dd/mm/yyyy

Nâng hạng cho bưởi đặc sản Yên Sơn

Toàn tỉnh Tuyên Quang có khoảng 5.100ha trồng bưởi thì riêng huyện Yên Sơn chiếm 4.100ha. Bưởi được coi là cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cho người dân ở huyện Yên Sơn. Những xã có diện tích trồng bưởi nhiều nhất là Phúc Ninh, Xuân Vân, Thắng Quân, Tứ Quận, Tân Long.

Khá giả từ trồng bưởi

Theo bà Khúc Thị Thu Thủy - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Ninh: Toàn xã có trên 1.000 ha bưởi, trong đó có trên 500ha cho thu hoạch, tập trung nhiều ở các thôn Soi Tiên, Lục Mùn, Gà Luộc, Khuôn Thống… Từ lâu bưởi đã trở thành cây trồng chủ lực, có giá trị cao, giúp người dân Phúc Ninh đổi đời.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, người dân Phúc Ninh thu khoảng 160 tỷ đồng từ bán bưởi. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Giàu ở thôn Ao Dăm thu gần 2 tỷ đồng; ông Nguyễn Danh Xuân (ở thôn Soi Tiên) thu hơn 1 tỷ đồng.

Nâng hạng cho bưởi đặc sản Yên Sơn  - Ảnh 1.

Nhờ trồng 10ha bưởi đặc sản, gia đình ông Nguyễn Văn Giàu (thôn Ao Dăm, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn) đã có thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Ảnh: Quang Hòa

"Sở NNPTNT Tuyên Quang đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương xây dựng nhãn hiệu, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm phát huy giá trị thương hiệu của sản phẩm bưởi".

Ông Nguyễn Văn Việt -

Giám đốc Sở NNPTNT Tuyên Quang

Bà Thủy cho biết thêm, để đa dạng hóa sản phẩm, tạo thế cạnh tranh cho sản phẩm bưởi Phúc Ninh, trong những năm qua xã đã vận động bà con chuyển đổi hướng canh tác, từ sản xuất đại trà sang hữu cơ, VietGAP. Hiện tại trên địa bàn xã đã có 50ha bưởi được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đã cho thu hoạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

"Ngoài bưởi Diễn được coi là truyền thống, 5 năm trở lại đây người trồng bưởi Phúc Ninh còn có thêm các giống đào đường, Phúc Trạch, da xanh, đường, Cát Quế… nên nguồn hàng phong phú hơn, đáp ứng tất cả những bạn hàng khó tính nhất" - bà Thủy chia sẻ.

Là một trong những hộ tiêu biểu, làm giàu từ trồng bưởi đặc sản, ông Trần Huy Quang (thôn Soi Tiên, xã Phúc Ninh) cho biết, hiện nay gia đình ông đang trồng 3ha bưởi, mỗi năm có thu nhập từ 700-800 triệu đồng. Ông Quang cho hay, để có được thành quả đó, ông đã phải tìm tòi, học hỏi những kỹ thuật, kinh nghiệm hay trong quá trình trồng, chăm sóc các loại cây trồng. Từ sản xuất nhỏ lẻ, sau hơn 10 năm, ông đã phát triển được trang trại theo hướng hàng hóa.

Hiện nay, ông Quang chú trọng sản xuất cây trồng theo hướng hữu cơ, để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, ông cũng mong muốn xây dựng câu lạc bộ làm vườn nhằm tập hợp những người trồng cây ăn quả tại địa phương, tạo không gian sinh hoạt, chia sẻ những cách làm hay trong sản xuất để cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. 

Cũng có thu nhập cao từ trồng bưởi, gia đình ông Nguyễn Văn Giàu - người trồng 10ha, thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ trồng bưởi Diễn ở thôn Ao Dăm, xã Phúc Ninh, cho biết, cây bưởi Diễn được du nhập vào địa phương vào khoảng năm 2000. "Khi về thăm quê, những người gần làng bưởi quý Phú Diễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã mạnh dạn mang ít giống lên trồng thử ở Phúc Ninh. Không ngờ cây bưởi Diễn lại hợp đồng đất, khí hậu của huyện Yên Sơn, nơi có dòng sông Gâm, sông Lô chảy qua, tạo ra hai vùng soi bãi màu mỡ. Không giống cây cam sành khá kén đất, cây bưởi Diễn trồng ở soi bãi, đất ruộng, kể cả trên đồi cao đều cho kết quả tốt" - ông Giàu chia sẻ.

Đưa bưởi đặc sản bay xa

Ông Phạm Ninh Thái - Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết, để cho cây bưởi phát triển đúng định hướng, nâng cao được giá trị của cây bưởi, huyện Yên Sơn đã vận dụng nhiều giải pháp. Đầu tiên phải kể đến là quy hoạch vùng, nhằm tạo cho cây bưởi phát triển tập trung, bền vững, tránh phát triển quá nóng. Chuyển đổi một phần đất soi bãi, ruộng bấp bênh một vụ, vườn tạp, rừng sản xuất sang trồng bưởi.

Ngoài ra huyện xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho giống bưởi Diễn đặc sản xã Phúc Ninh và bưởi Soi Hà của xã Xuân Vân. "Trong thời gian tới huyện tiếp tục xây dựng chỉ dẫn địa lý cho giống bưởi nói trên. Các buổi hội thảo, tập huấn về việc trồng bưởi theo hướng canh tác hữu cơ, VietGAP luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con nông dân" - ông Thái cho hay.

Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung tuyên truyền, quảng bá, tham gia các gian hàng hội chợ nhằm đưa thương hiệu bưởi của Yên Sơn đến với người tiêu dùng; phối hợp với các nhà khoa học của Bộ NNPTNT nghiên cứu thêm về chất đất, kỹ thuật chiết cành, lai ghép, quy trình chăm sóc, thu hoạch và bảo quản bưởi... để cây bưởi Diễn trong vùng phát triển một cách hiệu quả, cho năng suất, chất lượng quả cao. 

Không thể phủ nhận giá trị kinh tế rất lớn mang lại từ trồng bưởi, tuy nhiên, theo bà Khúc Thị Thu Thủy - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Ninh, mặc dù xã đã xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất lớn nhưng vấn đề tiêu thụ sản phẩm, tìm đầu ra là bài toán mà lãnh đạo xã đang rất trăn trở.

"Trên địa bàn huyện Yên Sơn không có nhà máy chế biến, thu mua nông sản, chính bởi vậy bà con nông dân chỉ có cách duy nhất là xuất bán cho thương lái, thường xuyên đối mặt với tình trạng được mùa, mất giá, thu nhập không ổn định" - bà Thủy nói.

Bà Thủy cho biết, năm nay do tình hình dịch Covid-19, kinh tế của người dân và vấn đề xuất khẩu bị ảnh hưởng khá nặng nề. Nhiều nhà hàng, khách sạn sụt giảm lượng khách trong nước và quốc tế, lượng bưởi vào thị trường này giảm hẳn. Chính vì vậy mà giá bưởi Diễn cắt tại vườn kém hơn các năm. Nếu như năm 2019 giá trung bình bưởi Diễn loại A bán tại vườn là 9.000 đồng/quả, thì cuối năm 2020 tụt xuống còn 6.000 đồng/quả. 

Minh Ngọc