dd/mm/yyyy

Nếu Covid-19 không biến mất...

Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 có thể không bao giờ biến mất, con người có thể buộc phải sống chung và thích ứng với chúng.
Nếu Covid-19 không biến mất... - Ảnh 1.

Covid-19 có thể sẽ không hoàn toàn biến mất. (Nguồn: The Atlantic)

Bài học trong quá khứ

Những năm 1980, một nhóm bác sỹ người Anh đã tiến hành nghiên cứu một thí nghiệm. Cụ thể, 15 tình nguyện viên đã được cho nhiễm virus có tên 229E qua đường mũi. 229E là một loại virus corona, gây ra bệnh cúm thông thường. Kết quả cho thấy, 10/15 người cho kết quả dương tính với virus này, nhưng chỉ 8/10 người có triệu chứng như cảm cúm.

Một năm sau, nhóm bác sỹ này lặp lại thí nghiệm đối với 14/15 người trong nhóm tình nguyện viên cũ. Sau khi bị cho lây nhiễm một lần nữa với virus 229E, 6/10 người tái nhiễm virus nhưng đều không phát triệu chứng nào cả.

Từ đó, nhóm bác sỹ phỏng đoán rằng, khả năng miễn dịch của con người trước virus corona sẽ suy yếu nhanh chóng và tình trạng tái nhiễm bệnh là phổ biến. Nhưng ở những lần sau, tình hình nhiễm bệnh sẽ nhẹ hơn, thậm chí là không có triệu chứng. Rất có thể, tất cả chúng ta đều đã từng bị nhiễm virus 229E, và nhiều hơn một lần.

Lý giải cho hiện tượng này, nhóm bác sỹ kết luận loại virus 229E có triệu chứng tương tự như bệnh cảm cúm - bệnh mà ai cũng từng ít nhất nhiễm một lần. Từ đó, nếu được điều trị tốt ở lần nhiễm đầu tiên thì khi gặp loại virus này lần thứ hai, thứ ba, hệ miễn dịch của con người sẽ biết cách phản ứng lại với virus, bảo vệ chúng ta khỏi các tình trạng nguy hiểm.

Thế nhưng, nghiên cứu này lại không được nhiều người biết đến. Lý do là khi đó, giới khoa học không quá để ý đến những cơn cảm lạnh mà chỉ tập trung vào nghiên cứu những căn bệnh nguy hiểm hơn.

Trước khi SARS-CoV-2 xuất hiện, thế giới mới phát hiện bốn loại virus corona gây bệnh cho con người với các triệu chứng cảm cúm. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, SARS-CoV-2 nhiều khả năng sẽ trở thành loại virus corona gây cảm cúm thứ năm.

Do đó, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng rằng, đại dịch sẽ kết thúc, dù bằng cách này hay cách khác. Số ca bệnh và tử vong tăng đột biến hiện này là do virus SARS-CoV-2 đang tấn công vào những hệ thống miễn dịch chưa đủ mạnh.

Nhằm đánh bại đại dịch, các nhà khoa học đã nhiều lần kêu gọi chúng ta cần phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 để giúp cơ thể có thêm miễn dịch chống lại virus này, từ đó tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Khi đó, Covid-19 sẽ chuyển sang dạng mà theo các nhà dịch tễ học gọi là “bệnh đặc hiệu”, tức là virus này sẽ không biến mất nhưng chúng cũng không còn đe dọa sự sống còn của con người nữa.

Cần hiểu đúng về vaccine

Sự có mặt của vaccine ngừa Covid-19 không phải là cái cớ để chúng ta mất cảnh giác với công tác phòng dịch. Dù virus SARS-CoV-2 rất có thể thuộc loại “bệnh đặc hữu”, nhưng chúng ta càng làm tốt công tác phòng dịch bao nhiêu thì càng sớm trở lại trạng thái bình thường bấy nhiêu.

Tất nhiên, vaccine không phải liều thuốc tiên mà chỉ cần tiêm là sẽ không bị nhiễm bệnh. Trên thực tế, mục tiêu ban đầu của vaccine là nhằm giảm thiểu những triệu chứng nguy hiểm đến sức khỏe và khả năng gây tử vong.

Đặc biệt, đối với các loại vaccine chống lại bệnh về đường hô hấp, chúng sẽ không thể hoàn toàn chống lại sự lây nhiễm, do vaccine có khả năng tạo miễn dịch ở phổi tốt hơn ở mũi, nơi virus đường hô hấp thường thâm nhập cơ thể.

Để so sánh, vaccine phòng cúm mùa có hiệu quả từ 10 đến 60% tùy theo năm. Trong lịch sử, có những đợt cúm mùa đã khiến 12.000 - 61.000 người cao tuổi Mỹ trong các viện dưỡng lão tử vong. Vì vậy, chúng ta vẫn nên coi trọng phương pháp “phòng còn hơn chống”.

Vaccine không thể loại bỏ hoàn toàn virus SARS-Cov-2 nhưng giúp con người “sống chung với lũ”. Hiện nay, việc các biến thể mới như Beta, Gamma, Delta liên tục xuất hiện, phần nào làm hạn chế hiệu quả của các loại vaccine và cản trở quá trình kiến tạo “bình thường mới” của nhiều quốc gia.

Các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao như Anh, Israel, Mỹ, các biến thể mới xuất hiện khiến tỷ lệ dương tính với Covid-19 tăng, nhưng số ca tử vong tăng không đáng kể.

Kịch bản sống chung với Covid-19 đang được nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao ngắm đến. Nhưng để làm được vậy, mọi thứ phải phụ thuộc vào việc tiêm vaccine đại trà cho người dân. Khi con người được trang bị một hệ miễn dịch mạnh, việc nhiễm Covid-19 lần đầu tiên hay nhiều lần sau đó cũng không còn quá nguy hiểm tới tính mạng.

Khi đó, Covid-19 sẽ trở thành một loại “bệnh đặc hiệu”, một căn bệnh cúm mà con người sẽ mắc phải thường xuyên nhưng không gây nguy hiểm đến tính mạng và hai từ “đại dịch” sẽ nằm lại trong quá khứ.

Mai Hoàng