dd/mm/yyyy

Ngỡ ngàng thấy "cây xe duyên" vùng đồng bằng trên rẻo cao Tây Bắc

Cây cau vốn là "cây xe duyên" thân thuộc với làng quê Bắc Bộ. Nhưng ở huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), ta phải ngỡ ngàng trước những bản làng xanh mướt dáng cau...

Clip: Làng cau đẹp ngỡ ngàng trên rẻo cao Tây Bắc

"Cây xe duyên" bén rễ vùng cao Quỳnh Nhai

“Ai về tôi gửi buồng cau/Buồng trước kính mẹ buồng sau kính thầy”... Cây cau từ xưa đến nay vẫn thường gắn liền với đời sống lứa đôi của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với lá trầu, trái cau xanh đã bước vào bao câu ca dao tục ngữ. Cau - trầu trở thành nét đẹp văn hóa trong lễ xe duyên của bao thế hệ người Việt; kết tóc cho bao đôi lứa nên vợ chồng. Cau - Trầu trở thành "đầu câu chuyện", không chỉ trong việc là thứ "cây xe duyên" khi hỏi cưới mà cả trong những kiện lớn của mỗi gia đình, thôn làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ như dịp lễ tết, cũng giỗ, hội làng… 

Ngỡ ngàng thấy "cây xe duyên" vùng đồng bằng trên rẻo cao Tây Bắc - Ảnh 2.

Cây cau có mặt ở huyện Quỳnh Nhai từ bao giờ, không ai rõ nữa. Nhưng đến hôm nay thì hàng trăm cây cau đang vươn mình thẳng tắp ở nhiều bản thuộc xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Ảnh: Kiều Thanh Tâm

Tưởng chừng vị thế cây cau chỉ hiển diện ở mỗi chốn thôn quê vùng động bằng, đô thị và gắn với văn hoá dân tộc Kinh, Mường. Thế nhưng khi đi ngược sông Đà lên với núi cao, đến với những bản bà con dân tộc Thái ở Sơn La, chúng tôi bắt gặp dấu ấn “độc nhất vô nhị” của những bản người Thái vùng cao: Cau trồng trước cửa, cau trồng su nhà, cau xanh mướt trên nương, trong vườn...

Đó là khi đi dọc con đường từ huyện Thuận Châu vào thị trấn Quỳnh Nhai, nơi những bản người Thái san sát nhau, chúng tôi bất ngờ trước sự “có mặt” của hàng ngàn cây cau xanh mướt tại bản Khoan, bản Canh, bản Ngáy… Bản nào cũng trồng nhiều cau. 

Theo người dân nơi đây, cây cau đã bén rễ ở Chiềng Bằng từ lâu lắm lắm rồi. Bây giờ, chẳng ai còn nhớ được cây cau được đưa về Chiềng Bằng như thế nào. Nhưng với người dân ở đây, cây cau mang lại cho họ vẻ đẹp, sắc xanh tươi mát và cả giá trị kinh tế... Vì thế nhà nào cũng trồng ít nhất một vài cây cau trước cửa. Còn với nhiều hộ thì cau đan nhau trước nhà, sau vườn. Có những nhà trồng đến hàng chục cây, làm thành vườn cau. Có những cây cau đã già chục năm tuổi, nhưng cũng có những vườn ươm cau mới nhú đọt non xanh…

Ngỡ ngàng thấy "cây xe duyên" vùng đồng bằng trên rẻo cao Tây Bắc - Ảnh 3.

Nhiều gia đình người dân tộc Thái ở huyện Quỳnh Nhai trồng hàng chục cây cau vừa làm cảnh, vừa làm hàng hoá cung ứng khi thị trường có nhu cầu. Ảnh: Kiều Thanh Tâm

"Cây xe duyên" trở thành hàng hoá

Theo lão nông Lò Văn Xương, dân bản Khoan, xã Chiềng Bằng thì ban đầu, cây cau được trồng theo tục ăn trầu của người dân địa phương. Ngày xưa, các bà, các mẹ thường ăn trầu với cau, quệt vôi cùng da quả “hát” (loại quả chát giống như vỏ chay ở miền xuôi). Về sau, kinh tế phát triển, nhu cầu mua bán, sử dụng, trao đổi quả cau nâng lên; ai cũng trồng, cũng ươm. Cây cau trở thành loại cây cảnh đặc trưng của vùng đất này. 

Ngỡ ngàng thấy "cây xe duyên" vùng đồng bằng trên rẻo cao Tây Bắc - Ảnh 4.

Nhiều hộ gia đình ở xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã biết ươm giống cau để nhân rộng diện tích cây cau trong vườn nhà mình, hoặc bán giống. Ảnh: Kiều Thanh Tâm.

Ông Lò Văn Xương (64 tuổi, trú tại bản Khoan, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) kể lại: “Trước thì mọi người trồng làm cảnh, trước thì không ai mua, muốn bán thì phải ra ngoài thành phố Sơn La bán nhưng mà cũng có biết đi đâu. Trước thì không đi được vì toàn đi bộ chứ không có xe như bây giờ. Sau này có xe, có đường tốt thì mới mang ra bán. Mấy năm nay, anh em cũng vào trong tận đây mua, không phải đi bán nữa”.

Ông Xương chia sẻ thêm: “Buồng thì hồi trước chưa có giá nên khoảng 20 - 30 nghìn gì đấy. Năm ngoái lên đến 50 nghìn. Nhưng mà năm nay có ba chục hoặc hơn thôi.” 

Ngỡ ngàng thấy "cây xe duyên" vùng đồng bằng trên rẻo cao Tây Bắc - Ảnh 5.

Vẻ đẹp của ngôi nhà sàn nép mình bên vườn cau xanh mướt ở xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Ảnh: Kiều Thanh Tâm.

Do không chỉ trồng cau để làm cảnh mà còn phục vụ kinh tế, cây cau tại các bản Khoan, bản Canh, bản Ngáy dần được trồng có quy hoạch. Người dân làm bầu, ươm rễ, trồng cau cảnh đem bán, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cây cau cảnh có thể giá từ 100.000 - 300.000 VNĐ. Cây cau giống đầu vụ có thể có giá 15.000 VNĐ, cuối vụ 10.000 VNĐ.

Ngỡ ngàng thấy "cây xe duyên" vùng đồng bằng trên rẻo cao Tây Bắc - Ảnh 6.

Với nhiều hộ đồng bào Thái ở Chiềng Bằng thì cây cau vừa trồng để làm cảnh, vửa để che chắn, chống lại cái nắng nóng khó chịu của vùng lòng hồ sông Đà hôm nay. Ảnh: Kiều Thanh Tâm.

Với định hướng phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới của Quỳnh Nhai trong thời gian tới, những hàng cau xanh của bản Khoan, bản Canh, bản Ngáy... là một lợi thế để xây dựng thêm nhiều địa điểm tham quan hấp dẫn. Và cứ như thế, cây cau sẽ không chỉ “xe duyên” cho đôi lứa yêu nhau mà còn “xe duyên” cho những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ và những trải nghiệm thú vị. 

Kiều Thanh Tâm