dd/mm/yyyy

Lai Châu: Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ Sà Dề Phìn

Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ thụ hơn 10ha ở xã Sà Dề Phìn (Sìn Hồ, Lai Châu) đang giúp người dân nơi đây có công ăn việc làm và thu nhập ổn định…

Chiêm ngưỡng vườn chè cổ hàng trăm năm tuổi

Sà Dề Phìn nằm ở độ cao trên 1.700m so với mực nước biển, quanh năm mây mù, sương phủ, khí hậu trong lành mát mẻ. Nơi đây nổi tiếng với những gốc chè cổ rêu phong có hàng trăm năm tuổi. Không biết từ bao giờ, cây chè cổ thụ đã gắn bó khăng khít với đời sống tinh thần của bà con nơi đây. Mỗi lần đi thăm rừng về, người dân xã Sà Dề Phìn lại tụ tập nhau ngồi dưới những gốc chè để nghỉ ngơi, thư giãn. Như một thói quen hằng ngày, họ lại ngắt một vài lá chè tươi nhai bỏm bẻm trong miệng, vị thanh mát và chan chát của lá chè xua tan đi bao mệt nhọc sau một ngày đi rừng.

Lai Châu: Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ Sà Dề Phìn - Ảnh 1.

Xã Sà Dề Phìn nổi tiếng với những gốc chè cổ rêu phong có hàng trăm năm tuổi. (Ảnh: Thanh Ngân)

Qua giới thiệu, chúng tôi tìm đến vườn chè của ông Mùa Xái Tùng (bản Sà Dề Phìn, xã Sà Dề Phìn), tại đây, chúng tôi bắt gặp ông đang phát cỏ cho những cây chè cổ của gia đình. Năm nay, ông Tùng đã tám mươi hai mùa rẫy nhưng ông vẫn còn đang khỏe mạnh và minh mẫn, vừa lấy tay gạt những giọt mồ hôi trên trán, vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Tùng tâm sự: Trong vườn chè nhà tôi có khoảng 200 gốc chè to, nhỏ thì tầm 500-600 gốc, được ông cha truyền lại từ lâu đời nay, tôi chỉ biết gìn giữ và chăm sóc những cây chè này, sau này tôi không còn khả năng chăm sóc thì tôi lại để cho con, cho cháu chăm sóc. Cây chè giúp gia đình tôi giữ đất, giữ nước và cho búp uống hàng ngày. Chè cổ ở đây có vị chát đậm, nước xanh, hương thơm và có vị rất riêng biệt so với các nơi khác.

Lai Châu: Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ Sà Dề Phìn - Ảnh 2.

Ông Mùa Xái Tùng đang chăm sóc vườn chè của gia đình. (Ảnh: Thanh Ngân)

"Nhiều năm trở lại đây khi công ty cổ phần chè Tam Đường đứng ra thu mua búp chè tươi với giá 100 nghìn đồng/kg, nhà nước hỗ trợ phân bón, gia đình tôi đã tích cực chăm sóc để lấy búp chè bán, mỗi năm thu 3 đến 4 lứa chè cho thu nhập khoảng từ 20 đến 25 triệu đồng. Song với đó, nhà nước còn hỗ trợ làm đường phục vụ cho việc tham quan du lịch, gia đình tôi đã tích cực chăm sóc và vệ sinh gốc chè trong vườn sạch sẽ hy vọng sau này nó sẽ trở thành điểm du lịch trên địa bàn xã". Ông Tùng chia sẻ.

Lai Châu: Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ Sà Dề Phìn - Ảnh 3.

Đường xá được đầu tư đến các vườn chè cổ tại xã Sà Dề Phìn. (Ảnh: Thanh Ngân)

Bảo tồn và phát triển vườn chè cổ thụ

Hiện nay, vùng chè cổ Sà Dề Phìn có hơn 1.000 gốc cây chè cổ thụ, có cây chè cao từ 5 đến 6m, thân chè được bao phủ bởi những lớp rêu mốc ngả màu theo thời gian. Mỗi năm, vùng chè cổ xã Sà Dề Phìn thu hút hàng nghìn lượt khách về tham quan cũng như tìm hiểu nét văn hóa của người dân bản địa. Thực hiện đề án phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao của tỉnh Lai Châu, huyện Sìn Hồ đã và đang phát triển vùng chè tập trung ở các xã vùng cao và vùng chè cổ trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện trồng mới gần 500ha trong đó có diện tích vùng chè cổ thụ ở xã Sà Dề Phìn, ngoài ra tập trung chủ yếu tại các xã: Hồng Thu, Phìn Hồ, Tả Ngảo...

Được biết, vùng chè cổ xã Sà Dề Phìn đang nằm trong danh sách được bảo tồn và phát triển. Thực hiện đề án và các nghị quyết của tỉnh, của huyện, xã Sà Dề Phìn đã triển khai các biện pháp nhằm giữ gìn, bảo tồn và phát triển cây chè cổ gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Lai Châu: Bảo tồn và phát triển vùng chè cổ Sà Dề Phìn - Ảnh 4.

Xã Sà Dề Phìn hướng tới phát triển vùng chè cổ thành địa điểm du lịch trên địa bàn. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trao đổi với PV, ông Chang A Thứ - Phó chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn, cho biết: Từ khi có đề án phát triển vùng chè chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Lai Châu, xã Sà Dề Phìn đã triển khai cho bà con chăm sóc tất cả các cây chè cổ trên địa bàn. Đồng thời, xã đã phối hợp với Sở Nông nghiệp, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Sìn Hồ hướng dẫn bà con chăm sóc và phát triển vùng chè cổ. Với mỗi cây chè cổ, người dân sẽ được trả 100 ngàn đồng tiền công chăm sóc một năm. Bên cạnh đó, mỗi cân búp chè sẽ được công ty cổ phần chè Tam Đường thu mua với giá 100 ngàn đồng. Việc này giúp bà con tích cực chăm sóc, bảo vệ và phát triển vùng chè cổ này. Trong thời gian tới, thực hiện đề án của tỉnh, xã Sà Dề Phìn sẽ tiếp tục chăm sóc và mở rộng vùng chè cổ thụ, hướng tới hình thành vùng du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn.

Thanh Ngân-Phạm Hoài