dd/mm/yyyy

Những nông dân làm giàu trên quê mới ở vùng cao Hòa Bình

Cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nhiều hội viên nông dân ở huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã vươn lên...

Clip: Một số mô hình kinh tế của hội viên nông dân huyện Đà Bắc (Hòa Bình).

Trò chuyện cùng những nông dân giỏi ở Hoà Bình

Năm 2012, anh Đinh Công Tuyên, dân tộc Mường, xóm Tình, xã Tú Lý bắt đầu bén duyên với nghề trồng nấm, ban đầu do còn thiếu kinh nghiệm nên nấm trồng bị bệnh, hỏng nhiều. Nhưng với niềm đam mê nông nghiệp, anh không nản chí, tích cực học hỏi khắp nơi về cách trồng nấm và tham khảo thêm sách, báo, các phương tiện thông tin đại chúng…

Qua nhiều năm gắn bó, anh Tuyên đã mạnh dạn đầu tư hơn 30 triệu đồng để đầu tư xây dựng trên 100m2 lán trại và mua sắm các thiết bị cho nghề trồng nấm. Hiện nay, gia đình anh Tuyên có hơn 1.500 bịch nấm sò trồng bằng phôi từ nguyên liệu rơm.

Anh Đinh Công Tuyên, chia sẻ: Nấm là loại cây trồng rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường như: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, sâu bệnh… Do đó, người sản xuất cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để nấm có thể sinh trưởng và phát triển tốt. Đối với loại nấm này luôn đòi hỏi phải có kỹ thuật trồng và chăm sóc rất kỹ.

Với những bịch phôi nấm của gia đình tôi, phía bên trong nhà gia đình sử dụng lưới chắn kín hết xung quanh để tránh tất cả các loại sâu bệnh, côn trùng bé nhất, đây là loại lưới dùng làm nhà kính trồng nấm. Ở phía bên ngoài sẽ được che chắn bởi lớp bạt bao quanh để tránh gió lùa cũng như giữ nhiệt cho nấm.

Những nông dân làm giàu trên quê mới ở vùng cao Hòa Bình - Ảnh 2.

Nhờ trồng nấm sò, gia đình anh Đinh Công Tuyên, xã Tú Lý, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã vươn lên làm giàu. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo anh Tuyên, để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao, quan trọng nhất là khâu chọn giống, sau đó là cách ủ nguồn nguyên liệu, nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng, sạch sẽ, chất lượng nấm mới đạt, năng suất sẽ cao hơn. 

Khi vào chính vụ, mỗi bịch phôi nấm nặng 3 kg, thu hoạch được nhiều lần trong vòng từ 4 tháng. Thời vụ từ tháng 8 năm trước đến tháng 4 dương lịch năm sau, sản lượng thu được không thể đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Do được chăm sóc cẩn thận nên nấm sò của anh Tuyên bán ra với giá 50 nghìn đồng/kg, mỗi tháng anh thu được hơn 3 tạ/tháng ngót nghét khoảng 15 triệu đồng từ nấm sò.

Những nông dân làm giàu trên quê mới ở vùng cao Hòa Bình - Ảnh 3.

Mô hình nuôi gà thương phẩm, với quy mô hàng nghìn con của gia đình chị Đinh Thị Ngà, xóm Riêng, xã Tú Lý đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Mùa Xuân.

Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, từ năm 2018 gia đình chị Đinh Thị Ngà, xóm Riêng, xã Tú Lý đã đầu tư chuồng trại để chăn nuôi gà thịt thương phẩm. Năm 2021, gia đình chị từng nuôi đến hơn 10.000 con gà thương phẩm bản địa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đầu ra gặp khó, giá cả bán ra cũng rất thấp. 

Từng bước khắc phục khó khăn, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chị Ngà đã bắt đầu nuôi lại gà thương phẩm. Hiện gia đình chị có 3 dãy chuồng, với tổng đàn 3.500 con gà thịt. Do áp dụng biện pháp an toàn trong chăn nuôi nên ngay từ khi đầu tư phát triển tới nay trang trại gà của chị vẫn an toàn và phát triển ổn định.

Hiện đàn gà của gia đình chị Ngà đã đạt trọng lượng từ 1,5 – 2 kg trở lên, thương lái đang đặt hàng thu mua, với giá 100 nghìn đồng/kg. Dự kiến lứa này gia đình chị Ngà sẽ bán được khoảng 5 tấn thịt gà thương phẩm, thu về hơn 500 triệu đồng.

Những nông dân làm giàu trên quê mới ở vùng cao Hòa Bình - Ảnh 4.

Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng gia trại, trang trại đang là một trong những hướng đi thiết thực của hội viên nông dân huyện vùng cao Đà Bắc. Ảnh: Mùa Xuân.

Hoà Bình ngày càng có nhiều nông dân giỏi

Chị Đinh Thị Ngà, xóm Riêng, xã Tú Lý, chia sẻ: Để có được thành công trong chăn nuôi như ngày hôm nay, ngoài mua giống gà chất lượng từ các trang trại nuôi gà ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình), gia đình tôi còn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vệ sinh phòng dịch, chăm sóc đàn gà theo đúng quy trình sinh trưởng. Cùng với đó, việc tuân thủ đúng theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học là khâu then chốt để đạt được hiệu quả kinh tế cao. Chuồng trại được xây dựng thông thoáng và mái che được thiết kế cách nhiệt, giúp nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định theo mùa. 

Nền trại được rải một lớp trấu dày, hằng ngày đảo trấu kết hợp với rải vôi bột xử lý phân gà, nhờ đó hạn chế tối đa việc gà bị dịch bệnh. Tỷ lệ gà nuôi sống cao; chi phí thức ăn, kháng sinh giảm, hạn chế nhiễm bệnh dịch, mẫu mã và chất lượng sản phẩm được nâng cao... Đặc biệt, để có gà bán thường xuyên, gia đình tôi nuôi theo hình thức gối lứa. Nhờ đó, mà hiệu quả tăng lên rõ rệt so với hình thức chăn nuôi cũ. 

Ông Bàn Xuân Thu, xóm Dướng, xã Vầy Nưa, lựa chọn mô hình phát triển nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Hiện gia đình ông có 20 lồng cá, với diện tích 25m2/lồng được làm bằng khung thép chắc chắn. Gia đình ông chủ yếu nuôi cá trắm đen, cá lăng, cá dầm xanh, nheo, rô phi…. Trung bình mỗi năm thu hơn 1 tấn cá/lồng.

Những nông dân làm giàu trên quê mới ở vùng cao Hòa Bình - Ảnh 5.

Nông dân xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc phát triển nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Mùa Xuân.

Ngoài những mô hình trên, còn nhiều mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Anh Bàn Văn Bình, xóm Bương, xã Tân Pheo, với mô hình xưởng chế biến gỗ, doanh thu đạt từ 700 triệu  đến 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 8-12 lao động, với mức thu nhập bình quân  4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng; anh Đinh Văn Lâm, xóm Đoàn Kết, xã Tiền Phong, với mô hình đóng thuyền nuôi cá lồng và dê núi thu nhập hàng năm 900 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 8 lao động thu nhập bình quân/lao động, 5 - 7 triệu.

Mô hình cải tạo và nâng cao chất lượng vườn cây ăn quả phù hợp nhu cầu thị trường của ông Hà Huy Dụ, xã Hào Lý thu nhập 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động; mô hình sản xuất kinh doanh chế biến gỗ của ông Nguyễn Thành Sơn thu nhập 600 triệu/năm... 

Ông Phạm Minh Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đà Bắc, cho biết: 3 phong trào thi đua lớn của Hội được cán bộ, hội viên nông dân tích cực hưởng ứng tham gia, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, tổ hợp tác liên kết nhau trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Qua phong trào, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các hộ nông dân đã trở thành nề nếp trong sản xuất và đời sống văn hóa của cộng đồng nông thôn, có nhiều tấm gương nông dân vượt khó, phát huy lợi thế của địa phương để phát triển những mô hình sản xuất có hiệu quả. Khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong công cuộc góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.


Mùa Xuân