dd/mm/yyyy

Tủa Chùa: Trồng loại cây chỉ hái búp, trở thành sản phẩm OCOP

Hiện nay, chè Shan tuyết cây thấp ở Tủa Chùa là nguyên liệu chính cho sản phẩm OCOP 3 sao của Cty Trà Phan Nhất và Cty TNHH Hương Linh tỉnh Điện Biên.

Khát vọng cây chè Tủa Chùa

Hiện nay, ngoài diện tích chè cây cao, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) còn có khoảng 590ha chè Shan tuyết cây thấp được trồng chủ yếu trên địa bàn các xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn, Sính Phình. Đây là vùng nguyên liệu chính cho sản phẩm OCOP 3 sao của 2 đơn vị: Cty Trà Phan Nhất và Cty TNHH Hương Linh tỉnh Điện Biên.

Theo ông Tô Văn Tuân, nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp – Nông thôn huyện Tủa Chùa thì cây chè đã bén duyên với mảnh đất khô cằn này từ những năm 1970. Khi đấy lãnh đạo huyện đã huy động cán bộ trong huyện trồng chè nhằm tạo bước đột phá về kinh tế. Tuy nhiên đầu ra cho sản phẩm thời điểm đấy rất khó khăn, nên cây chè từng bước bị lãng quên. Hơn 30 năm sau UBND tỉnh Lai Châu (cũ) đề ra mục tiêu phát triển cây chè từng bị lãng quên trên đất Tủa Chùa.

Tủa Chùa: Trồng loại cây chỉ hái búp, trở thành sản phẩm OCOP, nông dân có thu nhập cao   - Ảnh 1.

Mục tiêu đến năm 2010 toàn huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) sẽ có trên 500ha chè. Ảnh: Vinh Duy

Với mục tiêu đến năm 2010 toàn huyện sẽ có trên 500ha chè. Chính vì vậy, Nghị quyết Đảng bộ huyện khóa XV, nhiệm kỳ 2006 - 2010, đã xác định, chè là cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con các xã vùng cao và dự kiến đến năm 2010 sẽ đạt 500ha. Riêng trong năm 2008, huyện sẽ trồng mới 50ha chè Shan Tuyết cây thấp.

Năm 2010 diện tích chè toàn huyện đã có trên 590ha. Nhưng cây chè vẫn chưa thực sự có duyên với đất Tủa Chùa. 

Không riêng thời gian này mà nhiều năm trước đó, việc mở rộng diện tích chè đã được đặt lên "bàn nghị sự", nhưng do chính sách hỗ trợ kinh phí "nhỏ giọt" nên dự án vẫn chỉ khả thi... trên giấy. Bên cạnh nguyên nhân thiếu vốn, một yếu tố khác khiến việc mở rộng diện tích chè gặp nhiều khó khăn, đó là thói quen canh tác lạc hậu của người dân. Phần lớn nông dân trồng chè theo kiểu được chăng hay chớ. Có dự án, bà con nhận giống về trồng, nhưng sau đó cây sống hay chết không mấy quan tâm.

Đơn cử như trong hai năm 2006 - 2007, Tủa Chùa trồng mới 15ha chè Shan Tuyết cây thấp tại Tà Là Cáo, Sính Phình. Bình quân trồng 8.500 - 9.000 bầu chè/ha, nhưng hiện tại số cây sống chỉ còn một nửa. Vì chưa nắm vững kỹ thuật nên đa phần bà con đều đào hố sai quy cách, không có đường đồng mức để hạn chế sự xói mòn đất, giữ nước sau mỗi trận mưa... Do chăm sóc kém nên ở hầu hết các vườn, cỏ dại mọc choán cả cây chè, ngọn thì bị trâu, bò thả rông ăn gần hết. Hàng năm, bà con không làm cỏ, vun gốc nên cây chết dần hoặc ngày càng cằn cỗi.

Từ loại cây "bị bỏ đi" trở thành sẩn phẩm OCOP

Để từng bước đưa cây chè trở thành cây công nghiệp chủ lực, xóa đói giảm nghèo cho người dân, những năm qua huyện Tủa Chùa đã có nhiều chính sách để hỗ trợ đầu tư phát triển cây chè, như: Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung xây dựng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; đầu tư nâng cấp nhà xưởng, dây chuyền công nghệ; đa dạng hóa, đổi mẫu mã các sản phẩm chè nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá tại các chương trình xúc tiến thương mại.

Tủa Chùa: Trồng loại cây chỉ hái búp, trở thành sản phẩm OCOP, nông dân có thu nhập cao   - Ảnh 3.

Những năm qua, huyện Tủa Chùa đã có nhiều chính sách để hỗ trợ đầu tư phát triển cây chè, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, góp phần đưa cây chè thành cây mũi nhọn phát triển kinh tế. Ảnh: Vinh Duy

Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm chè an toàn theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) như hỗ trợ bao bì, in tem, thiết kế mẫu mã sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm chè đã được chứng nhận theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Hiện có 2 chuỗi sản phẩm chè Shan tuyết thuộc 2 doanh nghiệp (Công ty Trà Phan Nhất và Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Điện Biên) liên kết với các các hộ dân thu hái chè; được công bố tiêu chuẩn đảm bảo, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Một số sản phẩm chè đã được chế biến sâu tạo ra các sản phẩm chè đặc sản có giá trị kinh tế cao. Đến nay, huyện có 4 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP 3 sao (Trà xanh của Công ty Trà Phan Nhất; Bạch trà mẫu đơn Shan tuyết cổ thụ Tủa Chùa, Trà xanh Shan tuyết cổ thụ Tủa chùa và Trà xanh Shan tuyết Sính Phình).

Tủa Chùa: Trồng loại cây chỉ hái búp, trở thành sản phẩm OCOP, nông dân có thu nhập cao   - Ảnh 4.

Sản phẩm Diệp Thanh Trà của Công ty Hương Linh tỉnh Điện Biên đạt OCOP 3 sao. Ảnh: Vinh Duy

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, cây chè mang lại lợi ích nhiều năm nay cho người dân tại 4 xã: Tả Sìn Thàng, Sín Chải, Lao Xả Phình và Tả Phìn. Cơ quan chuyên môn huyện thường xuyên phối hợp hướng dẫn kỹ thuật, vận động người dân chăm sóc bảo vệ, phát triển cây chè thành cây mũi nhọn và các sản phẩm chè Shan tuyết là sản phẩm đặc trưng của huyện.

Hiện nay mỗi năm toàn huyện thu hoạch khoảng 82 tấn chè búp tươi, sản lượng chè thương phẩm chế biến đạt khoảng 15 tấn. Chè cây thấp đang được doanh nghiệp thu mua với giá từ 8.000 - 15.000 đồng/kg chè búp tươi. Cùng với đó, huyện Tủa Chùa có chính sách hỗ trợ thêm người dân 3.000 đồng/kg. Nhờ vậy, thu nhập từ việc bán chè giúp nhiều gia đình cải thiện đời sống. Những hộ gia đình có diện tích trồng chè từ 0,5ha trở lên thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng.

Theo ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa dù diện tích chè đang từng bước cho thu nhập. có sản phẩm OCOP 3 sao nhưng do đầu ra cho sản phảm còn hạn chế, vì thế

Tủa Chùa: Trồng loại cây chỉ hái búp, trở thành sản phẩm OCOP, nông dân có thu nhập cao   - Ảnh 5.

Đảng bộ huyện Tủa Chùa xác định giai đoạn 2020 - 2025 tập trung đầu tư cải tạo, thu hái chè theo đúng quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm chè. Ảnh: Vinh Duy

Đảng bộ huyện Tủa Chùa xác định giai đoạn 2020 - 2025 không mở rộng diện tích chè cây thấp, mà chỉ phấn đấu trồng 1,5 vạn cây chè Shan tuyết cây cao. Đồng thời, tập trung đầu tư cải tạo, thu hái chè theo đúng quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm chè (hiện nay người dân chủ yếu thu hái thủ công, chưa đảm bảo đúng quy định). Các cơ quan chuyên môn tập trung xây dựng quy trình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mở rộng liên doanh, liên kết với các công ty xây dựng thương hiệu, chế biến và bao tiêu sản phẩm. Để đảm bảo đầu ra đối với sản phẩm, huyện Tủa Chùa xác định tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển và xây dựng thương hiệu chè sạch tạo niềm tin đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Vinh Duy