dd/mm/yyyy

Khuyến nông Lai Châu tích cực chuyển giao KHKT tới người dân

Những năm gần đây, hệ thống khuyến nông tỉnh Lai Châu đã triển khai thực hiện hàng trăm mô hình dự án khuyến nông về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản tới hàng nghìn hộ nông dân trên hầu hết các xã, phường trong tỉnh.

Các mô hình dự án đã triển khai đều đạt kết quả tốt, nhiều mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo bà con nông dân và có khả năng nhân rộng trên địa bàn. Điển hình như Dự án sản xuất tăng vụ lúa Đông xuân, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh và trạm khuyến nông các huyện triển khai tại những bản mà người nông dân chưa sản xuất lúa Đông xuân bao giờ, thuộc các xã Bản Lang (huyện Phong Thổ), Hua Bum (huyện Nậm Nhùn) và Ka Lăng (huyện Mường Tè).

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lai Châu hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây cam.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lai Châu hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây cam.

Các mô hình đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt trên 60 tạ/ha tại xã Bản Lang; 50 tạ/ha tại Hua Bum và 56 tạ/ha tại Ka Lăng. Thông qua công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, người nông dân đã cơ bản nắm được các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa Đông xuân và có thể áp dụng ngay vào thực tế sản xuất trong các vụ tiếp theo.

Ngoài các mô hình về sản xuất tăng vụ lúa Đông xuân, thì mô hình sản xuất ngô tăng vụ cũng đang được đơn vị chú trọng triển khai thực hiện, điển hình như mô hình sản xuất ngô tăng vụ tại các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Phong Thổ, Nậm Nhùn và thành phố Lai Châu. Với năng suất ngô tại các điểm bình quân đạt 50 - 55 tạ/ha và 45.000 - 48.000 bắp tươi/ha đối với ngô nếp.

Đến nay, trên địa bàn các huyện Tân Uyên, Tam Đường, thành phố Lai Châu diện tích sản xuất ngô tăng vụ đã được duy trì và phát triển bền vững, tổng diện tích gieo trồng ngô Thu đông trên 3.000 ha, trong đó tập trung là huyện Tam Đường hơn 1.500 ha, thành phố Lai Châu trên 200 ha. Diện tích ngô trồng trên đất bán ngập vùng lòng hồ cũng được mở rộng 744,9 ha, nâng tổng số diện tích sản xuất ngô trên toàn tỉnh hiện nay là 22.242 ha.

Công tác trình diễn, thử nghiệm giống mới cũng được đơn vị chú trọng, đến nay có rất nhiều giống lúa, ngô mới được đưa vào sản xuất giúp người nông dân lựa chọn được các giống cây trồng phù hợp với điều kiện và tập quán canh tác góp phần nâng cao năng suất như các giống lúa: Nghi hương 2308, Nam dương 99, Đắc ưu11, PC6, RVT, DS1…, các giống ngô CP333, CP989, NK54, NK66, HN88, LVN885, MX10, CP3Q…

Có thể nói, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới từng bước được đưa vào sản xuất, đã góp phần đưa sản lượng lương thực có hạt từ 166.000 tấn năm 2010 lên khoảng 190.000 tấn. Ngành nông nghiệp tỉnh đang phấn đấu đạt trên 237.000 tấn lương thực vào năm 2020.

Song song với phát triển cây lương thực, chăn nuôi cũng đã được chú trọng phát triển. Đến nay, chăn nuôi đại gia súc về cơ bản đã được chăn thả có kiểm soát, việc chăm sóc cho gia súc được người dân quan tâm hơn, tình trạng gia súc thả rông giảm cơ bản, các hộ dân đã biết trồng cỏ làm thức ăn cho trâu, bò; tu sửa chuồng nuôi, phòng chống rét cho gia súc.

Từ mô hình vỗ béo trâu, bò thịt nhiều hộ dân đã biết vỗ béo đàn trâu bò của gia đình để bán được giá. Nhiều con giống có tiềm năng cho hiệu quả kinh tế cao đã đến được với người nông dân như: Mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm, vịt sinh sản tại vùng lòng hồ đã được người dân duy trì phát triển nhân rộng tại xã Mường Mít, huyện Than Uyên; thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn; mô hình chăn nuôi gà thả vườn, đồi; chăn nuôi gà an toàn sinh học đã được người dân áp dụng rộng rãi, nuôi phổ biến ở địa bàn trong tỉnh.

Hữu Bình