Thứ Năm, ngày 16/01/2025 01:34 PM (GMT+7)
Nông dân Mộc Châu thu nhập "khủng" từ trồng cây ăn quả
2020-08-25 17:14:00
Khoảng 7 năm trở về trước, huyện Mộc Châu (Sơn La) được coi là thủ phủ của cây ngô, nhưng vài năm gần đây đất bạc màu, ngô mất giá cuộc sống của nông dân gặp khó khăn. Để không lãng phí đất sản xuất, các hội viên nông dân Mộc Châu đã chuyển đổi đất bạc màu sang trồng cây ăn quả và mang lại thu nhập cao.
Trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Mộc Châu đã vận động, tuyên truyền hội viên chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Bằng những việc làm cụ thể và sát thực tế, những năm qua Hội nông dân Mộc Châu đã tạo điều kiện giúp đỡ các hội viên vay vốn ngân hàng, sử dụng Qũy hỗ trợ nông dân hiệu quả. Liên kết và phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp phân bón cho bà con nông dân, đến nay đã có rất nhiều hội viên nông dân đã có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hơn tỷ đồng.
Trước đây, huyện Mộc Châu là một trong những vựa ngô lớn nhất tỉnh Sơn La. Nhưng khi ngô mất giá, nông dân phải bỏ đất hoang thì chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh kết hợp với sự tuyên truyền của Hội Nông dân như luồng gió mới làm thay đổi phương thức sản xuất của bà con nông dân. Ông Trần Văn Tiến, bản An Thái (xã Mường Sang, huyện Mộc Châu) vừa dẫn chúng tôi thăm vườn cây ăn quả, vừa tâm sự: "Vùng này trước đây là đất trồng ngô, người dân từ năm này sang năm khác chỉ gieo trồng một vụ, chi phí giống, phân bón tốn kém nên thu nhập cả năm không đáng kể.
Chính vì thế, khi được Hội Nông dân huyện tuyên truyền trồng cây ăn quả trên đất dốc, gia đình tôi đã đầu tư chuyển đổi gần 1 ha đất trồng ngô sang trồng xoài Đài Loan. Vừa rồi gia đình tôi thu hơn gần 25 tấn xoài, bán với giá trung bình 12.000 – 14.000 đồng/kg, thu về hơn hơn 170 triệu đồng sau khi trừ chi phí".
Với bước đi phù hợp trong phát triển kinh tế, hiện nay các hội viên nông dân huyện Mộc Châu đã có mức thu nhập cao. Đồng thời, xây dựng được nhà cửa khang trang, người dân có mức sống khá giả và sung túc. Đặc biệt là phong trào trồng cây ăn quả trên đất dốc, cải tạo vườn tạp đã đem lại thu nhập lợi ích kinh tế cao và ổn định cho các hội viên. Nhiều diện tích trồng ngô kém hiệu quả được thay thế bằng các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao như: Cam, bưởi, xoài, nhãn...
Vườn cây ăn quả của ông Đặng Danh Sơn tiểu khu 12 (xã Tân Lập, huyện Mộc Châu) được xem là một trong những mô hình điển hình trong phong trào phát triển cây cây quả trên đất đốc ở xã Tân Lập. Nhờ tích cực học hỏi, mạnh dạn chuyển cơ cấu cây trồng sang trồng cam Vinh, giờ đây ông Sơn đã có hơn 1,5ha cây ăn quả, ước tính mỗi năm thu trên 200 triệu đồng. Ông Sơn cho hay: "Có được thành quả này, ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi còn được sự giúp đỡ, hướng dẫn của Hội Nông dân và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc khuyến khích, hỗ trợ cải tạo vườn tạp, chuyển đổi giống cây trồng nên tôi mới có được cơ ngơi như hiện nay".
Những năm qua, các hội viên nông dân Mộc Châu đã áp dụng quy trình thâm canh, siêu thâm canh, sản xuất an toàn. Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản lạnh sau khi thu hoạch nông sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, các hội viên nông dân cũng mở rộng trồng các loại cây dâu tây, rau bắp cải, su su, măng tây... theo quy trình VietGAP gắn với du lịch cộng đồng. Những kết quả trên cho thấy, Mộc Châu đã và đang đi đúng hướng, năng động, sáng tạo trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lường Văn Quynh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu, cho biết: "Chúng tôi luôn quan tâm đến phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tổ chức tuyên truyền đến các hội viên đoàn kết giúp đỡ nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở địa phương. Chúng tôi nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình trồng cây ăn quả ở các xã Đông Sang, Mường Sang, Tân Lập, Phiêng Luông, Chiềng Sơn, Chiềng Hắc... Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chủ động phối hợp với Công ty phân bón Hữu cơ vi sinh gà, Công ty phân bón Lâm Thao tổ chức hỗ trợ cho hội viên nông dân đăng ký mua phân bón trả chậm phục vụ sản xuất năm 2020. Kết quả, chúng tôi đã cung ứng được hơn 200 tấn phân bón theo phương án trả chậm cho hội viên.
Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với Công ty phân bón Phúc Lâm tổ chức 1 hội nghị cấp huyện với 30 người tham gia. Phối hợp với Công ty Supe và hóa chất Lâm Thao tổ chức 8 hội nghị cấp xã tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hội viên, thu hút hàng trăm người tham gia. Qua đó tạo điều kiện giúp các hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ở các cơ sở".
Nhờ chủ trương trồng cây ăn quả của tỉnh Sơn La và sự vào cuộc quyết liệt của Hội Nông dân tỉnh đến các cấp Hội ở cơ sở đã mang đến một diện mạo mới cho bức tranh nông nghiệp huyện Mộc Châu. Hình ảnh những mảng đồi trơ trọi, xói mòn sau mỗi vụ thu hoạch ngô trước đây đã được phủ màu xanh của những vườn xoài Đài Loan, mận hậu, nhãn ghép, chanh leo và nhiều loại cây ăn quả có múi, mang về thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Và danh sách những hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu với mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc của huyện Mộc Châu mỗi năm được tăng lên.