Kỹ thuật làm chuồng nuôi chim bồ câu
30/01/2017 17:58 GMT +7
Hiện nay, nhiều nông dân rất ưa chuộng mô hình nuôi chim bồ câu bởi đây là loại chim dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách xây dựng chuồng trại để đạt năng suất cao.
Là người nuôi chim bồ câu rất thành công, với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, anh Vũ Văn Thủy ở huyện Yên Mô (Ninh Bình) sẽ chia sẻ với bà con kinh nghiệm xây dựng chuồng trại một cách đơn giản, khoa học mà cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trang trại nuôi chim bồ câu ta của anh Đặng Quốc Việt, tại Tổ 4 phường Minh Khai thành phố Hà Giang (Ảnh TL)
1.Chọn vị trí làm chuồng
Chuồng nuôi phải có ánh sáng mặt trời, khô ráo, thoáng mát vào mùa hè, sạch sẽ, tránh gió lùa vào mùa đông, tránh nơi ồn ào, tránh sự xâm nhập của chó, mèo, chuột.
2. Thiết kế chuồng
Trước tiên cần phải xác định số lượng bồ câu sẽ nuôi để xây chuồng trại hợp lý. Tỷ lệ hợp lý cho dạng nuôi quần thể là 1m2 nuôi được 2-3 cặp chim.
Với mô hình nuôi bồ câu truyền thống các gia đình vẫn có thể tận dụng nhà cũ, trại cũ để tiết kiệm chi phí nhưng phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật như ở mô hình nuôi quần thể, phải dùng lưới B40 hoặc lưới cước, lưới mắt cáo vây kín xung quanh để không cho chim ra ngoài.
Với mô hình nuôi bồ câu công nghiệp phải đầu tư ban đầu nhiều hơn so với mô hình nuôi quần thể, nhưng sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
3. Sân phơi nắng
Để chim có thể sinh trưởng và phát triển tốt, ngoài việc làm chuồng nuôi trong nhà, bà con nên xây thêm một sân phơi nắng cho chim. Sân phơi nắng cũng cần diện tích tương ứng với 1m2 cho 2- 3 cặp chim hoặc rộng hơn tùy diện tích đất của trang trại. Sân phơi nắng phải có đủ ánh sáng và được sắp xếp nhiều cành cây cho chim chơi, bay nhảy, tắm nắng vào mùa hè.
Ngoài ra, bà con nên xây 1 bể cát nhỏ để đựng cát vàng cho chim ăn cát sỏi, xây 1 bể tắm nhỏ cho chim. Có thể dùng thau, chậu để đựng nếu diện tích có hạn.
4. Ổ đẻ cho chim mái
Nếu chuồng nuôi được tận dụng từ các chuồng cũ thì chỉ cần lót nền bằng trấu hoặc mùn cưa (vừa vệ sinh tránh được dịch bệnh). Sau đó bà con nên làm các kệ gỗ trên tường rồi đặt các rổ tre hay rá nhựa có lót rơm để chim đẻ và ấp trứng.
Ổ đẻ có thể dùng bằng rổ nhựa loại nhỏ đường kính khoảng 20cm để làm tổ, dùng rơm để vặn tổ. Bà con cũng có thể dùng lốp xe đạp cũ cắt đôi rồi bẻ ngược lại, sau đó dùng dây hoặc đinh buộc lại tạo một vòng tròn là đã có 1 tổ chim rất đẹp, bền và rẻ. Các tổ phải để và buộc cố định tránh bị lật khi chim nhảy lên.
Nếu chuồng nuôi đóng bằng tre, gỗ hoặc xây bằng gạch, bà con nên chia làm 3 – 4 tầng và tạo nhiều chuồng nhỏ để tiết kiệm diện tích. Giữa các tầng phải có ngăn chắn phân hoặc phải đóng khít để phân không rơi xuống các tầng dưới.
Nên chia chuồng thành các ô nhỏ: chiều cao 50cm, chiều sâu 40cm, chiều rộng 40cm. Mỗi ô chuồng cần 2 ổ: 1 để đẻ trứng và ấp trứng đặt ở trên, 1 ổ nuôi con đặt ở dưới. Phía trước ô khoét lỗ to bằng miệng bát cơm để chim có thể ra vào và cho thông thoáng.
Ông Thủy đang đổ thức ăn cho chim bồ câu ăn tại trang trại của gia đình.
5.Máng ăn
Để đảm bảo vệ sinh máng ăn và máng uống cho chim nên dùng bằng gỗ hoặc chất dẻo, không nên làm bằng kim loại. Cách làm đơn giản là dùng ống nhựa loại phi 90, cưa thành từng đoạn 1m rồi cắt vát tạo khe đổ thức ăn và để cho chim ăn, sử dụng bình nước 3- 5 lít để đựng nước uống hàng ngày cho chim.
Trại nuôi bồ câu pháp của một nông dân tại tỉnh Thái Bình (TL)