dd/mm/yyyy

Nhiều giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững tại Sơn La

Với trên 26.500 ha diện tích mặt nước, cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người dân.

Tiềm năng, lợi thế để Sơn La phát triển nuôi trồng thủy sản

Sơn La có trên 26.500 ha diện tích mặt nước, trong đó, hồ thủy điện Sơn La hơn 13.000 ha, thủy điện Hòa Bình 7.900 ha và có các hồ chứa thủy lợi, các thủy điện nhỏ và vừa trên 600 ha; khoảng 5.000 ha ruộng nước có thể kết hợp nuôi cá và có khoảng 35 các sông, suối lớn nhỏ có điều kiện để nuôi thả các loài thủy sản. Đây là tiềm năng để tỉnh Sơn La phát triển nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo cho Sơn La là một tỉnh có nguồn lợi thủy sản đa dạng, phong phú, để phát triển thủy sản.

Trong những năm qua ngành thủy sản tỉnh Sơn La đã có những bước phát triển đáng kể. Từ chỗ là một nghề sản xuất phụ, mang tính chất tự cấp tự túc, nuôi trồng thủy sản bước đầu đã trở thành một ngành sản xuất hàng hoá tập trung, nhiều đối tượng có giá trị kinh tế cao được nuôi rộng rãi như cá lăng, cá tầm.... đặc biệt việc phát triển nuôi cá tầm trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La là bước đột phá quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh nhà; là hướng đi mới nhằm tạo công ăn việc làm cho đồng bào tái định cư, đồng thời khai thác tiềm năng lợi thế mặt nước hồ thủy điện Sơn La để phát triển kinh tế của tỉnh.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La, tổng sản lượng thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2023 của Sơn La ước đạt 7.182 tấn, tăng 3,1% (216 tấn) so với cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi trồng thủy sản: 2.981 ha, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước; số lồng nuôi là 6.772 lồng.

Phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản Sơn La - Ảnh 1.

Tổng sản lượng thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2023 của Sơn La ước đạt 7.182 tấn. Ảnh: Hoài Linh.

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan như vậy, song với đó, phát triển nuôi trồng thủy sản của Sơn La đang gặp nhiều khó khăn như: trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở, nhà máy chế biến sản phẩm thủy sản; nuôi cá gặp khó khăn về đầu ra, do cá nuôi chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh; hệ thống giao thông tại những khu vực có khả năng phát triển nuôi cá nước ngọt còn khó khăn, dẫn đến giá thành sản phẩm sản xuất cao.

Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế, giá cả bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường tự do, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả và tâm lý người nuôi; các loài cá đặc sản như cá tầm vốn đầu tư ban đầu lớn, chưa hoàn toàn chủ động được công nghệ sản xuất giống và thức ăn nên còn manh mún, nhỏ lẻ, diện tích không đáng kể so với tiềm năng…

Sơn La định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

Định hướng phát triển nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa giai đoạn 2025 – 2030, tỉnh Sơn La tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, Đề án phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh Sơn La ban hành tại Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 17/5/2021.

Kiện toàn củng cố cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ nuôi trồng và phát triển nguồn lợi thủy sản trong giai đoạn mới từ tỉnh đến các địa phương trọng tâm là các huyện có tiềm năng phát triển thủy sản như Quỳnh Nhai, Mường La, Phù Yên, Vân Hồ...

Phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản Sơn La - Ảnh 2.

Nhờ phát triển nuôi cá lồng, nhiều hộ dân tại các xã ven lòng hồ Sơn La có thu nhập ổn định. Ảnh: Hoài Linh.

Hình thành hệ thống cung ứng con giống tốt đảm bảo uy tín,chất lượng; quản lý tốt khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La.

Đổi mới phương thức tổ chức sản xuất trong ngành thủy sản; gắn với việc đào tạo nghề, tạo việc làm, thu nhập cho người dân theo hướng: Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ; người dân liên kết nuôi trồng, khai thác và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản.

Kêu gọi đầu tư từ nhà nước, các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà máy chế biến cá thương phẩm đạt tiêu chuẩn.

Phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản Sơn La - Ảnh 3.

Định hướng phát triển nuôi trồng thuỷ sản hồ chứa giai đoạn 2025 – 2030, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng cảng cá, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung... Ảnh: Văn Ngọc.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng cảng cá, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Hình thành mạng lưới dịch vụ hiệu quả chất lượng cao phục vụ phát triển thủy sản.

Ban hành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản gắn với bảo vệ môi trường…

Hoài Linh