Nâng chất và lan tỏa sản phẩm OCOP Hòa Bình

Xuân Tuấn Thứ năm, ngày 27/10/2022 09:19 AM (GMT+7)
Sau 4 năm triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến tháng 8/2022, tỉnh Hòa Bình đã có 100 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó 22 sản phẩm 4 sao, 78 sản phẩm 3 sao…
Bình luận 0

3 năm, hỗ trợ hơn 47,5 tỷ đồng làm OCOP

Ngày 26/4/2019, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định 878 phê duyệt đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030.

Sau 3 năm rưỡi triển khai Chương trình OCOP, Hòa Bình đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Một số sản phẩm OCOP của Hòa Bình mà chủ thể là các doanh nghiệp, HTX - Hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đã có mặt tại các hệ thống siêu thị, thị trường Hà Nội, như: Cam Cao Phong, chuối Viba Lương Sơn, dưa lưới Lạc Thủy, bưởi đỏ Tân Lạc, gà ri Lạc Thủy, gà tươi Lạc Sơn, dưa kim hoàng hậu… Một số sản phẩm OCOP đã xuất khẩu sang các nước như: Nhãn Sơn Thủy, chè Sông Bôi, mía tím, măng khô Lạc Thủy… Có thể nói, bước đầu sản phẩm OCOP Hòa Bình đã và đang khẳng định uy tín trên thị trường trong nước và thế giới.

Nâng chất và lan tỏa sản phẩm OCOP Hòa Bình - Ảnh 1.

Cam của HTX 3T nông sản Cao Phong được chăm sóc đặc biệt theo quy trình VietGAP. Ảnh: X.T

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố của Hòa Bình đã tích cực hỗ trợ chủ thể OCOP tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP: Liên minh HTX tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến cung cầu và giới thiệu sản phẩm HTX tỉnh tại Hà Nội; phiên chợ vùng cao tỉnh Hòa Bình dịp diễn ra SEA Games 31; Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La…

Sau hơn 3 năm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, sản phẩm cam quà tặng cao cấp của HTX 3T nông sản Cao Phong (huyện Cao Phong) luôn khẳng định là thương hiệu chất lượng, uy tín trên thị trường. Cam của HTX đã được người tiêu dùng trên cả nước biết đến và tin dùng. Theo chị Vũ Thị Lệ Thủy - Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong, năm 2019, sản phẩm cam quà tặng cao cấp của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, năm 2020 được nâng hạng lên 4 sao. Mặc dù đã được nâng sao, song HTX vẫn không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc chấp hành nghiêm quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, 100% diện tích của HTX được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, HTX đầu tư dây chuyền sơ chế sau thu hoạch với hệ thống máy móc trị giá 600 triệu đồng; thiết kế bao bì, nhãn mác đóng gói…

Không dừng lại ở việc nâng cao chất lượng sản phẩm, việc quảng bá thương hiệu cam Cao Phong cũng được HTX 3T chủ động. Sản phẩm cam được đưa lên các sàn thương mại điện tử. Chị Thủy còn tổ chức các buổi bán hàng trực tiếp trên mạng…

Nâng chất và lan tỏa sản phẩm OCOP Hòa Bình - Ảnh 3.

Sản phẩm cá trắm đen sông Đà của tỉnh Hòa Bình. Ảnh: V.Q

Tại Hòa Bình, còn có nhiều sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao khác như gà tươi nguyên con của HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy, sản phẩm cá lăng đen sông Đà fillel và cá rô phi sông Đà fillel đóng túi hút chân không của Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh… đều áp dụng mô hình chăn thả tự nhiên với nguồn giống thuần chủng, khai thác đúng tuổi thương phẩm, đảm bảo các quy trình chăm sóc theo đúng kỹ thuật tiêu chuẩn VietGAP.

Theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Hòa Bình, kết quả thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, tỉnh Hòa Bình đã huy động được hơn 47,5 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, địa phương đã triển khai hỗ trợ cho công tác đào tạo, tập huấn về nông thôn mới và OCOP; hỗ trợ chuẩn hóa điểm sản phẩm, xúc tiến thương mại... Từ đó, góp phần đưa sản phẩm OCOP tỉnh Hòa Bình ngày càng vươn xa trên thị trường.

Nỗ lực chuẩn hóa, nâng chất lượng sản phẩm

Theo đề án Chương trình OCOP của tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2030, về phát triển sản phẩm, tỉnh đặt mục tiêu chuẩn hóa thêm 160 sản phẩm, phấn đấu tổng số sản phẩm chuẩn hóa tới năm 2030 là 210; phát triển mới ít nhất 100 tổ chức kinh tế, nâng cấp 40-50 tổ chức đã có tham gia Chương trình OCOP.

Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của vùng núi cao đặc thù, các sản phẩm nông sản tỉnh Hòa Bình đang từng bước khẳng định được ưu thế, chất lượng trên các thị trường tiêu thụ. Hiện, tỉnh có 18 sản phẩm đạt 4 sao, 52 sản phẩm đạt 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP. Đây đều là những nông sản thế mạnh của tỉnh như: Gà ri Lạc Thủy, các sản phẩm từ cá sông Đà, sản phẩm nước cam tươi lên men, cam quà tặng cao cấp của Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong, chuối Viba, thổ cẩm dệt tay của người Thái Mai Châu…

Nhằm tăng hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản, nhiều cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh Hòa Bình đã và đang đẩy mạnh liên kết sản xuất; nghiên cứu ra các dòng sản phẩm chế biến chất lượng cao. Từ đó, đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng trong nước và hướng đến xuất khẩu.

HTX Hà Phong (xã Bắc Phong, huyện Cao Phong) đã triển khai mô hình dây chuyền chế biến các sản phẩm từ cam tươi hữu cơ. Trong đó, 2 sản phẩm cam quà tặng cao cấp và nước cam tươi lên men được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao năm 2019 cấp tỉnh. Ông Lê Văn Cương - Giám đốc HTX cho biết, các sản phẩm từ cam Cao Phong được sản xuất trên dây chuyền tiên tiến đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp các sản phẩm của công ty đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2020.Đến nay, các sản phẩm chế biến từ cam của HTX đã được đưa vào bán tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ trên thị trường các tỉnh phía Bắc.

Để nâng cao giá trị kinh tế từ các sản phẩm nông sản OCOP của địa phương, tỉnh Hòa Bình tập trung phát triển các vùng trồng, vùng nuôi theo các tiêu chuẩn VietGAP. Song song đó, các sở, ban, ngành của tỉnh phối hợp với các viện, cơ quan nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ xử lý bảo quản nông sản sau thu hoạch; xây dựng dây chuyền sản xuất, hỗ trợ tối đa các cơ sở sản xuất.

Ông Nguyễn Huy Nhuận - Giám đốc Sở NNPTNT Hòa Bình cho hay, năm 2022, Hòa Bình phấn đấu chuẩn hóa từ 20 sản phẩm OCOP cấp tỉnh trở lên. Giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia 5 sao từ các sản phẩm OCOP cấp tỉnh có chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao như: Cam Cao Phong, các dòng sản phẩm chế biến từ cá sông Đà và sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng.

Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, ghi nhận và đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp, HTX trong Chương trình OCOP. Ông Sứ khẳng định, khi chủ thể sản phẩm OCOP là doanh nghiệp, HTX thì sản phẩm OCOP đó đảm bảo chất lượng cao, có tính lan tỏa trong cộng đồng, hiệu quả thiết thực và bền vững. Sản phẩm OCOP không chỉ tạo dấu ấn - "chữ tín" của doanh nghiệp, HTX trên thị trường mà còn góp phần quan trọng nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương trên thị trường trong nước và thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem