dd/mm/yyyy

Nông dân Quỳnh Nhai: Thêm thu nhập từ nghề làm cá khô sông Đà

Vài năm gần đây, cùng với việc tận dụng lợi thế mặt nước vùng lòng hồ sông Đà nuôi cá lồng, nghề làm cá khô sông Đà cũng đang phát triển mạnh. Tuy không giàu nhanh như các nghề khác, nhưng với nghề này nhiều ngư dân ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã kiếm được thu nhập ổn định, góp phần trang trải cuộc sống.

Đến với huyện Quỳnh Nhai trong những ngày tháng 3, dọc theo quốc lộ 279 từ trung tâm huyện Quỳnh Nhai đến cầu Pá Uôn không khó để bắt gặp những bãi phơi cá khô sông Đà. Những chiếc thuyền rẽ sóng, chở những bộ lưới cước giăng giữa dòng sông Đà tạo nên 1 không khí nhộn nhịp như trẩy hội. 

Tại bến thuyến dưới chân cầu Pá Uôn luôn tấp nập kẻ bán người mua cá khiến cho vang vọng cả 1 khúc sông dài. Hình ảnh từng chiếc thuyền cập bến mang theo những con cá tươi ngon đánh từ sông Đà chất đầy khoang, cùng với nét mặt phấn khởi "cười như được mùa" của các ngư dân nơi đây, đã tạo nên 1 khoảnh khắc ấn tượng ở vùng sông nước.

Quỳnh Nhai: Kiếm thu nhập từ làm cá khô sông Đà - Ảnh 1.

Đi dọc 2 bên quốc lộ 279 ra cầu Pá Uôn, không khó để thấy những hình ảnh người dân phơi cá khô sông Đà ở 2 bên đường.

Theo lời chia sẻ của các ngư dân sinh sống tại xã Mường Giàng (Quỳnh Nhai), được biết từ khi thuỷ điện Sơn La tích nước và đi vào hoạt động, diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà ngày càng rộng mệnh mông. Nhiều loài cá sông Đà cũng bắt đầu sinh sôi phát triển, nhất là loại cá mương to bằng ngón tay cái phát triển rất nhanh. Mới đầu người dân ở đây chỉ đánh bắt về phục vụ bữa cơm gia đình là chủ yếu, chứ chưa biết biến nhưng con cá tươi ngon này thành hàng hoá.

Sau 1 thời gian thấy cá ngày càng nhiều, người dân đã thả lưới cước ở ven sông Đà để  bắt cá mang về phơi khô làm thức ăn. Dần dà trở thành 1 thực phẩm không thể thiếu trong các bữa cơm đón khách quý của bà con vùng sông nước. Cộng với đó là ngành du lịch huyện phát triển kéo theo nhiều khách du lịch đến tham quan trải nghiệm và thưởng thức món cá sông Đà phơi khô này. Từ đó, cá mương sông Đà phơi khô đã trở thành mặt hàng đặc sản được ưa chuộng ở vùng đất đầy nắng gió này. Nghề làm cá khô sông Đà cũng phát triển từ đây.

Quỳnh Nhai: Kiếm thu nhập từ làm cá khô sông Đà - Ảnh 2.

Vào các buổi sáng sớm tại bến thuyền ở gần cầu Pá Uôn đều tấp nập thuyền bè ra vào bán cá sông Đà.

Nghề làm cá khô sông Đà đang mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân. Cá sông Đà được đánh bắt bằng lưới, được người nông dân thu gom về làm cá khô thương phẩm bán ra thị trường. Có rất nhiều loại cá khô sông Đà như cá mương khô, cá tép dầu khô, cá ngáo khô, cá chỉ vàng khô… mỗi loại có giá bán khác nhau. Trong đó, một số loại dùng để làm thức ăn trong chăn nuôi, còn một số loại làm thực phẩm người dùng.

Tùy loại, mỗi kg cá tươi giá mua về giao động từ 10.000đ – 14.000đ/kg. Sau khi đem về chế biến phơi khô, giá bán 20.000đ – 25.000đ/kg đối với cá khô sông Đà làm thức ăn chăn nuôi, giá từ 70.000đ – 120.000đ đối với cá khô sông Đà thực phẩm cho người sử dụng.

Quỳnh Nhai: Kiếm thu nhập từ làm cá khô sông Đà - Ảnh 3.

Cá phơi khô sông Đà chủ yếu được chế biến từ loại cá mương.

Trao đổi với PV Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt, anh Điêu Văn Dũng, xã Chiềng Ơn (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) cho hay: Từ khi thuỷ điện tích nước, lượng cá sông Đà phát triển rất nhiều. Có thể nói, phát nhiều nhất là loại cá mương sông Đà. Để tăng nguồn thu nhập cho gia đình tôi mua 10 bộ lưới cước chuyên để đánh bắt cá mương rồi phơi khô bán. Trong quá trình hành nghề đánh cá trên sông Đà, tôi cũng được huyện tuyên truyền không được dùng máy kích, sung điện để đánh bắt tận diệt cá.

Vì vậy, tôi chỉ dùng lưới với kích cỡ mắt lưới theo đúng quy định để đánh bắt cá. Dùng lưới đánh bắt có ngày trúng quả, tôi cũng được 6kg – 10kg cá tươi, sau đó mang về phơi khô bán cho các du khách cũng được 100.000 đồng– 200.000 đồng/ngày. Dù làm nghề này không giàu nhanh như các nghề khác, nhưng nó cũng giúp gia đình tôi có nguồn thu trang trải cuộc sống hàng ngày.

Quỳnh Nhai: Kiếm thu nhập từ làm cá khô sông Đà - Ảnh 5.

Cá được phơi khô trên các tấm lưới hoặc phên tre. Có rất nhiều loại cá khô sông Đà như: Cá mương khô, cá tép dầu khô, cá ngáo khô, cá chỉ vàng khô… mỗi loại có giá bán khác nhau.

Hiện nay gần cầu Pá Uôn có hơn chục hộ làm nghề cá khô sông Đà, bởi tại bản Pá Uôn có chợ cá lớn nhất huyện (chợ cá Pá Uôn). Người dân dùng những tấm lưới hoặc phên tre nứa dải xuống nền rồi dải cá lên phơi. Hầu hết các loại cá sông Đà đều được làm thủ công và phơi bằng nắng trời. Việc làm cá khô đang tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người ngư dân vùng ven sông Đà.

Quỳnh Nhai: Kiếm thu nhập từ làm cá khô sông Đà - Ảnh 6.

Tuy nghề làm cá khô sông Đà không giàu nhưng đã mang lại nguồn thu nhập cho người nông dân.

Nghề làm cá khô sông Đà cũng phụ thuộc vào mùa đánh bắt, thường từ tháng 3 dương lịch đến hết năm đánh bắt được nhiều, còn lại ít hơn. Thông thường  4 kg cá tuơi sông Đà thì làm được 1kg cá khô, phơi 2 nắng – 3 nắng. Sản phẩm cá khô sông Đà làm ra được thương lái đến thu gom tận nơi, bán giá ổn định nên có những gia đình có 5 thành viên – 6 thành viên đều làm cá khô sông Đà. Để bảo đảm sinh kế phát triển bền vững cho cá ngư dân vùng ven sông Đà có thu nhập từ nghề phơi cá khô, những năm qua huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức tuyên truyền vận động người dân không được sử dụng các công cụ đánh bắt hủy diệt ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên... 

Hà Hoàng