dd/mm/yyyy

Giá lúa gạo đồng loạt điều chỉnh tăng, FAO dự báo "nóng" về cung cầu gạo

Nguồn lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long còn ít nên nông dân tiếp tục chào giá tăng...

Giá lúa gạo hôm nay ngày 9/4: Đồng loạt điều chỉnh tăng

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa OM 18 hôm nay đứng ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 5451 ở mức 7.600 - 7.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; nếp Long An tươi 7.800 - 8.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.

Với các loại lúa còn lại, giá đi ngang. Cụ thể lúa Đài thơm 8 dao động quanh mốc 7.700 - 8.000 đồng/kg; IR 504 ở mức 7.200 - 7.300 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 dao động quanh mốc 7.500 - 7.700 đồng/kg; lúa OM 380 duy trì ổn định quanh mức 7.500 - 7.600 đồng/kg.

Ghi nhận tại các địa phương như Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… bình quân giá lúa dao động quanh mốc 7.200 - 8.000 đồng/kg. Các kho hỏi mua lúa khô nhiều, đặc biệt là lúa khô IR 504. Tại Sóc Trăng nguồn lúa chưa cọc còn ít, giá cao. Nông dân chào giá lúa tăng. Với lúa nếp, nguồn lúa ít, nhu cầu mua nhiều, giá tăng nhẹ ở các địa bàn.

Trên thị trường gạo, giá cũng có sự biến động. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 10.800 - 11.000 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 tăng 100 đồng/kg lên mức 13.200 - 13.300 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá duy trì ổn định sau phiên điều chỉnh tăng. Theo đó, giá tấm IR 504 duy trì ổn định ở mức 10.600 - 10.700 đồng/kg, cám khô dao động quanh mốc 4.650 - 4.750 đồng/kg.

Tại các chợ lẻ, giá gạo đi ngang. Theo đó, giá gạo thường dao động quanh mốc 14.000 - 15.000 đồng/kg; gạo Jasmine 17.000 - 18.000 đồng/kg; gạo Nàng Nhen 26.000 đồng/kg; thơm thái hạt dài 19.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Hương lài 21.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg.

Giá lúa gạo đồng loạt điều chỉnh tăng, FAO dự báo "nóng" về cung cầu gạo - Ảnh 1.

Nguồn lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long còn ít nên nông dân tiếp tục chào giá tăng...

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay tăng giảm trái chiều giữa các chủng loại gạo. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam gạo tiêu chuẩn 5% tấm hiện ở mức 576 USD/tấn, giảm 1 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 554 USD/tấn, giảm 4 USD/tấn. Riêng gạo 100% tấm tăng 2 USD/tấn lên mức 480 USD/tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 2,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gạo lọt vào top những mặt hàng nông nghiệp có mức tăng trưởng cao và đạt trên tỷ USD trong 3 tháng đầu năm. Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam hiện nay là Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore…; trong đó, Philippines chiếm hơn 38% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện duy trì ở mức dưới 580 USD/tấn - mức thấp kể từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, một số thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam cũng đang có xu hướng giảm nhập khẩu hoặc đa dạng hóa nguồn cung.

Theo dự báo mới nhất của FAO ngày 4/4/2024, sản lượng gạo thế giới năm 2023/24 tăng nhẹ so với dự báo tháng trước và vẫn được kỳ vọng sẽ phục hồi so với năm ngoái nhờ vào vụ mùa bội thu ở châu Á cũng như sản lượng tăng ở châu Phi và Mỹ.

Mức tiêu thụ gạo năm 2023/24 vẫn giảm nhẹ so với năm trước, do dân số tăng có thể làm tăng lượng tiêu thụ thực phẩm nên làm giảm việc sử dụng phi thực phẩm.

Thương mại gạo thế giới năm 2024 vẫn giảm năm thứ hai liên tiếp, do dự báo giảm nhập khẩu ở tất cả các khu vực, ngoại trừ châu Âu, châu Mỹ Latinh và Caribe.

Dự trữ gạo năm 2023/24 tăng nhẹ so với dự báo tháng trước, chủ yếu là do Indonesia điều chỉnh tăng nhẹ dự trữ.

Năm nay, Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu gạo đạt 5 tỷ USD. Năm ngoái, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 8,13 triệu tấn với trị giá 4,7 tỷ USD - cao kỷ lục. Hiện, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo.

Giá lúa gạo đồng loạt điều chỉnh tăng, FAO dự báo "nóng" về cung cầu gạo - Ảnh 2.

Dự báo cung - cầu gạo thế giới năm 2023/2024. ĐVT: Triệu tấn. Nguồn: FAO

 

P.V