Chạy qua nhiều trung tâm huyện, thành phố, Quốc lộ (QL) 4D trở thành tuyến đường huyết mạch, có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Lai Châu.
Trên địa phận tỉnh Lai Châu, QL 4D có chiều dài 89km, điểm đầu Km0 tại thị trấn Phong Thổ, điểm cuối Km89 đỉnh đèo Ô Quý Hồ, tiếp giáp huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. QL 4D có quy mô đường cấp IV miền núi, mặt đường bê tông nhựa. Tuyến đi qua 3 đoạn đèo dốc là đèo Hồng Thu (Km8-Km26), đèo Giăng Ma (Km38-Km58), đèo Ô Quý Hồ (Km 63-Km89). Các đoạn đường đèo, địa hình xuống dốc liên tục, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, với nhiều khúc cua có bán kính đường cong nhỏ, khuất tầm nhìn; nhiều đoạn thường xuyên xuất hiện sương mù, tầm nhìn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Sau khi tuyến cao tốc Hà Nội-Lào Cai được đưa vào khai thác sử dụng cùng với sự mở cửa phát triển của cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam-Trung Quốc), thì lưu lượng xe trên tuyến QL 4D tăng cao, nhất là lượng xe tải hạng nặng và xe đầu kéo. Với địa hình đi qua nhiều đèo dốc, tuyến QL 4D xuất hiện ngày càng nhiều điểm đen TNGT và điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Thực tế cho thấy, có không ít điểm đen trên QL 4D liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.
Điển hình trong số đó phải kể đến vụ tai nạn xảy ra tại km 57+551, QL 4D (khu vực cầu Tiên Bình thuộc bản Tiên Bình, thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) vào ngày 15/9/2018. Chiếc xe tải chở bê tông mang biển kiểm soát 24C-06376 va chạm với xe khách biển kiểm soát 25B-000.88 làm 14 người chết, 02 người bị thương. Cách đó mấy năm, cũng tại vị trí này đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương. Hay như vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra vào ngày 10/01/2020, tại km 70+520, QL 4D, xe ô tô BKS 34C-18.018 đi hướng Sa Pa - Lai Châu mất phanh lao xuống hạ lưu cầu Chu Va, làm 3 người chết tại chỗ.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Ngỗ Sỹ Thiện - Giám đốc Ban QLBT công trình đường bộ, Sở GTVT Lai Châu, cho biết: "Trước thực trạng nhức nhối đó, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao khả năng khai thác trên tuyến QL 4D, Ban QLBT công trình đường bộ đã tích cực phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở Giao thông vận tải Lai Châu, rà soát hiện trạng, xác định các điểm đen tai nạn giao thông trên tuyến. Trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân, thực trạng, Ban đã tham mưu, đề xuất với Sở GTVT đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép xử lý hiệu quả nhiều điểm đen mất an toàn giao thông trên tuyến".
Chỉ tính riêng năm 2020, Ban QLBT công trình đường bộ đã tiến hành xử lý 4 điểm đen TNGT trên tuyến QL 4D như: Km70+500 (khu vực cầu Chu Va); Km76+00 và Km88+400 (đèo Ô Quý Hồ); Km7-Km8+700 (khu vực ngã ba Mường So, chân đèo Hồng Thu Mán). Năm 2021, xử lý điểm đen tai nạn giao thông đoạn Km68+400-Km68+800 QL 4D (Đèo Ô Quý Hồ, địa phận xã Sơn Bình, huyện Tam Đường).
Theo ông Thiện, các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT sau khi được cải tạo về hạ tầng đã không còn hoặc ít khi xảy ra tai nạn. Người điều khiển phương tiện giao thông khi qua những đoạn đường này cũng không còn cảm giác lo lắng như trước nữa.
Cùng với nỗ lực xử lý các điểm đen TNGT, giai đoạn từ năm 2018-2020, Ban QLBT công trình đường bộ còn thực hiện tốt công tác quản lý điều hành các công trình sửa chữa định kỳ trên đoạn từ Km18-Km89 QL 4D. Các công trình được triển khai đảm bảo chất lượng và tiến độ theo kế hoạch bảo trì hàng năm. Hiện trạng mặt đường bê tông nhựa đã được sửa chữa, tăng cường đảm bảo êm thuận. Nhiều đoạn tuyến và các vị trí đường cong đã được gia cố lề bằng bê tông xi măng hoặc bê tông nhựa, góp phần tăng cường khả năng khai thác và đảm bảo an toàn giao thông.
Hệ thống an toàn giao thông trên tuyến như sơn vạch kẻ đường, hộ lan tôn sóng, biển báo, tiêu dẫn hướng trong đường cong, đinh phản quang, gương cầu lồi… được lắp đặt tương đối đầy đủ tại các khu vực đèo dốc, đường cong nguy hiểm. Trên tuyến QL 4D cũng đã lắp đặt nhiều biển cảnh báo "dốc dài liên tục-đi số thấp" kết hợp hạn chế tốc độ 40km/h đối với xe tải trên 5 tấn và xe khách trên 16 chỗ ngồi trên giá long môn, giúp các phương tiện tham gia giao thông dễ dàng quan sát, nhận biết và chủ động xử lý tình huống trong quá trình tham gia giao thông.
Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên các đoạn đèo dốc QL 4D, các lái xe cần kiểm tra an toàn kỹ thuật của phương tiện trước khi xuống dốc, đồng thời quan sát và chấp hành nghiêm các biển cảnh báo, hướng dẫn trên tuyến.
Cũng theo ông Thiện, khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai khắc phục, xử lý các điểm đen TNGT là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Tháo gỡ khó khăn này, Ban QLBT công trình đường bộ (Sở GTVT Lai Châu) đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để triển khai thực hiện. "Các điểm đen TNGT thường có tính chất cấp bách, cần được triển khai khắc phục ngay. Tuy nhiên, việc thực hiện các thủ tục về thu hồi, giải phóng mặt bằng theo quy định của Luật Đất đai phải thực hiện trình tự, qua nhiều bước với thời gian quy định kéo dài, nhất là trong trường hợp cần cưỡng chế, giải tỏa. Do đó, để triển khai có hiệu quả, đảm bảo tiến độ các công trình cần có sự quan tâm phối hợp, tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương cũng như sự hiểu biết, đồng thuận của người dân có đất đai, tải sản bị ảnh hưởng" - Giám đốc Ban QLBT công trình đường bộ, Sở GTVT Lai Châu nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Ban QLBT công trình đường bộ sẽ tiếp tục rà soát hiện trạng và theo dõi tình hình tai nạn giao thông trên tuyến QL 4D cũng như các tuyến đường huyết mạch khác trên địa bàn tỉnh. Từ đó tham mưu, đề xuất Sở GTVT Lai Châu đề nghị UBND tỉnh, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép khắc phục xử lý các điểm tiềm ẩn, điểm đen mất ATGT trên các tuyến đường, nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao khả năng khai thác các tuyến đường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.