dd/mm/yyyy

Philippines dự đoán lượng gạo nhập khẩu sẽ giảm do nguồn cung nội địa tăng

Theo dự báo, do nguồn cung nội địa tăng, Philippines khả năng sẽ giảm lượng gạo nhập khẩu từ các nước, cho dù nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng nhẹ.

Theo báo cáo của Cơ quan quản lý xuất khẩu nông sản - Bộ Nông nghiệp Mỹ (US Department of Agriculture’s Foreign Argiculture Service), lượng gạo nhập khẩu của Philippines năm nay ở mức 4 triệu tấn, thay vì mức dự báo 4,1-4,3 triệu tấn trước đây, do sản xuất lúa trong nước của Philippines hy vọng sẽ đáp ứng được mức tăng nhẹ của nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Philippines dự đoán lượng gạo nhập khẩu sẽ giảm do nguồn cung nội địa tăng- Ảnh 1.

Philippines dự đoán lượng gạo nhập khẩu sẽ giảm do nguồn cung nội địa tăng

Theo quy định tại Lệnh số 50 do Tổng thống Ferdinard R. Marcos Jr. ký, gạo từ các nước nhập khẩu vào Philippines hiện nay đều phải chịu mức thuế nhập khẩu 35% và mức này sẽ áp dụng cho đến cuối năm 2024 (sẽ xem xét lại vào tháng 12 năm 2024).

Theo số liệu từ Cục Thực vật – Bộ Nông nghiệp Philippines, tính đến ngày 07 tháng 3 năm 2023, Philippines nhập khẩu tổng cộng 793.753,49 tấn gạo. Vẫn như mọi năm, gạo Việt Nam chiếm phần lớn, với khối lượng 431.846,72 tấn, chiếm 54,41%, tiếp theo là Thái Lan với 210.127,38 tấn, chiếm 26,47%. Như vậy, trong quý I năm 2024 đã chứng kiến lượng gạo Thái Lan nhập khẩu vào thị trường Philippines tăng cao so với trước đây. Đây là tín hiệu và là sự cảnh báo đối với gạo Việt Nam tại thị trường Philippines khi gạo Thái Lan bắt đầu gia tăng thị phần.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán sản xuất gạo của Philippines sẽ đạt 12,125 triệu tấn do dự đoán rằng El Niño sẽ giảm vào tháng 4 và tháng 5 năm 2024, cũng như Chương trình của Chính phủ hỗ trợ ngành sản xuất lúa gạo trong việc tăng cường sử dụng phân bón và giống tốt. 

Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, Chính phủ Philippines, thông qua Bộ Nông nghiệp, đã hỗ trợ 30,8 tỷ pesos cho người trồng lúa trên cả nước, số tiền này cao hơn rất nhiều so với mức 15,8 tỷ pesos mà Bộ Nông nghiệp đã nhận được và triển khai hỗ trợ người trồng lúa trong năm 2022. 

Cùng với sự gia tăng hỗ trợ từ Chính phủ, thì năng xuất và sản lượng lúa gạo của Philippines cũng sẽ tăng lên. Năm 2023, sản xuất lúa của Philippines lần đầu cán mốc 20 triệu tấn (cụ thể 20,06 triệu tấn), tăng 1,5% so với năm 2022 và vượt qua mức đỉnh đạt được năm 2021 là 19,96 triệu tấn.

Được biết, trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay chững lại và đi ngang. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam gạo tiêu chuẩn 5% tấm hiện ở mức 577 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 558 USD/tấn; gạo 100% tấm duy trì ổn định ở mức 478 USD/tấn.

Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,07 triệu tấn, với giá bình quân 661 USD/tấn, mang về giá trị 1,37 tỷ USD.

Trước đó, giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua không có nhiều biến động và hầu hết đi ngang. Giá gạo xuất khẩu không có biến động đáng kể.

Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá lúa có sự biến động nhẹ ở một số loại, song chủ yếu duy trì đi ngang. Điển hình như: Đài thơm 8 từ 7.700 – 8.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 từ 7.600 – 7.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá từ 7.600 – 7.700 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg. Nhiều loại vẫn giữ ổn định như: IR 50404 từ 7.300 – 7.500 đồng/kg; OM 5451 từ 7.500 – 7.600 đồng/kg; lúa Nhật từ 7.800 - 8.000 đồng/kg…

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.500 - 16.500 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài từ 19.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.500 – 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…

Nguyễn Phương