Mường La khởi sắc hơn trong năm mới

Kiều Thiện

23/02/2017 14:49 GMT +7

“Tuy là huyện đặc biệt khó khăn, sản xuất nông nghiệp là chủ đạo trong điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu không thuận lợi. Nhưng Mường La phấn đấu năm 2017 có ít nhất 1 xã đạt chuẩn Nông thôn mới và có 2 xã cơ bản hoàn thành các tiêu chí…”, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La, bảo vậy.

Nhờ thu hút đầu tư hiệu quả, hàng ngàn nông dân của huyện Mường La đã có công ăn việc làm ổn định, mức thu nhập cao hơn.

Bộ mặt nông thôn vùng cao khởi sắc

Sau khi hoàn thành việc thực hiện Dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La, huyện Mường La đã có thêm một số thuận lợi về cơ sở hạ tầng nhờ sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng bên cạnh đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn bởi đất sản xuất bị thu hẹp, nhiều vùng đất thuận lợi với gieo trồng đã bị ảnh hưởng. Mường La lại là địa bàn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp, bởi vậy đời sống của nông dân các dân tộc trong huyện còn gặp không ít khó khăn.

Ngay cả những vùng cao xa xôi, gian khó như: Chiềng Công, Ngọc Chiến, Chiềng San, Chiềng Hoa, Mường Trai cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là sự chuyển biến về chất trên cả 3 mặt: Nông dân, nông nghiệp và nông thôn. 

Với nhận thức “Nông thôn mới (NTM) vừa là thách thức, vừa là thời cơ, vừa là động lực cho sự phát triển”, Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể huyện Mường La đã xây dựng chương trình hành động phù hợp, bám sát người dân để tuyên truyền vận động, bám sát cơ sở để nắm bắt tình hình, trên cơ sở đó xây dựng mục tiêu hành động sát thực và khả thi. Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mường La, bảo: Là huyện khó khăn nên khi rà soát đánh giá thì thấy cái gì cũng thiếu, cũng yếu, cũng muốn được đầu tư. Nhưng đồng vốn trên cấp có hạn, nội lực người dân cũng không đáng là bao. Bởi thế chúng tôi phải bám sát từng bản để giúp đỡ các cán bộ trong bản bám sát từng hộ, giúp cho công tác chỉ đạo tuyên truyền cũng như thực hiện nhiệm vụ hiệu quả cao hơn.

Người dân đã biết gắn phát triển kinh tế hộ với bảo vệ môi trường, gắn phát triển kinh tế với xây dựng đời sống văn hóa

Người nông dân Mường La khi bắt tay vào xây dựng NTM, từ trong sâu thẳm nhận thức của họ cũng đã có những thay đổi khác hẳn so với trước đây. Khát vọng làm giàu trong nhiều hộ nông dân được thổi bùng lên. Song song với lo làm giàu cho bản thân, nhiều hộ đã biết gắn phát triển kinh tế hộ với bảo vệ môi trường, gắn phát triển kinh tế với xây dựng đời sống văn hóa; biết lo cho hôm nay và cho cả ngày mai.

Qua thực tế xây dựng NTM ở xã đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện tới 40km cho thấy sự đồng thuận của người dân rất cao khi sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của, tài sản, đất đai vì cái chung. “Chúng tôi không chỉ tạo ra những hiệu quả kinh tế cao hơn nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mà còn biết tập hợp sức mạnh tập thể qua kinh tế HTX, qua liên kết nhóm hộ. Nông dân thay đổi dẫn tới nông nghiệp thay đổi và nông thôn thay đổi. Chỉ hơn 1 năm nay, toàn bộ đường liên bản của chúng tôi đã được cứng hóa; trong đó công sức của người dân là rất lớn. Hàng trăm hộ dân đang thực hiện di dời gia súc ra xa nhà ở; xây dựng nhà vệ sinh, vườn tược gọn gàng, đẹp mắt; sống với nhau cho đoàn kết yêu thương…”, ông Lù Văn Pháng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tâm sự.

“Mường La đã có thêm 7.000 ha đất nông nghiệp”

Có rất nhiều thay đổi về chất của tam nông ở Mường La. Nhưng có một thay đổi rất thời sự và tạo ra hiệu quả rõ nét một cách nhanh chóng - đó là sự xuất hiện của nhà máy may mặc Tiên Sơn tại xã Ít Ong huyện Mường La vào cuối năm 2016.

Tiếp xúc với những công nhân đang làm việc trong các phân xưởng – vốn là những nông dân hôm qua còn xắn quần lội ruộng, thấy rằng họ rất bằng lòng với “cuộc đổi đời này”. Chị Cầm Thị Mai, dân bản Mường Bú, xã Mường Bú trong huyện, cho biết: Em học trung cấp y ra trường đã 3 năm nhưng không có việc làm. Thật may là tháng 9 vừa qua em được tuyển vào đào tạo nghề may và trở thành công nhân của Công ty. Ở bản của em cũng có hàng chục anh, chị khác được tuyển vào làm ở đây.

Ở Mường La ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại hiệu quả

“Chúng tôi đầu tư vào Mường La bởi ở đây có những cơ chế thu hút đầu tư thuận lợi. Cấp ủy, chính quyền trong huyện nhiều tạo thuận lợi cho chúng tôi trong giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà máy cũng như thu hút và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Giám đốc Công ty may Tiên Sơn – ông Dương Ngô Luận.

Trong phòng thiết kế của Công ty may, những chàng trai trẻ dân tộc Thái, Mông như: Lò Văn Hùng ở bản Cang Mường xã Mường Chai; Quàng Văn Quyết ở bản Phiêng Bủng 2 xã Mường Bú… đang hí hoáy vạch những đường chì, rê từng nhát kéo theo các đường lượn trên mảnh vải. Hùng bảo: Chúng cháu được đào tạo thành những thợ thiết kế nguồn nên phải học thật tốt để sau này đào tạo lại những bạn cùng bản sẽ vào đây làm. Được làm công nhân như thế này không chỉ là mơ ước của riêng cháu mà còn của cả gia đình cháu đấy.

Ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện Mường La kiểm tra hoạt động của công nhân nhà máy may Tiên Sơn

Thiếu nữ Quàng Thị Thủy ở bản Giàn xã Mường Bú dừng tay may, kể: Với học sinh hết phổ thông ở vùng cao như chúng cháu, nếu không thi đỗ đại học, cao đẳng thì coi như cầm chắc chỉ ở nhà. Nhưng thật may là cháu được tuyển dụng đào tạo nghề vào đúng ngày sinh nhật tuổi 19. Thế là niềm vui như được nhân đôi. Có việc làm, có thu nhập ở công ty may này là coi như gia đình cháu có thêm 1ha đất trồng ngô, trồng lúa đấy.

Giải thích về câu nói của Thủy, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện Mường La, bảo: Nông dân ở đây họ tính rằng nếu trồng ngô, trồng lúa 1 năm thì trừ chi phí cũng chỉ lãi được khoảng 15- 20 triệu đồng/1ha đất sản xuất. Nếu gia đình có 1 người đi làm công nhân, thu nhập ổn định ở mức thấp nhất cũng đạt 35-40 triệu đồng/năm, tương đương hiệu quả sản xuất với 2 ha đất ngô, lúa. Đó là chưa kể khi đi làm công nhân, tác phong ăn, ở, làm việc cũng như những nhận thức xã hội khác sẽ thay đổi nhanh hơn, phù hợp với sự tiến bộ xã hội. Từ khi có công ty may này, nhiều người trong huyện vẫn bảo rằng: Với 3.500 công nhân may được tuyển dụng trên địa bàn, Mường La chúng tôi đã có thêm 7.000ha đất sản xuất!