dd/mm/yyyy

Lai Châu phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững

Lai Châu đã và đang quan tâm, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, đồng thời bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa bản địa.

Bản du lịch cộng đồng Bản Thẳm

Lai Châu có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng

Lai Châu là tỉnh biên giới Tây Bắc của Tổ quốc, nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sapa và Điện Biên Phủ, có quốc lộ 4D, 32, 12, 279 nối Lai Châu với Hà Nội - Điện Biên – Sơn La - Lào Cai – Yên Bái và có cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng tiếp giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Đây chính là những lợi thé đầu tiên để phát triển Du lịch cộng đồng.

Lai Châu lại có nhiều cảnh quan thiên nhiên và danh thắng, những đỉnh núi hùng vĩ nổi tiếng như Pu Ta Leng, Pu Si Lung, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn, Chung Nhía Vũ, Pú Đao hay Pờ Ma Lung…

Lai Châu phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững - Ảnh 1.

Nghi thức cúng Then tại Lễ hội Then Kin Pang xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Phạm Hoài)

Với 20 đồng bào dân tộc cùng bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, ẩm thực đặc sắc; nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh; nhiều lễ hội truyền thống như: Then Kin Pang, Nàng Han, Kin Lẩu Khẩu Mẩu của người Thái trắng, Gầu Tào của người Mông; Nhảy Lửa, Tủ Cải của người Dao, lễ hội Đền Lê Thái Tổ…

Các phiên chợ vùng cao họp vào thứ năm và chủ nhật hàng tuần và một số nghề truyền thống như: miến rong, nghề nấu rượu, hợp tác xã thổ cẩm Nà Càng; nghề dệt may truyền thống của dân tộc Lự….

Đó là những điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển của du lịch cộng đồng của Lai Châu.

Lai Châu quan tâm, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng 

Du lịch cộng đồng tại Lai Châu luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và người dân. Lai Châu xác định mục tiêu "phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh". Để cụ thể hóa Nghị quyết, tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án Phát triển du lịch Lai Châu giai đoạn 2016 – 2020, trong đó xác định nhiệm vụ cụ thể "Phát triển du lịch nông nghiệp trong đó có các điểm bản du lịch cộng đồng gắn với xây dựng Nông thôn mới với việc ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại bản Gia Khâu, San Thàng, Sin Suối Hồ, Lao Chải 1, Sì Thầu Chải, Nà Khương…và sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp".

Lai Châu phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững - Ảnh 2.

Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Phạm Hoài)

Lai Châu đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Lai Châu và chủ trương thực hiện các đề án, nghị quyết về phát triển du lịch gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Nghị quyết số 26 của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân với giải pháp then chốt là xây dựng nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Đến nay, tỉnh Lai Châu đã công nhận được 12 điểm bản du lịch cộng đồng, lượng khách du lịch đến Lai Châu ngày càng tăng giai đoạn 2015 - 2019 là gần 1,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế gần 130.000 lượt, khách nội địa gần 1,17 triệu lượt; tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân giai đoạn đạt 17,78 %/năm. Trong hai năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 nhưng du lịch Lai Châu vẫn đón được gần 800.000 lượt khách đến tham quan.

Lai Châu phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững - Ảnh 3.

Năm 2021 UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Lai Châu đến năm 2025, Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) là một trong những bản du lịch cộng đồng đã được triển khai số hóa 3D. (Ảnh: Thanh Ngân)

Năm 2021, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Lai Châu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong đó nhiệm vụ trọng tâm là "Số hóa 3D một số điểm du lịch cộng đồng truyền thông số du lịch thông minh tỉnh Lai Châu"; đến nay đề án đã triển khai số hóa 3D được một số điểm bản du lịch cộng đồng như Sin Suối Hồ, Sì Thầu Chải và một số đỉnh núi cao. Trong giai đoạn từ nay tới năm 2025 sẽ tiếp tục triển khai số hóa các điểm du lịch đã được công nhận.

Lai Châu phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa, phấn đấu xây dựng 1 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia

Nhằm kích cầu du lịch phát triển, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030". Theo đó, Lai Châu đã huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống với phát triển du lịch trong đó có du lịch cộng đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm Quốc phòng - An ninh. Theo đề án, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lai Châu phấn đấu xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng trong đó có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đạt sản phẩm OCOP 4 - 5 sao; xây dựng 1 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận điểm du lịch cộng đồng ASEAN.

Lai Châu phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững - Ảnh 4.

Theo đề án, giai đoạn 2021 – 2025, Lai Châu phấn đấu xây dựng 1 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận điểm du lịch cộng đồng ASEAN. (Ảnh: Phạm Hoài)

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Lai Châu đầu tư bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mông bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp. Bản Sì Thầu Chải (huyện Tam Đường) tập trung phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Dao gắn với lịch mạo hiểm như dù lượn, leo núi... Tại bản San Thàng (thành phố Lai Châu) phát triển du lịch cộng đồng gắn với chợ phiên và chợ đêm San Thàng, song song với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Giáy. Các loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa cũng được đẩy mạnh tại bản Lao Chải (huyện Tam Đường), bản Vàng Pheo (huyện Phong Thổ) của người Thái và bản Thẳm (huyện Tam Đường) của người Lự...

Để du lịch cộng đồng Lai Châu phát triển bền vững

Thời gian tới, các bản du lịch cộng đồng tại Lai Châu phấn đấu đảm bảo các tiêu chí cụ thể như: có cơ cấu kinh tế rõ nét, phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng. Vườn cây, ao cá, chuồng trại phải được quy hoạch, áp dụng công nghệ tiến tiến, tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc trưng theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), an toàn vệ sinh thực phẩm, có giá trị kinh tế cao.

Có cơ sở dịch vụ ăn uống và bán quà lưu niệm cho du khách, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; nhà ở mang bản sắc văn hóa của cư dân bản địa và các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng; đội văn nghệ phục vụ khách thăm quan, có chỗ ở cho khách lưu trú, quy ước thôn bản mang tính thiết thực, bền vững.

Lai Châu phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững - Ảnh 5.

Ngành du lịch Lai Châu đang có nhiều giải pháp giúp người dân thay đổi tư duy, quan tâm đầu tư khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng một cách bền vững. (Ảnh: Phạm Hoài)

Các tổ chức xã hội hoạt động tích cực như: Chi hội thanh niên, phụ nữ, nông dân... phải phát huy tinh thần tự quản của cộng đồng, con người thân thiện, mến khách, không có các tệ nạn xã hội như: trộm cắp, nghiện hút, cờ bạc...đặc biệt phải thu hút và làm hài lòng khách đến tham quan, trải nghiệm.

Cùng với đó, ngành Du lịch Lai Châu sẽ tiếp tục xây dựng chương trình tập huấn, thành lập đoàn cán bộ và các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch, tổ chức chương trình tham quan học tập kinh nghiệm phát triển du lịch, các mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái tại các tỉnh có nét tương đồng nhằm nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng cho người dân, từ đó giúp người dân thay đổi tư duy, quan tâm đầu tư khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng một cách bền vững.

Thanh Ngân-Phạm Hoài