Một xã ở Lào Cai được kỳ vọng sẽ trở thành thủ phủ dứa, chè giúp bà con xoá nghèo

Mùa Xuân

05/07/2025 20:16 GMT +7

Sau khi sáp nhập địa giới hành chính, xã Bản Lầu (tỉnh Lào Cai) đang mở ra một không gian phát triển rộng lớn hơn. Nhờ chiến lược tập trung vào các cây trồng chủ lực là dứa và chè, hàng nghìn hộ nông dân nơi đây đang từng bước "đổi đời" nhờ hướng đi hiệu quả trong phong trào phát triển kinh tế.

Xã Bản Lầu mới (Lào Cai) trở thành một trong những xã có diện tích chè, dứa lớn nhất tỉnh Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

"Thủ phủ" dứa, chè mang lại thu nhập cao cho nông dân Bản Lầu

Từ ngày 1/7/2025, cùng với hàng nghìn xã, phường trên cả nước, xã Bản Lầu mới chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương cấp xã.

Xã Bản Lầu mới được sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của 3 xã Bản Sen, Lùng Vai và Bản Lầu, huyện Mường Khương (cũ), xã Bản Lầu mới là một trong những xã của tỉnh Lào Cai trở thành một trong những đơn vị hành chính lớn của huyện Mường Khương với diện tích tự nhiên lên tới hơn 125,29 km2 và quy mô dân số gần 18.560 người.

Đây chính là đòn bẩy quan trọng, tạo ra tiềm năng và cơ hội để địa phương quy hoạch lại vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp một cách bài bản và bền vững.

Người dân xã Bản Lầu (Lào Cai) nâng cao thu nhập từ trồng dứa. Ảnh: Nguyễn Hà.

Nhắc đến Bản Lầu, người ta nghĩ ngay đến những nương dứa bạt ngàn, trải dài tít tắp trên khắp triền đồi. Nơi đây từ lâu đã được mệnh danh là "thủ phủ" dứa của tỉnh Lào Cai với diện tích lên tới hơn 1.700 ha.

Năm 2024, là một năm thắng lợi lớn của nông dân trồng dứa Bản Lầu khi sản lượng toàn xã đạt 41.160 tấn, mang về nguồn thu hàng trăm tỷ đồng.

Điều đặc biệt là sau khi sáp nhập, Bản Lầu cũng là địa phương duy nhất trong tỉnh có nhà máy chế biến dứa đóng hộp, xuất khẩu ổn định sang các thị trường khó tính như Nga, Hàn Quốc và châu Âu, tiêu thụ hơn 6.000 tấn dứa quả tươi mỗi năm, đảm bảo đầu ra vững chắc cho người dân.

Gắn bó với cây dứa hơn 20 năm, chị Sùng Dín ở thôn Na Lốc 2, xã Bản Lầu (Lào Cai) không giấu được niềm vui: "Năm 2024, dứa được mùa được giá. Vụ vừa rồi, với hơn 2ha, gia đình tôi thu về trên 130 triệu đồng. Nhờ có quả dứa mà cuộc sống khấm khá hơn nhiều".

Thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, chị Dín cho biết, năm 2025, gia đình chị Dín đã tiếp tục mở rộng diện tích trồng dứa lên khoảng 3ha.

Ngoài ra, được Nhà nước hỗ trợ giống, gia đình chị còn mạnh dạn trồng thêm 1ha chè Shan Tuyết, hứa hẹn cho thêm nguồn thu nhập trong tương lai.

Vùng chè xanh ngút ngàn ở xã Bản Lầu, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

Nếu cây dứa là "vua" của vùng đất này, thì cây chè chính là "nữ hoàng", một trong những mũi nhọn kinh tế giúp người dân thoát nghèo và làm giàu.

Cùng với việc mở rộng diện tích, nhiều hộ dân đã chú trọng vào sản xuất và chế biến chè theo tiêu chuẩn sạch, an toàn, từng bước xây dựng thương hiệu cho chè Bản Lầu trên thị trường xuất khẩu.

Bà Vàng Thị Dủ ở thôn Đồng Tâm chia sẻ: "Gia đình tôi trồng chè mấy chục năm rồi. Mỗi năm cũng thu được 5-6 tấn chè búp tươi, bán được khoảng 40 triệu đồng. So với trước đây chỉ làm nương ngô, nương sắn thì nhờ cây chè mà gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn hẳn".

Hướng đi bền vững cho nông nghiệp Bản Lầu

Đóng vai trò quan trọng trong thành công chung đó là mô hình kinh tế tập thể. HTX Thịnh Phong ở thôn Na Mạ 1 là một trong những đơn vị tiêu biểu của tỉnh Lào Cai. Nhiều năm qua, HTX đã trở thành "cầu nối" vững chắc, liên kết hỗ trợ người dân phát triển sản xuất và trực tiếp đứng ra bao tiêu hàng nghìn tấn chè, dứa mỗi năm, giúp nông dân yên tâm đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc HTX Thịnh Phong cho rằng: Khi chính quyền địa phương cấp xã mới đi vào vận hành sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho người dân làm nông nghiệp. Nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường liên kết và tìm kiếm thị trường bao tiêu sản phẩm một cách quy mô hơn.

Người dân xã Bản Lầu, tỉnh Lào Cai thu hoạch chè búp tươi. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Lê Thanh Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, tỉnh Lào Cai cho biết: Sau khi chính quyền cấp xã mới chính thức đi vào hoạt động, cùng với việc duy trì sự ổn định bộ máy, không để xảy ra tình trạng chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, nhất là trong công tác tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính, xử lý các vấn đề dân sinh.

Xã Bản Lầu đã tổ chức rà soát, phân vùng địa bàn theo cụm dân cư, phân công cán bộ bám sát địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho người dân.

Xã cũng xác định phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo cho người dân luôn là nhiệm vụ trọng tâm.

Thời gian tới, xã Bản Lầu sẽ tập trung rà soát, thống kê lại toàn bộ diện tích cây chè, cây dứa và các cây trồng chủ lực khác. Tiếp tục nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể, tăng cường liên kết giữa các hộ dân với HTX và doanh nghiệp để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm dứa, chè.

Đồng thời, tập trung triển khai hiệu quả các dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển chuỗi giá trị cây chè, dứa... Thực hiện thâm canh, tăng năng suất trên diện tích hiện có và trồng mới, mở rộng vùng chè chất lượng cao.

Những búp chè xanh mang lại ấm no ở vùng cao biên giới Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

Với hướng đi đúng đắn, sự đồng lòng của người dân và sự hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Tin rằng Bản Lầu sẽ khẳng định vị thế là một điểm sáng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới của người dân vùng cao biên giới Lào Cai.