dd/mm/yyyy

Lào Cai: Tăng cường phòng chống bệnh dại

Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp trong công tác phòng chống bệnh dại, qua đó, giảm thiểu số ca tử vong do bệnh dại gây ra.

Nguy cơ bệnh dại hiện hữu 

Bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều do không tiêm vắc-xin. Bệnh dại do vi-rút dại thuộc họ Rhabdoviridae lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo. Vi-rút xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh ngay sau khi bị phơi nhiễm tùy theo từng mức độ tổn thương.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai, từ đầu năm đến nay, số người đến cơ sở y tế điều trị phơi nhiễm dại trên địa bàn tỉnh là 681 người, riêng tháng 6 là 137 người.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai đến 8/7, toàn tỉnh đã tiêm 60.200 liều vắc-xin dại, đạt 73% kế hoạch năm. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã phát hiện 03/20 mẫu dương tính với vi rút dại tại huyện Văn Bàn, huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai.

Lào Cai: Tăng cường phòng chống bệnh dại  - Ảnh 1.

Từ đầu năm đến nay, số người đến cơ sở y tế điều trị phơi nhiễm dại trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 681 người, riêng tháng 6 là 137 người. (Ảnh: Phạm Hoài)

Trao đổi với phóng viên Báo NTTN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Ngô Tiến Dũng - Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai), cho biết: Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng công tác phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo còn gặp một số khó khăn. Tại các địa phương vùng sâu vùng xa, người dân chưa nhận thức đầy đủ về bệnh dại và mức độ nguy hiểm của bệnh nên còn chủ quan, tình trạng thả rông chó vẫn còn phổ biến. Khi bị chó, mèo cắn các hộ dân còn chưa chủ động đến cơ sở y tế để điều trị phơi nhiễm. Bên cạnh đó, người dân chưa ý thức được việc tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó của gia đình; vẫn còn hiện tượng khi chó nghi mắc bệnh dại, người dân không báo cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương mà tự giết chó, mổ thịt ăn và khi người có biểu hiện bệnh dại mới báo cho cơ quan thú y, y tế…

Lào Cai: Tăng cường phòng chống bệnh dại  - Ảnh 2.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai, tính đến ngày 8/7, toàn tỉnh Lào Cai đã tiêm được 60.200 liều vắc-xin dại, đạt 73% kế hoạch năm. (Ảnh: Phạm Hoài)

Tăng cường phòng, chống bệnh dại

Theo ông Dũng, bệnh dại là bệnh không liên quan đến kinh tế nhưng liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Để phòng chống bệnh dại quan trọng nhất là tạo miễn dịch cho đàn chó, mèo bằng cách tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại. Vì vậy, nhằm giảm thiểu tác hại của bệnh dại, các địa phương cần tăng cường quản lý, kiểm soát đàn chó, mèo và tiêm phòng vắc-xin dại, đảm bảo mỗi con vật được tiêm phòng 1 lần/năm.

Bên cạnh đó, cũng cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn và người dân trong quản lý đàn chó, mèo trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý nuôi chó, mèo hoặc không tiêm vắc-xin dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật. Chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã.

Triển khai tiêm phòng vắc-xin dại cho toàn bộ đàn chó, mèo nuôi trong địa bàn cấp xã. Chó, mèo đã tiêm vắc-xin dại nên được đánh dấu bằng vòng đeo cổ để nhận diện. Hằng năm, ưu tiên tiêm vào trước thời điểm nắng nóng, trước mùa hè. Tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, phơi nhiễm, có nguy cơ nhiễm với bệnh dại nhưng chưa được tiêm vắc-xin dại phải được điều trị dự phòng. Tăng cường thực hiện giám sát bệnh dại trên động vật và trên người. Điều tra, xử lý dịch bệnh dại trên động vật và người bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về thú y và y tế.

Lào Cai: Tăng cường phòng chống bệnh dại  - Ảnh 3.

Để phòng chống bệnh dại quan trọng nhất là tạo miễn dịch cho chó, mèo bằng cách tiêm phòng vắc xin phòng dại. (Ảnh: Phạm Hoài)

Tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu đối với phòng, chống bệnh dại ở động vật là quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025; hơn 90% trong giai đoạn 2026 - 2030. Phấn đấu trong giai đoạn 2022 – 2025, tiêm vắc-xin dại cho 75% tổng đàn chó, mèo nuôi và 85% trong giai đoạn 2026 - 2030; xây dựng thành công 2 vùng an toàn dịch bệnh dại tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa; duy trì 100% các vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh dại.

Đối với phòng, chống bệnh dại ở người, mục tiêu là đảm bảo 100% các huyện, thị, thành phố có điểm tiêm vắc-xin dại và huyết thanh kháng dại. Đến năm 2025, không còn huyện, thị xã, thành phố có nguy cơ cao về bệnh dại trên người.

Thanh Ngân-Phạm Hoài