Loại ung thư phổ biến thứ ba thế giới
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư ruột - còn gọi là ung thư đại trực tràng - là loại ung thư phổ biến thứ ba trên toàn thế giới, chiếm khoảng 10% tổng số ca ung thư. Bên cạnh đó, nó là nguyên nhân gây tử vong do ung thư xếp hàng thứ hai.
Bài công bố trên tạp chí y học The American Journal of Clinical Nutrition cho biết chỉ cần ăn khoảng 65% lượng folate được các hướng dẫn sức khỏe cơ bản khuyến nghị hàng ngày, nguy cơ ung thư ruột đã giảm 7%.
Nhóm tác giả - dẫn đầu bởi TS Konstantinos Tsilidis từ Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) - cũng chỉ ra vị trí 3p25.2 trên Nhiễm sắc thể số 3 của bộ gien chịu trách nhiệm cho mối liên hệ giữa folate và ung thư ruột.
Theo Medical Xpress, các tác giả đã phân tích dữ liệu từ hơn 70.000 người để phục vụ nghiên cứu.
Họ nhận thấy rằng với mỗi 260 microgram folate được nạp vào hằng ngày, mọi người sẽ tự giảm thêm 7% nguy cơ ung thư ruột.
Nhu cầu folate được khuyến nghị tối thiểu là 400 microgram để bảo đảm các chức năng khác của cơ thể được khỏe mạnh.
Phát hiện này ủng hộ thêm chuỗi bằng chứng cho thấy chế độ ăn uống tác động mạnh mẽ đến nguy cơ ung thư ruột.
Ngoài ra, từ lâu người ta cũng cho rằng chế độ ăn uống đa dạng, nhiều trái cây và rau xanh sẽ giúp đẩy lùi nguy cơ ung thư ruột.
Rau và trái cây cũng là các nguồn cung ứng folate chính trong bữa ăn.
Các loại thực phẩm giàu folate
Folate, còn được gọi là vitamin B9, là một trong những loại vitamin thiết yếu đối với sức khỏe con người, đóng vai trò mắt xích quan trọng trong quá trình phân chia tế bào và nhiều chức năng khác trong cơ thể.
Ở thai phụ, bổ sung folate còn cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh của thai nhi.
Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH), có thể bổ sung đầy đủ folate thông qua việc ăn đa dạng các món như rau đặc biệt là rau màu xanh lá đậm, trái cây, các loại hạt, đậu, hải sản, trứng, các sản phẩm từ sữa, thịt, thịt gia cầm và ngũ cốc.
Trong khi đó, trang Healthline xếp hạng các thực phẩm cụ thể giàu foltate nhất là đậu, măng tây, trứng, rau màu xanh lá đậm, củ dền, trái cây họ cam quýt, cải Brussels, bông cải xanh, các loạt hạt và quả hạch, gan bò, mầm lúa mì, đu đủ, chuối, quả bơ...
Các loại đậu
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong một khẩu phần ăn có chứa 50g cung cấp lượng vitamin B9 tương đương 15% nhu cầu của cơ thể mỗi ngày. Đây là nhóm thực phẩm đa dạng, có thể kể đến các loại phổ biến như đậu hà lan, đậu nành, đậu xanh, đậu đen, đậu ván,... cũng chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm.
Măng tây
Mặc dù lượng calo trong măng tây khá thấp nhưng lại chứa nhiều các chất dinh dưỡng, trung bình trong 90g măng tây qua chế biến bổ sung cho cơ thể lượng folate đáp ứng được 35% nhu cầu mỗi ngày. Măng tây cũng được biết đến như một loại thực phẩm giàu vitamin K, C, A chất xơ và chất béo hỗ trợ tốt nhất cho hệ tiêu hóa, làm giảm đường huyết cũng như tốt cho quá trình giảm cân.
Rau chân vịt
Được mệnh danh là thực phẩm “vàng” vì chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng, sự có mặt của vitamin B9 cùng với một nguồn dồi dào các khoáng chất khác như K, Mg, Zn,... là lựa chọn thông minh cho người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, cũng như cải thiện hệ tiêu hóa.
Súp lơ
Súp lơ hay còn được gọi là bông cải xanh có chứa nhiều vitamin B9 tốt cho cơ thể, bằng việc thêm vào khẩu phần ăn hằng ngày 1 đến 2 bát súp lơ giúp đảm bảo lượng folate cần thiết duy trì cho cơ thể luôn khỏe mạnh. Bên cạnh đó hàm lượng các vitamin và các dưỡng chất khác có trong súp lơ rất tốt cho hệ tiêu hóa.
Bơ
Là thực phẩm phổ biến bên cạnh hương vị thơm ngon, ít đường và giàu chất béo không bão hòa, bơ còn chứa nhiều vitamin B9, trong nửa quả bơ chín có chứa tới 85 mcg folate, cung cấp khoảng 20% nhu cầu của cơ thể đối với loại vitamin này.
Trứng gà
Đây là thực phẩm rất giàu vitamin B9. Trong 100g trứng gà luộc có chứa 47 mcg folate, 700 mcg vitamin A, bên cạnh đó trứng gà còn cung cấp cho cơ thể rất nhiều các dưỡng chất khác như protein, chất béo, các khoáng chất như Kali, Kẽm, Sắt, Canxi. Đây còn là thực phẩm có tính an toàn gần như tuyệt đối, phù hợp với tất cả mọi đối tượng, dễ chế biến và kết hợp với các thực phẩm khác.
Gan heo
Là nội tạng động vật được sử dụng phổ biến hiện nay, nhiều người vẫn thắc mắc về công dụng của gan đối với sức khỏe, gan heo có thật sự tốt hay không? Các con số chỉ ra rằng trong gan heo chứa lượng folate đáp ứng tới 65% nhu cầu hằng ngày của mỗi người, chưa kể đến sự có mặt của các vitamin B12, A và đặc biệt là Sắt, cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể.