Chúng tôi trở lại vườn cây ăn quả nhà chị Cà Thị Nghĩa, bản Huổi Hỏm, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) sau hơn 1 năm kể từ khi vườn bưởi của gia đình chị được phát hiện không đúng giống bưởi da xanh như đăng ký. Đến nay, những cây bưởi ghép lại đang sinh trưởng phát triển tốt. Số cây không phải ghép lại đã cho quả năm thứ 2, chất lượng quả được đánh giá tốt.
Chị Cà Thị Nghĩa chia sẻ: Năm 2017, gia đình được hỗ trợ 100 cây bưởi da xanh, 100 cây xoài Đài Loan và 300 cây cam Vinh. Gia đình đã tuân thủ đúng kỹ thuật, quy trình chăm sóc của cán bộ khuyến nông. Cây bưởi sinh trưởng phát triển tốt, cho quả sai, chất lượng quả tốt. Như năm nay, vừa làm quà biếu, vừa để lại ăn mà tôi vẫn bán được hơn 40 triệu đồng. Đặc biệt, năm nay bưởi được giá, với giá bán 25 nghìn đồng/quả. Ngoài bưởi thì vườn cam, năm ngoái gia đình tôi bán được 2 tấn quả, thu về 30 triệu đồng; năm nay cũng thu hoạch được hơn 3 tấn, cho thu nhập gần 50 triệu đồng. Như vậy với gần 2 ha cây ăn quả, những năm đầu đã cho gia đình chị Nghĩa thu hoạch trên 100 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với trồng các loại cây nông nghiệp khác.
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Ảng cho biết: Những hộ tham gia dự án trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Mường Ảng sau 5 năm đã bắt đầu cho thu nhập khá. Có hộ thu nhập gần 200 triệu đồng/ năm. Đây thực sự là thu nhập cao của nông dân, vì nếu diện tích như thế họ chỉ trồng ngô, sắn… thì thu nhập sẽ không cao. Nếu nói về thu nhập bền vững thì phát triển cây ăn quả sẽ cho nông dân thu nhập cao trong vòng nhiều năm, không như trồng các loại cây nông nghiệp khác.
Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình bà Vũ Thị Ngân ở bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa chủ yếu từ cây cà phê. Tuy nhiên, từ năm 2012 - 2015, trước tình trạng giá cà phê liên tục xuống thấp khiến nhiều hộ dân lao đao, vỡ nợ do nguồn vốn đầu tư và công chăm sóc cây cà phê không nhỏ. Năm 2016, bà Ngân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây cà phê kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả giá trị cao như: bưởi da xanh, bưởi Thái Lan, xoài Đài Loan… Gia đình bà Ngân là một trong những hộ tiên phong chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đầu tiên ở xã Ẳng Nưa.
Bà Ngân cho biết, hiện gia đình có hơn 4 ha cây ăn quả với khoảng 1.600 cây. Đến nay cây ăn quả đã cho gia đình bà Ngân thu nhập hơn 500 triệu/năm. So với cây cà phê, việc trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao với nguồn thu nhập ổn định. Mặt khác, việc trồng cây ăn quả có thể tận dụng diện tích đất dưới tán cây để chăn nuôi gia cầm, trồng cây ngắn ngày như lạc, đậu tương...
Các chương trình dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn đều mang lại hiệu quả kinh tế, tự tạo việc làm cho người dân. Từ năm 2018 đến nay trên địa bàn huyện đã trồng được gần 200 ha xoài, bưởi da xanh (trong đó,104 ha bưởi da xanh). Qua kiểm tra, rà soát của các cơ quan chuyên môn đối với các chuỗi cây ăn quả như: Bưởi da xanh, xoài Đài Loan, cơ bản phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện. Một số diện tích bưởi trồng từ năm 2018 đã cho thu hoạch với giá bán cao. Năm 2021 diện tích cho thu hoạch 4,5 ha, sản lượng đạt 217,5 tấn, năm 2022 diện tích cho thu hoạch là 70,5 ha sản lượng quả ước đạt 352,5 tấn. Năm 2023 toàn huyện có trên 130 ha cây ăn quả được nông dân trồng theo các dự án cho thu hoạch, sẽ đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân.
Hiện nay, huyện Mường Ảng có 399 ha cây ăn quả (cam, bưởi, xoài...), trong đó 17,7 ha trồng mới năm 2022. Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn nhân dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả, nhất là đối với những diện tích đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư đối với các dự án liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, thực hiện nghiêm các nội dung theo hợp đồng giữa đơn vị chủ trì dự án và chủ đầu tư, đặc biệt là công tác chuyển giao kỹ thuật, chăm sóc, tỉa cành tạo tán, phòng trừ sâu bệnh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ.