dd/mm/yyyy

Chuyện kể về cây luồng ở vùng cao Hòa Bình

Vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình ở tỉnh Hoà Bình có những rừng cây luồng xanh bạt ngàn, tạo nên bức tranh thiên nhiên thơ mộng và giúp giữ đất, giữ rừng...
Chuyện kể về cây luồng ở vùng cao Hòa Bình - Ảnh 1.

Trên khắp các triền đồi xã vùng cao Tân Thành, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình bạt ngàn màu xanh cây luồng. Ảnh: Mùa Xuân.

Cây luồng sinh sôi trên đất Hoà Bình

Rẽ từ quốc lộ 6 về xã Tân Thành, huyện Mai Châu trong những ngày cuối thu, tiết trời se se lạnh, lướt xe máy trên cung đường dài hơn 40 km đã và đang được Nhà nước đầu tư cho người dân xã vùng cao. Ấn tượng với chúng tôi bởi hai bên đường vào xã Tân Thành được phủ xanh bằng những cây luồng được bà con trồng, chăm sóc từ hàng chục năm nay.

Ông Nguyễn Văn Mười, xóm Ban, xã Tân Thành, huyện Mai Châu (Hòa Bình), năm nay đã hơn 60 tuổi, nhớ lại: Năm 1997, gia đình tôi cũng như các hộ dân trong xóm được tỉnh Hòa Bình hỗ trợ giống cây luồng để trồng trên những vùng đất dốc. Ngoài được hỗ trợ giống cây luồng để trồng, chúng tôi còn được Nhà nước hỗ trợ tiền chăm sóc trong vòng 3 năm. 

Đến nay, gia đình tôi có khoảng 9 ha cây luồng, mỗi năm gia đình tôi thu về hàng chục triệu đồng/ha từ bán măng luồng, thân cây luồng. Số tiền thu về từ cây luồng tuy không lớn nhưng đã giúp cải thiện cuộc sống của gia đình tôi rất nhiều. Mấy năm trở lại đây có các Công ty, doanh nghiệp đặt hàng thu mua cây luồng nên đầu ra cũng ổn định. Bên cạnh đó, bà con chúng tôi còn được Nhà nước hỗ trợ tiền chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng từ việc chăm sóc, bảo vệ rừng luồng. 

Chuyện kể về cây luồng ở vùng cao Hòa Bình - Ảnh 2.

Cây luồng có kích thước lớn, không gai, lá nhỏ, mọc cụm. Thân ngầm dạng củ, thưa cây, thân khí sinh có ngọn cong ngắn. Ảnh: Mùa Xuân.

Cũng như gia đình ông Mười, gia đình anh Bùi Văn Thảo, xóm Tôm, xã Tân Thành, chia sẻ: Gia đình tôi cũng được hỗ trợ trồng gần 2 ha cây luồng. Đây là dự án tỉnh Hòa Bình triển khai cho các hộ dân vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình trồng. Sau hơn 20 năm bén rễ, cây luồng không chỉ góp phần giữ rừng trên thượng nguồn lòng hồ mà còn giúp bà con chúng tôi có thêm thu nhập từ cây luồng.

Chuyện kể về cây luồng ở vùng cao Hòa Bình - Ảnh 3.

Người dân xóm Ban, xã Tân Thành, huyện Mai Châu (Hòa Bình) chặt thân cây luồng bán cho thương lái. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Đinh Văn Dũng, Trưởng xóm Ban, xã Tân Thành, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình thông tin: Hiện xóm Ban có khoảng 500 ha rừng phòng hộ, trong đó, có 40 ha cây luồng, đây là cây trồng thay thế cây ngô, sắn năng suất thấp của bà con. Nhờ có cây luồng này không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập mà còn tận dụng được thân cây luồng rào vườn, làm lồng cá...

Được biết, để phục vụ cho việc ngăn sông Đà, xây dựng thủy điện Hòa Bình, nhiều hộ dân của xã Tân Thành phải di vén đến nơi ở mới. Diện tích đất nông nghiệp nuôi sống người dân từ bao đời đã chìm sâu dưới lòng hồ, nhường chỗ cho công trình thế kỷ.

 Do đó, những năm, 1996, 1997 theo Đề án 747 của tỉnh Hòa Bình, cây luồng đã được đưa vào trồng trên địa bàn xã Tân Thành. Đến nay, cây luồng đã bén rễ và phát triển thành những cánh rừng xanh bạt ngàn và được nhân dân trong xã duy trì, diện tích đạt hàng trăm ha, đem về nguồn thu nhập ổn định cho nhân dân.

Chuyện kể về cây luồng ở vùng cao Hòa Bình - Ảnh 4.

Thân tre cao từ 14m, ngọn cong 1m, đường kính thân 10cm. Lóng dài 30cm, vách thân dày 1cm, thân tre tươi nặng 37kg. Ảnh: Mùa Xuân.

Cây luồng là một giống tre của Việt Nam với tên khoa học Dendrocalamus membranaceus Munro. Tre luồng có kích thước lớn, không gai, lá nhỏ, mọc cụm. Thân ngầm dạng củ, thưa cây, thân khí sinh có ngọn cong ngắn. Thân tre cao từ 14m trở lên, ngọn cong 1m, đường kính thân 10cm. Lóng dài 30cm, vách thân dày 1cm, thân tre tươi nặng 37kg.

Cây luồng thành hàng hoá xoá nghèo

Những năm gần đây, cây luồng đã được đưa vào chế biến công nghiệp làm ra nhiều sản phẩm có giá trị như: Đũa, tăm mành, ván sàn, đồ thủ công mỹ nghệ, là nguyên liệu cho sản xuất giấy sợi, ... Măng luồng là loại thực phẩm sạch, chứa nhiều dinh dưỡng và chất xơ được nhiều người ưa chuộng. Ngoài ra, rừng luồng còn có giá trị phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn và lưu giữ khí cacbon (khí nhà kính) bảo vệ môi trường.

Chuyện kể về cây luồng ở vùng cao Hòa Bình - Ảnh 5.

Cây luồng được thương lái thu gom mua tại vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Mùa Xuân.

Để cây luồng phát triển bền vững, theo người dân xã vùng cao Tân Thành rừng luồng luôn được quản lý, bảo vệ, chăm sóc thâm canh, khai thác đúng quy trình kỹ thuật. Chỉ khai thác những thân cây tre già, mỗi gốc chỉ cắt tỉa 3-4 cây để bán cho thương lái, hạn chế khai thác thân cây luồng vào mùa măng.

Có thể nói cây luồng đã và đang từng ngày đem lại thu nhập ổn định hơn, trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi tỉnh Hòa Bình.

Mùa Xuân