Giá lúa gạo hôm nay ngày 12/4 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng mạnh với gạo, trong khi giữ ổn định với lúa.
Theo đó, giá gạo hôm nay đồng loạt điều chỉnh tăng. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.200 - 11.300 đồng/kg, tăng 250 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 duy trì ổn định quanh mức 13.650 - 13.750 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Với mặt hàng lúa, hôm nay giá lúa duy trì đà đi ngang. Cụ thể, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa OM 18 ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; OM 5451 ở mức 7.600 - 7.700 đồng/kg; nếp Long An tươi 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 7.700 - 8.000 đồng/kg; IR 504 ở mức 7.200 - 7.300 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 dao động quanh mốc 7.500 - 7.700 đồng/kg; lúa OM 380 duy trì ổn định quanh mức 7.500 - 7.600 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2024 xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 99,7% về lượng và tăng 90% kim ngạch so với tháng 2/2024 nhưng giá giảm 4,9%, đạt trên 1,12 triệu tấn, tương đương 709,6 triệu USD, giá trung bình 631,1 USD/tấn. Tính chung cả 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với 3 tháng năm 2023, đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương gần 1,43 tỷ USD, giá trung bình 653,9 USD/tấn.
Gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines trong 3 tháng đầu năm 2024, chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 1,01 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD, giá 641,7 USD/tấn, tăng 13,2% về lượng, tăng 44% về kim ngạch và tăng 27,3% về giá so với 3 tháng năm 2023; riêng tháng 3/2024 xuất khẩu đạt 511.204 tấn, tương đương 311,92 triệu USD, giá 610,2 USD/tấn, tăng 133,2% về lượng, tăng 118,5% kim ngạch nhưng giảm 6,3% về giá so với tháng 2/2024.
Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 199,7% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% về giá so với 3 tháng năm 2023, đạt 445.326 tấn, tương đương 285,06 triệu USD, giá 640 USD/tấn, chiếm trên 20% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Tiếp theo, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch và tăng 24,7% về giá so với 3 tháng năm 2023, đạt 98.917 tấn, tương đương 61,55 triệu USD, giá trung bình 622,3 USD/tấn, chiếm trên 4% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
HIện nguồn cung gạo xuất khẩu của Việt Nam khá dồi dào. Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, sản lượng lúa vụ mùa và đông xuân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 126 nghìn tấn (tăng 1,1%); trong đó sản lượng lúa vụ đông xuân ước đạt 10,7 triệu tấn, tăng 65 nghìn tấn (tăng 0,6%); sản lượng lúa mùa đạt 974 nghìn tấn, tăng 60 nghìn tấn (tăng 6,6%). Đây là con số khá lớn khi sản lượng lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới trên 50% sản lượng lúa đông xuân của cả nước. Nguồn cung dồi dào đã kéo giá lúa giảm nhẹ trước đó.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 5 USD/tấn. Theo đó, gạo 5% tấm xuất khẩu với giá 577 USD/tấn; gạo 25% tấm xuất khẩu với giá 558 USD/tấn; gạo 25% tấm chào hàng với giá 478 USD/tấn. Gạo 5% tấm là loại gạo xuất khẩu phổ cập nhất. Loại gạo này của Việt Nam đang thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan 4 USD/tấn và thấp hơn gạo Pakistan 24 USD/tấn sẽ tạo cơ hội cho gạo Việt trên bàn đàm phán.
Năm nay, Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu gạo đạt 5 tỷ USD. Năm ngoái, xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn với trị giá 4,7 tỷ USD - cao kỷ lục. Hiện, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo.
Được biết, các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng đang kỳ vọng giá gạo thế giới sẽ tăng trong quý II này do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu El Niño và lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu gạo quý II, các nhà xuất khẩu gạo Thái đánh giá: Ở thời điểm hiện tại, việc Ấn Độ xuất khẩu hơn 1 triệu tấn gạo theo đường ngoại giao là thông điệp khá rõ ràng về việc nước này sẽ chưa nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu trong thời gian sắp tới. Điều này có thể sẽ khiến thị trường gạo thế giới tạm thời duy trì tình trạng cung thấp hơn cầu và giá cao.