Năm học 2022 - 2023, Trường Mầm non Nà Hỳ dự kiến đón hơn 600 trẻ với 25 phòng học (17 phòng kiên cố, 5 phòng bán kiên cố, 3 phòng ba cứng). Cô Tạ Thị Sáu, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường chia sẻ: Để chuẩn bị cho năm học mới, trường đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học; tổ chức cho cán bộ, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; rà soát lại đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học; phân công giáo viên nhận lớp phối hợp với hội phụ huynh học sinh huy động các em ra lớp đầy đủ, nhất là các bé độ tuổi 24 - 36 tháng.
Đồng thời, ngay sau khi giáo viên trả phép (1/8), Ban Giám hiệu chỉ đạo cán bộ giáo viên và nhân viên trở về điểm bản tích cực dọn dẹp cảnh quan, trường lớp sạch sẽ, tu bổ bồn hoa cây cảnh, trang trí lại lớp học ngăn nắp, gọn gàng. Trường cũng sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động xã hội hóa, nâng cao cơ sở vật chất, đặc biệt là các điểm bản.
Hiện toàn ngành GD&ĐT Nậm Pồ có 770 phòng học (500 phòng kiên cố, 143 phòng bán kiên cố, 110 phòng 3 cứng...). Thời điểm hiện tại, huyện Nậm Pồ đã "xóa" thành công phòng học tạm, tranh, tre nứa lá. Đối với 525 phòng nội trú, có 73 phòng kiên cố, 271 phòng bán kiên cố...
Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết: Hiện nay, dù đã rất nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư, xã hội hóa nhưng cơ sở vật chất ở một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu nên phải tổ chức học 2 ca; quy mô trường mầm non, tiểu học chưa đáp ứng được nhu cầu gia tăng số lượng học sinh. Diện tích sân trường chật hẹp, chưa có sân chơi, bãi tập riêng... Vì thế, để chuẩn bị cho năm học mới 2022 - 2023, Phòng tham mưu cho UBND huyện bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học, đặc biệt các trường có phòng học xuống cấp, phòng học tạm chưa được đầu tư, các điểm trường vùng khó khăn, các trường trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn quốc gia.
Cùng với đó, kêu gọi, vận động, huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đồ dùng học sinh... Chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức dọn dẹp vệ sinh khuôn viên trường, lớp, trồng cây xanh ở sân trường tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; phối hợp với chính quyền địa phương huy động nguồn lực sửa chữa, nâng cấp nhà bếp, nhà ăn, chỗ ở cho học sinh bán trú.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Xuân Chiến, các trường học trên địa bàn huyện Nậm Pồ còn thiếu nhà tắm, đặc biệt là nước sạch. Toàn huyện còn thiếu 37 giếng khoan (mới xã hội hóa được 7 giếng), 10.000m ống dẫn nước từ các mạch nước về trường. Để khắc phục vấn đề này, Phòng đã và đang nỗ lực kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm quyên góp ủng hộ, đồng thời tham mưu cho UBND huyện phát động chương trình "Nước sạch cho em", phấn đấu đến hết tháng 12/2022 sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nước sạch và nhà vệ sinh.
Bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, Phòng GD&ĐT đã phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức lớp bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn. Thông qua lớp bồi dưỡng, các thầy, cô giáo, nhân viên trong ngành được quán triệt học tập các nội dung, nhiệm vụ năm học mới, nắm bắt các vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ theo yêu cầu đổi mới của Bộ, Sở GD&ĐT.
Ngoài bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ theo kế hoạch, phòng còn triển khai bồi dưỡng nghiệp vụ y tế học đường và nhân viên nấu ăn, nhân viên thư viện, thiết bị trường học. Cùng với đó, các trường học còn tập trung chuẩn bị các điều kiện cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 như: Trang bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, tập huấn quy trình phòng, chống dịch Covid-19; tiến hành phun khử trùng trường lớp... Các trường cũng đã xây dựng kế hoạch huy động giáo viên, vận động phụ huynh học sinh tham gia vệ sinh, sát khuẩn trường lớp; thực hiện tuyên truyền, nhắc nhở không chỉ với giáo viên, học sinh mà còn phổ biến rộng rãi cho cả phụ huynh học sinh để cùng chung tay phòng chống dịch bệnh.
Dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, giáo viên, sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tin tưởng rằng năm học mới 2022 - 2023 ở Nậm Pồ sẽ khởi đầu suôn sẻ.