Những người đàn bà đi lạc

Dạ Ngân

18/01/2017 14:38 GMT +7

Mỗi sáng sớm, ở công viên nhỏ ven Sài Gòn có ba, bốn phụ nữ đội sương ra sông múc nước. Họ là cư dân của cuộc sống đô thị, nhà chung cư, lương hưu lửng túi, chồng con đề huề. Nhìn họ biết gốc gác dân châu thổ sông Hồng, hoặc dân khúc ruột miền Trung đi dài vô và cùng với chồng dừng lại với cái túi chứa Sài Gòn.

Nhìn mặt mà bắt hình dong nhưng cũng không sai. Họ mặc những bộ đồ màu tối, tay xách thùng, tay cầm dao hoặc cuốc. Họ đi so le, lặng lẽ, cuốc đất công viên thành luống để trồng rau. Cuốc, vãi hạt, đặt cây giống, tưới và kéo cả lục bình lên để cho chúng hoai. Không kêu gọi ai cùng làm, họ đơn lẻ nhưng không đơn độc và chỉ mấy ngày không để ý, dân thể dục sáng của chung cư đã nhìn thấy những mầm rau nhú lên xanh xanh, kỳ diệu.

Thú thực, công viên của chung cư cũ gần như vô chủ. Phường nói quận đang cho giải tỏa để thành khu cao ốc mới. Cỏ rác dầy quá dân kêu thì quận nói việc vệ sinh là của phường. Rốt cùng, dân tự quản, người quét rác không công, người mang dao nhà ra chặt cây xén cành làm củi để dành, có người còn hô hào dân hùn nhau mua ghế đá về thay những chiếc ghế sứt sẹo rêu phong năm tháng.
Đám cỏ cháy công viên bị bỏ rơi dần biến mất như có phép màu.

 Những liếp rau ngoạn mục. Thời buổi rau bẩn bủa vây, những người đàn bà cặm cụi bắt đầu kiêu hãnh với thành quả của mình. Cả công viên rau, kẻ bán người mua hể hả. Rau lang, rau muống, cải xanh, cải mầm, mồng tơi và cả những dây mướp. Những nhánh chà bắt đầu được cắm xuống cho mướp leo lên, hoa vàng và ong bướm lượn.

Niềm vui thoáng chốc. Công viên không phải sân nhà. Một đội Môi trường ào đến, chỉ trong một buổi, những luống rau trọc lóc ngay. Người công vụ ý tứ không lấy một nắm rau nào, những thân rau sạch bật gốc còng queo dưới nắng. Người ta bắn một tín hiệu: bí thư mới, coi chừng ông ấy vi hành, đừng tưởng! Vậy là công cốc các bà các chị con dân sông Hồng sông Hương sông gì gì nữa ngẩn ngơ thấy như mình bị xử ép!

Họ chuyển hoạt động về đêm. Họ đem cuốc leng và bao tải ra lấy đất có phân xanh cây lục bình đem về để trồng rau ở ban công hay là để dành cho nhà có mùi đất, không biết nữa. Lại một phép màu, mặt đất công viên trở lại bằng ngăn ngắt. Nhưng những người phụ nữ nặng nghiệp hoa màu cũng buồn lặng phắt. Họ như bị thừa, họ không biết giết thời giờ bằng gì, họ thấy cuộc sống dài ra quá và họ hoài nghi bữa cơm của chính nhà mình vì họ không còn được cho chồng con những bữa rau tin cậy.

Một bà đội nón đi thể dục vào hừng đông, lặng lẽ, lạc loài. Một bà khác bắt đầu xếp những viên gạch vụn ngoài hàng rào công viên để đổ đất cho một dây mồng tơi leo lên. Nó sẽ là vô chủ nếu nhà chức trách truy xét. Một chị khác thi thoảng vẫn xách thùng ra múc nước sông lên tưới những đám rau dại mọc tự nhiên giữa những kẽ gạch, rau sam, rau má, rau đắng, rau cải trời…Một chị khác quần áo thể dục diện hơn hay ghé xuống với những “đồng nghiệp” một thời để thì thầm về cây về rau cho đỡ ghiền, đỡ nhớ.

Những phụ nữ Sài Gòn thứ thiệt nhìn qua biết ngay. Họ từng là công chức, thương nhân hoặc thuần nội trợ, vá may, buôn bán nhỏ. Họ đi thể dục với những đôi giày chuẩn, ngồi lại với ly cà phê và bữa sáng, phần lớn họ hiện có người nhà ở trời Tây. Những người ấy nhìn các bà trang lứa mắc nợ lũ rau màu như nhìn người ở thế giới khác trôi giạt về đây. Họ ái ngại một cách tò mò, ngộ nghĩnh.

Mặc, những phụ nữ của “lúa khoai ta gắng trồng” một thuở vẫn hấp tấp đi theo kiểu của mình, bận rộn với những nhớ nhung và suy nghĩ miên man của họ. Có lẽ họ không hiểu vì sao công viên vẫn bỏ ngõ mà cây rau cây mướp không được mọc lên. Có lẽ họ không hiểu sao dòng chảy xô đẩy họ đi xa như vậy, tận trời Nam, nơi không có bốn mùa, không có những cánh đồng thu và những ngày rau màu dưới mưa xuân lớp lớp.

Họ không bao giờ trở thành người Sài Gòn được vì mặc gì, mang gì, đội nón gì, bước đi như thế nào, họ vẫn có cái vẻ của người đa mang thôn dã. Họ đã lỡ đi lạc vào thế giới đô thị văn minh như là những con cá mắc cạn mà vẫn hy vọng vào điều gì đó, mỗi ngày.