dd/mm/yyyy

Mận hữu cơ trên cao nguyên Mộc Châu

Thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, Mận hậu đã trở thành một trong những cây ăn quả chủ lực của huyện Mộc Châu (Sơn La). Để nâng cao giá trị, người trồng mận Mộc Châu đang tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Clip: Mận hữu cơ trên cao nguyên Mộc Châu

Nông dân Mộc Châu trồng mận hữu cơ để phát triển kinh tế

Gia đình anh Hàng A Của ở Tiểu khu Pa Khen,Thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có 2 ha mận tại thung lũng Nà Ka. 3 năm qua, anh cùng 10 hộ dân trong tiểu khu đã tham gia vào Hợp tác xã Nông sản sạch Mộc Châu để trồng mận hữu cơ. Tại đây, anh được HTX hướng dẫn cắt tỉa khoảng 500 cây mận già, mận to đã trồng gần 20 năm; sau đó chăm sóc, bón phân theo quy trình sản xuất hữu cơ để cây cho quả chất lượng tốt nhất.

Mận hữu cơ trên cao nguyên Mộc Châu - Ảnh 2.

Anh Vàng A Của ở Tiểu khu Pa Khen,Thị trấn Nông Trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La thu hái mận của gia đinh. Ảnh: Văn Ngọc

"Sau khi thu hái xong, gia đình tôi bắt đầu thực hiện các bước chăm sóc, bón phân, cắt tỉa, tạo tán để cây hồi sinh sau mỗi vụ thu hoạch. Nhờ chăm sóc đúng quy trình và thời tiết thuận lợi, bình quân 1 năm vườn mận của gia đình cho thu khoảng 300 triệu đồng, cao gấp đôi so với trước kia", anh Hàng A Của nói.

Mận hữu cơ trên cao nguyên Mộc Châu - Ảnh 3.

Mô hình trồng mận hữu cơ của gia đình anh Vàng A Của ở Tiểu khu Pa Khen,Thị trấn Nông Trường Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La mỗi năm cho thu khoảng 300 triệu đồng. Ảnh: Văn Ngọc

Còn gia đình anh Nguyễn Đình Thuận - Tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có 5 ha mận, trong đó 2,5 ha đang cho thu hoạch. Theo anh Thuận, nếu chăm sóc tốt, đúng quy trình và thời tiết thuận lợi, không bị mưa đá, sương muối, sâu bệnh, mỗi năm sẽ cho thu hoạch từ 45 tấn đến 60 tấn quả, thậm chí có thể đạt 100 tấn nếu thu hoạch triệt để. Với giá bán từ 15.000 đồng đến 50.000 đồng/1kg, trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu lãi đến 700 triệu đồng.

"Tôi đã phục hồi lại cây, cắt tỉa, bón phân theo quy trình Organic, hữu cơ. Cứ một tháng bón một lần; một lần bón phân hữu cơ, thì lại một lần bón phân vô cơ, cuối năm cho cắt tỉa, phun vôi, phun sun phát đồng cho khỏi rêu, sau cắt tỉa lại cho phân", anh Thuận nói.

Mận hữu cơ trên cao nguyên Mộc Châu - Ảnh 4.

Mô hình trồng mận hữu cơ của gia đình anh Nguyễn Đình Thuận - Tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho thu lãi 700 triệu mỗi năm. Ảnh: Văn Ngọc

Mộc Châu trồng mận hữu cơ hướng đến xuất khẩu

Anh Nguyễn Xuân Văn, GĐ Hợp tác xã Nông sản sạch Mộc Châu, Sơn La chi sẻ: Chuyển đổi phương pháp trồng, chăm sóc mận từ truyền thống sang hướng hữu cơ, người nông dân sẽ chú trọng hơn đến việc sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ.

Việc làm này tuy chi phí trong những năm đầu cao hơn so với bón phân vô cơ, nhưng sau đó sẽ giảm dần theo hàng năm, bởi đất đai được bổ sung dinh dưỡng, các loại vi sinh vật có ích phát triển nhiều hơn. Quan trọng nhất là năng suất và chất lượng sản phẩm tăng cao hơn so với trước đây. Dùng phân bón hữu cơ, sản phẩm sản xuất ra thị trường được ưa chuộng, giá thành cũng cao hơn.

Mận hữu cơ trên cao nguyên Mộc Châu - Ảnh 5.

Để nâng cao giá trị mân hậu, đáp ứng nhu cầu càng cao của thị trường, huyện Mộc Châu đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Huyện Mộc Châu hiện là khu vực trồng mận hậu lớn nhất cả nước với tổng diện tích hơn 3.200 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch khoảng 2.400 ha, sản lượng năm 2022 ước đạt 28.000 tấn.

Để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm ổn định, một mặt huyện đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, mặt khác tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích nông dân thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là chú trọng sản xuất theo hướng hữu cơ, qua đó từng bước khẳng định và nâng cao chất lượng thương hiệu sản phẩm.

Mận hữu cơ trên cao nguyên Mộc Châu - Ảnh 6.

Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La hiện là địa phương có diện tích mận hậu lớn nhất của cả nước với tổng diện tích trên 3.200 ha. Ảnh: Văn Ngọc

"Với hướng đi này, sản phẩm mận Mộc Châu sẽ ngày càng được nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân" bà Hường nói.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh