Chợ San Thàng trước kia được gọi là chợ Tam Đường Đất, nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 5km. Chợ San Thàng được họp theo phiên vào sáng thứ 5 và sáng chủ nhật hàng tuần. Thường ngày, chợ họp từ 5 - 9h sáng. Vào những ngày thu hoạch nông sản hoặc dịp Tết, lễ hội thì phiên chợ kéo dài thời gian hơn, có khi đến 11h trưa.
Chợ phiên San Thàng đã có từ lâu đời, là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa của bà con dân tộc Thái, Mông, Dao, Giáy... Từ lúc tờ mờ sáng, bà con các dân tộc đã mang đủ các hàng hoá nông sản đến chợ, từ gà, lợn, chó, mèo đến các loại rau, củ, quả, bánh trái…
Anh Mùa A Vừ (bản San Thàng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu), một trong những người mang hàng hóa đến chợ phiên San Thàng buôn bán, chia sẻ: Những người có điều kiện thì chở hàng hoá đến chợ bằng xe máy. Người không có xe máy thì cuốc bộ cả chục cây số về họp chợ, trao đổi hàng hoá và mua sắm cùng nhau.
Các loại rau, củ, quả vùng cao được bày bán ở chợ phiên San Thàng thì mùa nào thức nấy, tươi, ngon, khiến bao du khách thích thú.
Những loại quà bánh ăn vặt như: bánh rán, bánh bỏng, bánh dẻo, bánh cắt, bánh tẻ, bánh dày, bánh bò… được làm từ bột gạo nếp nương mới thơm ngon, hấp dẫn du khách.
Chợ phiên San Thàng vẫn giữ được những nét riêng độc đáo của một phiên chợ vùng cao, rực rỡ sắc màu trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc về họp chợ. Sắc màu, hoa văn lung linh trên khăn, túi, áo, quần, váy con gái người Dao, người Lự. Dập dờn cánh bướm khuy áo bạc thiếu nữ Thái trắng. Chúm chím nụ cười của cô gái người Mông… Tất cả tạo nên không gian rộn ràng, làm náo nức, rạo rực lòng người.
Với một bộ phận đồng bào, họ đến chợ phiên San Thàng không vì mục đích mua bán mà để giao lưu, gặp gỡ bạn bè.
Chợ phiên San Thàng không biết đã có từ bao giờ, nhưng đối với người dân địa phương, đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi để gặp gỡ, giao lưu và sinh hoạt văn hoá cộng đồng các dân tộc vùng cao.