dd/mm/yyyy

Lai Châu liên kết xây dựng sản phẩm OCOP gắn với nông thôn mới

Chị Vũ Thị Thủy (xã Bình Lư, huyện Tam Đường, Lai Châu) hồ hởi nói với chúng tôi về những thành quả khi liên kết nhiều hộ gia đình thành lập hợp tác xã, sản xuất miến dong, đưa mặt hàng này trở thành sản phẩm OCOP.

Video: Nông dân Tam Đường, Lai Châu liên kết sản xuất Miến dong Bình Lư.

Liên kết sản xuất xây dựng sản phẩm OCOP

Cuộc trò chuyện với chị Thủy giúp chúng tôi hiểu hơn về quá trình gia đình chị và các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư đã thực hiện để đưa sản phẩm miến dong, một nghề truyền thống có từ lâu đời ở xã Bình Lư, huyện Tam Đường, Lai Châu "lột xác" trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu.

Năm 2019, gia đình chị Thủy tham gia vào hợp tác xã, từ đó chất lượng và sản lượng miến dong của gia đình đã được nâng lên; thông qua hợp tác xã và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, miến dong của gia đình chị và các thành viên hợp tác có lượng tiêu thụ tốt hơn. Trung bình mỗi năm, gia đình chị Thủy sản xuất khoảng 8 tấn miến, bán ra thị trường cũng trên 120 triệu đồng.

Nông dân Lai Châu liên kết xây dựng sản phẩm OCOP, gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Huyện Tam Đường là địa phương có lợi thế về phát triển nông nghiệp, người dân nơi đây đã và đang gieo trồng cây dong giềng, nguyên liệu để chế biến Miến dong Bình Lư. Ảnh: Tuấn Hùng

Chia sẻ thêm với chúng tôi, chị Thủy cho hay, từ việc liên kết với các thành viên trong hợp tác xã, chúng tôi có điều kiện chia sẻ với nhau về kinh nghiệm để nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tạo được thương hiệu và uy tín trong lòng khách hàng; thu nhập nhờ đó cũng tăng cao. Cũng như các thành viên khác, khi tích lũy được vốn, chúng tôi đã đầu tư cải tạo nhà xưởng, kho và mua sắm thiết bị máy móc hiện đại đưa vào sản xuất. Hiện nay gia đình tôi có 2 thành viên trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất miến.

Được quan khán không khí sản xuất miến dong hăng say của các thành viên trong Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư, từ việc thu hoạch dong, chế biến, qua hệ thống máy móc hiện đại sản xuất thành phẩm, đóng gói… chúng tôi mới hiểu tại sao bà con lại có thể tạo ra những sợi miến dong dẻo, dai, thơm ngon đến như vậy.

Chỉ tay vào những gói miến được đóng gói trong những bao bì có đủ tem, nhãn mác bắt mắt, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư hồ hởi chia sẻ: Ngay sau khi thành lập hợp tác xã, gia đình tôi và các thành viên không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mà còn tích cực trao đổi kinh nghiệm, tìm giải pháp nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm. Qua một thời gian không ngừng nỗ lực, trời không phụ lòng người có công, sản phẩm miến của chúng tôi đã từng bước được nâng cao về mọi mặt, được nhiều khác hàng ưa chuộng, vượt ra khỏi khu vực và xuất bán ra nhiều thị trường trong nước.

Nông dân Lai Châu liên kết xây dựng sản phẩm OCOP, gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Nông dân xã Bình Lư, huyện Tam Đường, Lai Châu đã liên kết thành lập hợp tác xã sản xuất miến dong, bên cạnh đó, các thành viên còn mạnh dạn đầu tư đưa máy móc hiện đại vào các quy trình sản xuất. Ảnh: Tuấn Hùng

"3 năm trở lại đây, hợp tác xã chúng tôi luôn chạy hết công suất, nhưng cứ đến thời gian cuối năm là lại cháy hàng, thời điểm đó thương lái đến tận cửa để thu mua và chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh thành khác, nhờ đó mà thu nhập của các hộ thành viên cũng cao hơn, nhà nào cũng có của ăn, của để", ông Ánh hồ hởi nói.

Thành quả lớn từ việc liên kết sản xuất OCOP

Qua câu chuyện với chị Thủy và ông Ánh, được biết, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, sau 5 năm triển khai liên kết sản xuất miến dong, đến nay mỗi năm Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư đã sản xuất được từ 250 - 300 tấn miến dong và sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao.

Nông dân Lai Châu liên kết xây dựng sản phẩm OCOP, gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Miến dong Bình Lư của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư đã từng bước được nâng cao về chất lượng, sản lượng, tạo được thương hiệu trên thị trường. Ảnh: Tuấn Hùng

Nhờ có tư cách pháp nhân là hợp tác xã, sản phẩm miến dong Bình Lư được tham gia triển lãm, giới thiệu tại nhiều hội chợ trong nước và quốc tế, từng bước chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng, khẳng định thương hiệu trên thị trường. Hiện tại hợp tác xã có 10 thành viên, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng trên 40 lao động với mức lương trung bình từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng và 20 đến 30 lao động thời vụ vào mùa cao điểm 4 tháng cuối năm.

Chia sẻ với phóng viên, bà Vũ Thị Mỹ Dung, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết: Hiệu quả kinh tế từ việc liên kết sản xuất miến dong của Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư đã được khẳng định. Mô hình đã thu hút các hộ tham gia sản xuất miến dong theo dây truyền tiêu chuẩn VietGap và xây dựng thành sản phẩm OCOP 3 sao. Miến dong Bình Lư được tham gia triển lãm, giới thiệu tại nhiều hội chợ trong nước và quốc tế, sản phẩm đã từng bước chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng, khẳng định thương hiệu trên thị trường, qua đó giúp các hộ thành viên vươn lên phát triển kinh tế và nhiều hội viên có thu nhập từ khá trở lên.

Nông dân Lai Châu liên kết xây dựng sản phẩm OCOP, gắn với xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Tham gia hợp tác xã, liên kết sản xuất theo quy trình Vietgap đã giúp các thành viên tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, nhờ đó các gia đình đều có thu nhập cao, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu. Ảnh: Tuấn Hùng

Việc liên kết sản xuất với các hộ dân đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm miến dong Bình Lư. Hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Bình Lư đang đặt mục tiêu sẽ phấn đấu nâng cấp miến dong Bình Lư thành sản phẩm OCOP 5 sao; Đưa lên sàn thương mại điện tử và có mặt tại các hệ thống siêu thị và xuất khẩu.

Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư, huyện Tam Đường, Lai Châu đã giúp cho nhiều nông dân trên địa bàn không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ nghề truyền thống của gia đình. Hợp tác xã đã phát huy được vai trò quan trọng của mình trong Chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Tam Đường.

Tuấn Hùng