Trong 2 ngày từ 10 đến 11/10, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại cho cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại khu vực biên giới của Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2024.
Dự hội nghị có trên 50 học viên là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh Sơn La; Cổng thông tin điện tử của tỉnh Sơn La. Ông Phạm Đại Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La cho biết: Hội nghị góp phần trang bị kiến thức, kỹ năng truyền thông cho các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông trong lĩnh vực thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh; thực hiện sản phẩm truyền thông giới thiệu, quảng bá hình ảnh của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao năng lực triển khai công tác thông tin đối ngoại; xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin đối ngoại.
Trong 2 ngày diễn ra tập huấn, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền truyền và báo cáo viên truyền dạy các kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí, xoay quanh 4 chuyên đề: Quản lý và điều hành hoạt động báo chí trong môi trường công nghệ số; đào tạo về mô hình tòa soạn hội tụ/đa phương tiện/ sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung/đa nền tảng/báo chí di động/báo chí xã hội, báo chí dữ liệu.
Kỹ năng sản xuất nội dung số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các quy trình nghiệp vụ báo chí; ứng dụng các phần mềm nâng cao tốc độ biên tập, sản xuất tin; ứng dụng phần mềm trực tuyến và các nền tảng công nghệ, điện toán đám mây giúp phóng viên, biên tập viên dễ dàng xử lý thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Tại hội nghị, đề cập đến vấn đề chuyển đổi số, Thạc sỹ Vũ Thế Cường, nhà báo, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Hiện nay trên thế giới, đang có 4 mô hình chuyển đổi số, tiêu biểu là mô hình chối bỏ chuyển đổi số, mô hình chuyển đổi số song song, mô hình thúc đẩy chiến lược số và mô hình ưu tiên kỹ thuật số.
Trong đó, mô hình thúc đẩy chiến lược số đang là xu hướng chủ đạo, tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Để thực hiện được mô hình này, đòi hỏi các tòa soạn có sự đầu tư lâu dài, đồng bộ về nhân lực, cơ sở hạ tầng... Mô hình kỹ thuật số trước tiên sẽ là xu hướng hướng tới, ở đó tin tức sẽ hoạt động trên nền tảng số, tạo ra những tương tác năng dộng, người dùng tham gia toàn diện và có sự quảng bá chéo giữa website và các nền tảng mạng xã hội.