dd/mm/yyyy

Kinh nghiệm tích tụ ruộng đất của một HTX ở Quảng Nam rất đáng được học tập

Gần 20 năm xây dựng, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào ở thôn Trà Đoá 1, xã Bình Đào, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) đã có bước phát triển mạnh mẽ. Ngày đầu thành lập, hợp tác xã chỉ có 9 thành viên với số vốn ban đầu 45 triệu đồng, đến nay HTX có 18 thành viên và số vốn đã tăng lên 5,2 tỷ đồng.

Hợp tác xã tiên phong tích tụ ruộng đất

Về thăm Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào trong những ngày đầu tháng 5/2023, chúng tôi nhận thấy không khí khẩn trương, phấn khởi của mọi người về một mùa lúa bội thu. Dù bận rộn với công việc mùa màng, nhưng ông Võ Tấn Sanh (53 tuổi) – Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào vẫn niềm nở trò chuyện cùng chúng tôi.

Kinh nghiệm tích tụ ruộng đất của một HTX ở Quảng Nam rất đáng được học tập - Ảnh 1.

Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào (xã Bình Đào, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) vinh dự được bình chọn là 1 trong 63 hợp tác xã tiêu biểu năm 2023. Ảnh: T.N.

Chia sẻ về duyên nợ với hợp tác xã, ông Sanh bộc bạch: "Năm 1997, tôi về làm nhân viên kỹ thuật điện cho hợp tác xã, sau đó trở thành Trưởng ban quản lý điện cho UBND xã Bình Đào. Năm 2006, tôi giữ chức Phó chủ nhiệm hợp tác xã và sau đó được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào".

Hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp Bình Đào.

Ông Trần Thế Vinh – Chủ tịch UBND xã Bình Đào (Thăng Bình – Quảng Nam) nhận xét: "Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào là đơn vị tiên phong của tỉnh Quảng Nam trong công cuộc tích tụ ruộng đất. Từ khi thành lập đến nay, hợp tác xã đã phát huy vai trò "bà đỡ" của nông dân, hỗ trợ, liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Không những hoạt động hiệu quả, hợp tác xã còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động cho địa phương…".

Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào thành lập tháng 4/2006, hoạt động và kinh doanh trên 8 lĩnh vực gồm: quản lý thuỷ lợi, nước sinh hoạt nông thôn, dịch vụ giống cây trồng, cung ứng phân bón, cơ giới hoá sản xuất, thu mua và chế biến nông sản các loại, dịch vụ xây dựng hạ tầng và dân dụng, tích tụ ruộng đất và liên kết sản xuất.

Ông Sanh cho biết, từ năm 2016 đến cuối năm 2022, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào là đơn vị đầu tiên của tỉnh Quảng Nam thực hiện tích tụ ruộng đất với diện tích 85ha. Trong đó, thuê đất của nông dân là 20,3ha và liên kết sản xuất với nông dân 64,7ha.

Kinh nghiệm tích tụ ruộng đất của một HTX ở Quảng Nam rất đáng được học tập - Ảnh 2.

Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào tạo việc làm cho 53 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ, với mức lương từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: T.N.

Từ đó, nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ có hiệu quả điển hình như: sản xuất lúa gạo chất lượng cao ST24, ST25, nếp Hương Lân; mô hình thâm canh cây mè – lạc thích ứng với biến đổi khí hậu; liên kết sản xuất và tiêu thụ hạt lúa giống…. Các dự án liên kết đã góp phần tiêu thụ sản phẩm, gia tăng giá trị thu nhập cho nông dân và hợp tác xã từ 1,3-1,5 lần.

Kinh nghiệm tích tụ ruộng đất của một HTX ở Quảng Nam rất đáng được học tập - Ảnh 3.

Dây chuyền chế biến lúa giống gần 300 triệu đồng được hợp tác xã đầu tư đầu năm 2023. Ảnh: T.N.

Hoạt động theo hướng hợp tác xã kiểu mới, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào tập trung củng cố bộ máy quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc công nghệ, mở rộng các dịch vụ sản xuất kinh doanh.

Kinh nghiệm tích tụ ruộng đất của một HTX ở Quảng Nam rất đáng được học tập - Ảnh 4.

Ông Võ Tấn Sanh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào. Ảnh: T.N.

Đến nay, những phương tiện sản xuất của hợp tác xã có giá trị trên 1,9 tỷ đồng, gồm có: 2 máy gặt; 2 máy cấy; 1 máy cày; 1 máy tuốt lạc; 1 lò sấy lúa giống, 1 dây chuyền phân loại, làm sạch, đóng gói hạt lúa giống; 1 dây chuyền máy xay xát gạo liên hoàn và 1 cửa hàng OCOP với diện tích xây dựng gần 50m2.

Kinh nghiệm tích tụ ruộng đất của một HTX ở Quảng Nam rất đáng được học tập - Ảnh 5.

Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào là đơn vị tiên phong của tỉnh Quảng Nam trong công cuộc tích tụ ruộng đất. Ảnh: T.N.

Ông Sanh cho hay: "Xây dựng cánh đồng mẫu lớn và liên kết sản xuất là lĩnh vực hoạt động tiêu biểu của hợp tác xã. Vì thế, giai đoạn 2022-2025, hợp tác xã tiếp tục tập trung tích tụ ruộng đất bỏ hoang từ 20-30ha theo phương pháp liên kết với các cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp để đầu tư cải tạo đất đai, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, nhằm đem lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho xã viên và bà con nông dân".

Phát huy vai trò "bà đỡ" của nông dân

Theo ông Sanh, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào sinh ra và trưởng thành trên đất nông nghiệp, nên định hướng phát triển là gắn bó và xây dựng nền nông nghiệp huyện nhà ngày càng phát triển bền vững, hiện đại.

Kinh nghiệm tích tụ ruộng đất của một HTX ở Quảng Nam rất đáng được học tập - Ảnh 6.

Trung bình mỗi vụ lúa giống, hợp tác xã thu sản lượng khoảng hơn 200 tấn. Ảnh: T.H.

Dẫn chúng tôi đi tham quan dây chuyền chế biến lúa giống, ông Sanh phấn khởi nói: "Trung bình mỗi vụ lúa giống, hợp tác xã thu sản lượng khoảng hơn 200 tấn. Mới đây, hợp tác xã đầu tư gần 300 triệu đồng để mua dây chuyền chế biến lúa giống, nhằm cơ giới hoá sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Dự định khi dây chuyền hoạt động ổn đinh, hợp tác xã sẽ phát triển theo hướng thu mua, chế biến, đóng gói và trực tiếp xuất bán sản phẩm mang thương hiệu lúa giống Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào, thay vì chỉ sản xuất gia công như trước đây".

Kinh nghiệm tích tụ ruộng đất của một HTX ở Quảng Nam rất đáng được học tập - Ảnh 7.

Các công nhân của hợp tác xã đang sấy và làm sạch lúa giống. Ảnh: T.N.

Với việc hoạt động trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn, năm 2022, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào đạt doanh thu hơn 3,9 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 122 triệu đồng. Hợp tác xã giải quyết việc làm cho 53 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ với mức lương từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.

Bà Võ Thị Nga (50 tuổi, trú thôn Vân Tiên, xã Bình Đào) hồ hởi nói: "Nhờ có Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào, mà chị em phụ nữ chúng tôi có công ăn việc làm thường xuyên, có nguồn thu nhập ổn định để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Cũng từ đó mà chúng tôi luôn phấn khởi khi tham gia lao động tại hợp tác xã".

Kinh nghiệm tích tụ ruộng đất của một HTX ở Quảng Nam rất đáng được học tập - Ảnh 8.

Hàng năm, hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp, nông dân để sản xuất lúa giống. Ảnh: T.N.

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2020, hợp tác xã được UBND tỉnh công nhận 2 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Dầu mè đen nguyên chất Bình Đào và Nếp Hương Lân Trường Giang.

Ngoài ra, hợp tác xã có nhiều sản phẩm tham gia buôn bán tại các cửa hàng nông sản sạch ở Quảng Nam – Đà Nẵng như: Dầu phụng Bình Đào, Gạo quê Bình Đào, Khoai lang Trà Đóa, Trà thảo mộc lá mùng 5.

Trong quá trình phát triển, hợp tác xã luôn đồng hành cùng địa phương xây dựng Nông thôn mới, tham gia đóng góp 3 tiêu chí về thuỷ lợi, hình thức tổ chức sản xuất và nước sạch – vệ sinh môi trường. Ngoài ra, công tác an sinh xã hội cũng được thực hiện thường xuyên, quan tâm, chăm lo đời sống của các thành viên và người lao động.

Kinh nghiệm tích tụ ruộng đất của một HTX ở Quảng Nam rất đáng được học tập - Ảnh 9.

Nhiều năm qua, đơn vị nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của chính quyền địa phương, Liên minh hợp tác xã tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.N.

Kinh nghiệm tích tụ ruộng đất của một HTX ở Quảng Nam rất đáng được học tập - Ảnh 10.

Hoạt động gần 20 năm, nhưng Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế tiếp cận vay vốn, thiếu nguồn nhân lực trẻ có đào tạo chuyên môn và rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

Kinh nghiệm tích tụ ruộng đất của một HTX ở Quảng Nam rất đáng được học tập - Ảnh 11.

Hai sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào là dầu mè đen nguyên chất Bình Đào và Nếp Hương Lân Trường Giang đã được công nhận OCOP 3 sao. Ảnh: T.N.

Ông Sanh tâm sự: "Tôi mong muốn được các cấp ngành, các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã có thể được tín chấp bằng các dự án hoặc tài sản sẵn có, thay vì phải tín chấp bằng tài sản cá nhân, đáp ứng nhu cầu vay vốn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã".

Chủ động liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào đang từng bước khẳng định vai trò của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều năm qua, hợp tác xã được UBND xã, huyện, Liên minh hợp tác xã tỉnh tặng giấy khen, bằng khen….

Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào vinh dự được bình chọn là một trong 63 hợp tác xã của cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam biểu dương.


Tuyết Nhung - Trần Hậu