dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Lên bản người Mông đi chợ phiên cuối năm

Ở vùng Nông thôn Tây Bắc, chợ phiên là một trong những nét đẹp về văn hoá, xã hội của vùng cao. Mỗi phiên chợ lại có những nét đặc sắc riêng...

Clip: Lên bản người Mông đi chợ phiên cuối năm

Về với chợ phiên Nông thôn Tây Bắc

Chợ phiên vùng cao Sin Suối Hồ ở xã biên giới Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) họp duy nhất một phiên vào ngày thứ 7 hàng tuần. Chợ không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng đặc trưng của đồng bào Mông nơi đây.

Vào ngày áp Tết, khi những cành đào đang đua nhau khoe sắc xuân trên vùng cao Tây Bắc, chúng tôi có dịp đến thăm, hòa mình vào chợ đón tết của bà con vùng cao xã Sin Suối Hồ. Tiếng bước chân nhộn nhịp, tiếng nói cười vang vọng, đối đáp vội vàng của người đi chợ; tiếng kêu của gà, lợn, tiếng xe máy, tất cả những âm thanh hòa vào nhau đã tạo nên một không khí rất riêng của phiên chợ vùng cao Sin Suối Hồ.

Bất chấp cái rét buốt lạnh vùng cao, từ rạng sáng, anh Cháng A Tùng, bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) xuống chợ từ sớm mua cho gia đình những món đồ tốt nhất để đón Tết.

Anh Cháng A Tùng chia sẻ: Cũng sắp tết rồi, hôm nay mình đi chợ mua quần áo, mua cuốc, mua rao để chuẩn bị cho vụ mùa tới. 

Lên bản người Mông đi chợ phiên cuối năm - Ảnh 2.

Chợ phiên Sin Suối Hồ không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa thông thường mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc trưng của đồng bào Mông nơi biên cương Tổ quốc. Ảnh: Vừ Dơ

Phiên chợ Sin Suối Hồ diễn ra thường niên vào ngày thứ 7 hàng tuần. Nhưng là phiên chợ cuối cùng của năm nên nhộn nhịp hơn, mọi người đi chợ sắm Tết đông hơn, tạo không khí náo nhiệt.

Sản phẩm được người dân bày bán, trao đổi ở chợ là sự kết tinh trong lao động, sự cần cù của người dân vùng cao, là các nông sản do bà con nuôi, trồng hoặc thu hái từ rừng, những bộ trang phục truyền thống do các bà, các mẹ thêu thùa, may dệt mà ra.

Ngoài những sản vật "núi rừng" được bày bán ở chợ, những đồ dùng gia dụng, đồ dùng sinh hoạt thường ngày cũng được các tiểu thương mang lên để phục vụ người dân.

Lên bản người Mông đi chợ phiên cuối năm - Ảnh 3.

Sản phẩm bày bán là các nông sản do bà con nuôi, trồng hoặc thu hái từ rừng. Ảnh: Vừ Dơ

Mọi ngóc ngách tại chợ Sin Suối Hồ đều được người dân tận dụng làm chỗ mua bán, nghỉ chân, hay đơn giản chỉ là để đứng nhìn dòng người đi chợ Tết cũng như được tụ tập nghe những bài hát, xem điệu múa.

Lên bản người Mông đi chợ phiên cuối năm - Ảnh 4.

Chợ Sin Suối Hồ giữ được nét hoang sơ mộc mạc, nguyên bản đặc trưng của đồng bào vùng cao. Ảnh: Vừ Dơ

Năm nào cũng vậy, chị Sùng Thị Rùa đến phiên chợ cuối năm, chị đều chuẩn bị những nông sản mình tạo ra như: bí đỏ, khoai lang từ chiều hôm trước, sáng hôm sau 4h sáng chị đã dậy và mang hàng ra chợ bán. Vì ngày tết có nhiều người đi chợ nếu đi muộn là không có chỗ ngồi.

Chị Sùng Thị Rùa, bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) Chia sẻ: Tết năm nay tôi chuẩn bị hàng từ ngày hôm trước để ra chợ sớm, bán xong hàng còn ra chọn vải về cắt may làm quần áo mới đón tết.

Lên bản người Mông đi chợ phiên cuối năm - Ảnh 5.

Phụ nữ Mông ở Sin Suối Hồ tự may vá, trồng trọt tạo ra những sản phẩm mang bản sắc riêng để trao đổi mua bán. Ảnh: Vừ Dơ

Chợ Tết Sin Suối Hồ sống động Nông thôn Tây Bắc

Người dân vùng cao đi chợ Tết không chỉ để mua sắm. Họ đến đây còn để chơi chợ, gặp gỡ bạn bè, mời nhau đi dự lễ hội mùa xuân. Nhìn những nụ cười rạng ngời trên gương mặt của các bà, các chị, các cô gái, có lẽ việc bán được hàng hay không không còn là điều quá quan trọng. Niềm vui trong phiên chợ cuối năm giúp họ có thêm một mùa xuân ấm áp.

Chi Hảng Thị Sú, bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ huyện Phong Thổ (Lai Châu) chia sẻ. Hôm nay là phiên chợ cuối năm, tôi xuống từ sớm để mua đồ về ăn Tết, mua đồ sớm để có thời gian gặp mặt bạn bè, người thân ở chợ.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương, phường đoàn kết, thành phố Lai Châu (Lai Châu) chia sẻ: Khi đặt chân lên mảnh đất này, chị thấy con người ở đây rất hiền hòa, thân thiện và mến khách. Người dân không bị đô thị hóa, họ vẫn mang đậm nét mộc mạc, chân chất của người Mông. Đặc biệt, vẫn gìn giữ được các nghề truyền thống, phong tục trong sinh hoạt hàng ngày.

Lên bản người Mông đi chợ phiên cuối năm - Ảnh 6.

Chợ phiên hiện cũng là một điểm tham quan hấp dẫn du khách khi đến Sin Suối Hồ. Đặc biệt, những gian hàng váy áo của đồng bào Mông luôn cuốn hút du khách. Ảnh: Vừ Dơ

Theo già làng trong bản Sin Suối Hồ, trước đây trên địa bàn xã Sin Suối Hồ không có chợ. Muốn đi chợ, bà con phải xuống tận chợ trung tâm xã Mường So, huyện Phong Thổ hoặc chợ San Thàng, thành phố Lai Châu cách khoảng 20 - 30 km. Nhưng từ năm 2014, khi bản Sin Suối Hồ sắp được công nhận là bản du lịch cộng đồng, người dân trong bản đã tụ họp với nhau.

Họ bàn bạc việc xây dựng chợ với mục tiêu chợ vừa là nơi trao đổi, mua bán, sinh hoạt của bà con sở tại và vừa để thu hút thêm khách du lịch đến địa phương.

Lên bản người Mông đi chợ phiên cuối năm - Ảnh 7.

Chợ phiên cuối năm giáp Tết cũng là nét đẹp trong sinh hoạt đời sống vừa chứa đựng nhiều giá trị văn hóa hết sức đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông tại Sin Suối Hồ. Ảnh: Vừ Dơ

Chợ phiên giáp tết ở Sin Suối Hồ với nét đơn sơ vốn có đã làm nên một bản sắc riêng khác xa đô thị là phải lách giữa đám đông, chen lấn để mua đồ, mà tới đây người dân chỉ mua những món đồ cần dùng trong ngày tết, hàng dù đắt, rẻ, dù vừa ý hay không thì ngày chợ cuối này đều phải mua vì đây là phiên chợ hết năm. 

Văn Ngọc