưởng bản Vừ A Lọi chia sẻ: Cả bản có 78 hộ thì hộ nào cũng có nương. Để nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân, những ngày này, tổ tuần tra bảo vệ rừng và PCCCR của bản đang tích cực tuyên tuyền tới người dân các biện pháp kỹ thuật bảo vệ, phòng cháy rừng trong quá trình đốt nương. Theo đó, trước khi đốt nương người dân phải báo trước với trưởng bản. Khi đốt nương cần hạn chế đốt vào những giờ cao điểm nắng nóng như giữa trưa hay đầu giờ chiều, mà nên đốt vào cuối giờ chiều.

Đồng thời, phải làm đường băng cản lửa cách bìa rừng ít nhất từ 4 - 5m; phải đốt từ trên xuống, khi lửa cháy được khoảng 30% diện tích nương thì tiếp tục đốt từ dưới lên. Đặc biệt, người dân phải chờ cho lửa cháy hết mới được rời khỏi nương. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, gần 10 năm nay bản không để xảy ra tình trạng cháy rừng do đốt nương. Hơn 940ha rừng của bản được bảo vệ và phát triển tốt, trong đó 536ha đã được chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Cũng là một trong những cộng đồng bản tiêu biểu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, đều đặn mỗi tháng, tổ tuần tra bảo vệ rừng và PCCCR của bản Mường Tùng, xã Mường Tùng tổ chức đi tuần tra rừng từ 2 - 3 lần. Tuy nhiên, vào mùa khô, khoảng thời gian từ sau Tết Nguyên đán đến hết tháng 4 âm lịch, là lúc người dân lên rừng đốt rẫy, làm nương, vì thế nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Bởi vậy, khoảng thời gian này, các chuyến tuần tra rừng được tổ tuần tra tăng lên gấp đôi, gấp ba, từ 6 - 7 lần/tháng.

Nông thôn Tây Bắc: Mường Chà vào mùa nương rẫy, không để đất nương lấn chiếm đất rừng   - Ảnh 3.

Lực lượng kiểm lâm huyện Mường Chà tăng cường tuần tra, kiểm soát, hạn chế mức thấp nhất những vụ vi phạm phá rừng làm nương rẫy cũng như đốt nương cháy vào rừng. Ảnh: Vinh Duy

Theo trưởng bản Mường Tùng, ông Khoàng Văn Biên, để bảo vệ tốt hơn 527ha rừng, tổ tuần tra bảo vệ rừng và PCCCR của bản gồm 12 người sẽ chia làm 3 nhóm luân phiên đi tuần tra rừng, chủ động rà soát, tu sửa đường băng trắng cản lửa những khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng, tăng cường phát dọn thực bì… Từ đó, góp phần quan trọng trong việc chặn lửa từ gốc, hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra.

Phòng cháy hơn chữa cháy

Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện Mường Chà chưa để xảy ra cháy rừng do đốt nương, điều này cho thấy, ý thức bảo vệ rừng của người dân ngày càng nâng cao. Song, theo thống kê, huyện Mường Chà hiện có trên 49.888ha rừng, trong đó rừng tự nhiên trên 48.568ha, dân số chủ yếu là người dân tộc thiểu số, với việc đốt nương làm rẫy là chính. Để chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng, đặc biệt là trong mùa làm nương của bà con, với phương châm phòng ngừa là chính, ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn chủ động tham mưu cho UBND xã, thị trấn có rừng thực hiện nghiêm túc các phương án, kế hoạch PCCCR đã xây dựng. Các Ban Chỉ huy hoạt động thường xuyên theo quy chế hoạt động đã ban hành; đồng thời kiện toàn các tổ bảo vệ rừng, PCCCR bản; kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR cấp xã khi cần thiết, nhằm thực hiện tốt công tác PCCCR mùa khô năm 2021-2022.

Nông thôn Tây Bắc: Mường Chà vào mùa nương rẫy, không để đất nương lấn chiếm đất rừng   - Ảnh 4.

Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện Mường Chà chưa để xảy ra cháy rừng do đốt nương, điều này cho thấy, ý thức bảo vệ rừng của người dân ngày càng nâng cao. Ảnh: Vinh Duy

Ông Lường Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà cho biết: Bắt đầu từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4 hằng năm là thời gian cao điểm người dân sản xuất trên nương, chuẩn bị đất gieo vụ mới. Hiểu rõ tập quán, thói quen và chu kỳ sản xuất của người dân, bước vào mùa khô, tất cả kiểm lâm địa bàn được quán triệt phải bám địa bàn 24/24 giờ các ngày trong tuần để cùng các thành viên Ban Chỉ huy PCCCR cấp xã tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát nhân dân chuẩn bị đất, làm nương.

Đồng thời, củng cố và kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR, bảo vệ rừng các xã, thị trấn gồm 12 ban với 289 thành viên, xây dựng 101 tổ bảo vệ rừng, PCCCR cấp bản, tổ dân phố, với 996 thành viên tham gia; tổ chức tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR mùa khô hanh trên địa bàn huyện trong năm 2021 được 124 lượt/101 bản cho 7.099 người. Thông qua đó, người dân nắm bắt và hiểu rõ hơn tầm quan trọng của rừng, công tác PCCCR và có ý thức trong chăm sóc, bảo vệ rừng.

Nông thôn Tây Bắc: Mường Chà vào mùa nương rẫy, không để đất nương lấn chiếm đất rừng   - Ảnh 5.

Để chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn chủ động tham mưu cho UBND xã, thị trấn có rừng thực hiện nghiêm túc các phương án, kế hoạch PCCCR đã xây dựng. Ảnh: Vinh Duy

Thực tế cho thấy, hiện nay công tác PCCCR và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Mường Chà cũng đang gặp phải một số khó khăn, bởi đặc điểm địa hình đồi núi cao, nguồn nước khan hiếm, trong khi dụng cụ chữa cháy khá thô sơ… Theo ông Lường Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết như hiện nay, cùng với công tác hoạt động cụ thể, đặc thù của ngành, để làm tốt công tác PCCCR, các đơn vị, địa phương, chủ rừng và người dân  cần thực hiện tốt các phương án, nhiệm vụ đề ra với phương châm: phòng là chính, phát hiện từ xa và tổ chức cứu chữa kịp thời, triệt để, kết hợp phương châm 4 tại chỗ, 4 sẵn sàng trong quá trình tổ chức thực hiện công tác quản lý PCCCR.

Với việc chủ động phòng ngừa cháy rừng, huyện Mường Chà đang quyết tâm hạn chế tới mức thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn huyện trong mùa khô năm 2021 - 2022.

Vinh Duy