Sàn thương mại điện tử với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất, mở thêm đầu ra bền vững cho các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Việc ứng dụng công nghệ số giúp người nông dân xóa nhòa ranh giới về địa lý, tháo gỡ những điểm nghẽn trong lưu thông, vận chuyển. Lần đầu tiên chứng kiến phong trào nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, nhiều nông dân lần đầu tiên livestream bán hàng trên không gian mạng. Điều này đã thúc đẩy thị trường thương mại điện tử nông thôn.
Đến nay, đã có rất nhiều sàn thương mại điện tử tham gia hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng các gian hàng số; các địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng coi việc bán hàng, quảng bá nông sản trên các nền tảng số là một trong những mục tiêu quan trọng nên đã xây dựng các chương trình hỗ trợ cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Hoài - Phó TBT Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt (ngoài cùng bên phải) tặng hoa cho các diễn giả tham gia hội nghị.
Thống kê từ sàn thương mại trực tuyến Shopee cho thấy, từ năm 2019 đến 2021, tổng giá trị các sản phẩm bán ra của Shopee đã tăng gần 4 lần, từ 424.000 tỷ đồng lên đến 1.483.000 tỷ đồng. Đồng thời, số lượng đơn mua hàng trên Shopee đã tăng gấp 5 lần, đạt tổng 6 tỷ đơn trong năm 2021. Như vậy, cứ mỗi giây có hơn 250 đơn hàng được bán ra trên Shopee. Kết quả này cho thấy kinh doanh qua TMĐT sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.
Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực tư nhân trong đào tạo, ươm tạo, kết nối, gọi vốn, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam thuộc Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, các startup trẻ trong việc thúc đẩy khởi nghiệp kinh doanh, quảng bá nông sản trên các nền tảng số, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị online với chủ đề: "Kết nối hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp kinh doanh, quảng bá nông sản trên nền tảng số".
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Hoài, Phó tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay chia sẻ: "Đây là hội nghị online rất ý nghĩa, mang tính thời sự, lần đầu tiên báo NTNN phối hợp Cục Phát triển thị trường (Bộ KHCN) thực hiện đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp kinh doanh, quảng bá nông sản trên nền tảng số.
Thực hiện Đề án này, báo NTNN/Dân Việt sẽ tham gia 4 hoạt động: Truyền thông về các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; tổ chức hội nghị offline tại các địa phương nhằm hỗ trợ thanh nhiên khởi nghiệp; tổ chức triển lãm, ngày hội, hội chợ giới thiệu sản phẩm của họ tới đông đảo người tiêu dùng; tổ chức hội nghị hỗ trợ thanh niên startup.
Đây là hội nghị online đầu tiên và trong năm nay sẽ có 6 hội nghị như vậy được tổ chức tại báo NTNN/Dân Việt nhằm truyền thông, hỗ trợ việc đào tạo, kêu gọi kết nối quảng bá sản phẩm của các startup.
Sau dịch Covid-19, tình hình sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, trong ối cảnh đó thì chuyện khởi nghiệp trên các nền tảng số phát huy hiệu quả rõ rệt và đang phát triển rất mạnh, do đó Báo NTNN/Dân Việt tổ chức hội nghị nhằm kết nối các startup với các chuyên gia, doanh nghiệp để hoạt động hiệu quả, bền vững hơn".
Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử: Những thành công bước đầu
Có thể thấy, quảng bá, kinh doanh nông sản trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử là một xu hướng đang được nhiều startup lựa chọn đến khởi nghiệp và không ít bạn trẻ đã bước đầu thành công.
Tại hội nghị, với vai trò là Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản, bà Nguyễn Thị Thành Thực đã có những chia sẻ về tiềm năng khởi nghiệp kinh doanh, quảng bá nông sản của các startup, các bạn trẻ trên các nền tảng số.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty CP Bagico, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam nhận định: Có thể nói rằng việc ứng dụng thương mại điện tử, đặc biệt nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch đã mang lại kết quả vô cùng to lớn. Ban đầu các bạn trẻ khởi nghiệp còn nhiều hạn chế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp có thể nói rằng vô cùng khó khăn, rủi do… Chúng tôi thấy các bạn khởi nghiệp đã vân dụng khá tốt các nền tảng xã hội, thương mại điện tử. Tại Hội nghị này, tôi rất tự hào khi bạn Đặng Dương Minh Hoàng, là một trong những bạn khởi nghiệp có thể nói là thành công nhất trong năm 2022. Trong thành công của bạn Hoàng thì chúng tôi đã tham gia xây dựng mô hình HTX dịch vụ nông nghiệp số ở Bình Phước.
Tại Hội nghị này, tôi muốn nhấn mạnh, các bạn trẻ khi khởi nghiệp, khi sử dụng nền tảng xã hội, truyền thông trên mạng, thương mại điện tử thì rất nhanh và rất dễ, không quá tốn kém, nhưng để thành công được đòi hỏi gốc rễ của sự hiểu biết, cũng như xây dựng sản phẩm, phương án phải rất chỉn chu.
Cách đây hơn 1 năm khi chúng tôi xây dựng HTX dịch vụ nông nghiệp số ở Bình Phước thì bạn Đặng Dương Minh Hoàng là giám đốc HTX, các bạn cũng có nền tảng căn cơ nhưng còn khá lúng túng trong xây dựng thương hiệu sản phẩm, hình thức.
Sau 1 năm gặp nhiều khó khăn, vất vả, đặc biệt, HTX dịch vụ nông nghiệp số ở Bình Phước dưới sự dẫn dẵn của Hoàng nhiều trang trại trồng sầu riêng đã được phía Trung Quốc đánh giá rất cao. Đây là niềm tự hào của chúng tôi cũng như của các bạn trẻ khi khởi nghiệp.
Thông qua Hội nghị này chúng tôi mong muốn các bạn trẻ khi khởi nghiệp cần học hỏi, trau dồi kinh nghiệp, kiến thức pháp luật, làm chủ công nghệ…
Thời gian qua, Tik Tok Việt Nam đã có nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ thanh niên, nông dân mở các gian hàng số, livestream quảng bá, kinh doanh nông sản; mới đây nhất là hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.
Tham gia hội nghị, bà Phạm Thị Ngọc Tuyền - Đại diện ngành hàng TikTok Shop Việt Nam chia sẻ về hiệu quả của việc quảng bá, kinh doanh nông sản trên nền tảng số.
Theo bà Tuyền, Tik Tok Shop có mặt ở Việt Nam từ tháng 3/2022, ngoài Việt Nam Tik Tok Shop cũng có mặt ở các thị trường Phillipin, Indonesia, Malaysia... Tik Tok là nền tảng mạng xã hội có lưu lượng truy cập tự nhiên rất lớn. Tik Tok vốn là nền tảng giải trí nên việc mục đích của những người lập tài khoản Tik Tok ban đầu là giải trí. Tuy nhiên, do nhu cầu và xu hướng phát triển mà việc bán hàng trên Tik Tok dần dần hình thành và trở nên phổ biến như hiện nay.
Điểm khác biệt của TikTok Shop so với các nền tảng bán hàng khác, đó là khách truy cập để giải trí và có sau đó có nhu cầu mua hàng, khác với các nền tảng khác là có nhu cầu mới vào mua. Do đó, TikTok Shop có thể giúp cho những người kinh doanh có điều kiện tiếp cập nhanh hơn, rộng hơn tới các đối tượng khách hàng.
Bên cạnh đó, đối với Tik Tok thì khi làm thương hiệu hay giải trí đều cùng trên một nền tảng nên tính hiệu quả cao hơn. Bán hàng đặc sản nông sản trên Tik Tok đã có từ lâu, Tik Tok cũng khá tự hào vì có nhiều người bán hàng hiệu quả, kể cả những người đã lớn tuổi vẫn kinh doanh rất thành công. Và vì thực hiện bán hàng bằng các đoạn video, livestream nên tính quảng bá cũng chân thực, đáng tin cậy hơn.
Là một trong những diễn giả tham gia hội nghị, nông dân Đặng Dương Minh Hoàng - một doanh nhân khởi nghiệp (start-up businessman) - Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, Chủ nhiệm điều hành Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc chia sẻ: "Hiện tại Hoàng đang được chọn làm Chủ nhiệm điều hành Mạng lưới Lương Đình Của toàn quốc – mạng lưới này tập hợp những nhà nông trẻ xuất sắc ở 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Thông qua mạng lưới Lương Đình Của, các nhà nông trẻ xuất sắc đã kết nối cung cầu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Về phía Hoàng cũng đã chia sẻ và học tập được nhiều kinh nghiệm từ những nhà nông xuất sắc khác.
Với phương châm muốn đi xa thì đi cùng nhau, bản thân Hoàng và chị Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty CP Bagico, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đã kết nối các những nhà nông trẻ thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước. HTX đã có những thành tích, thành tựu nhất định đã giúp cho những thành viên xây dựng thương hiệu riêng. Xuất phát từ bản thân Hoàng cũng đã thành công với HTX Dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, Hoàng đang kết nối với các anh em ở Mạng lưới Lương Đình Của đã nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp số trên toàn quốc. Đây đều là những anh em trẻ, có đam mê, có tiềm lực nhất định, có khả năng ngoại ngữ, có kiến thức nông nghiệp".
Kinh doanh, quảng bá nông sản trên nền tảng số-niềm tin, nghị lực tạo thành công
Từ câu chuyện của mỗi người trẻ khởi nghiệp, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy - một trong những diễn giả tham gia hội nghị nhận định: Phải thừa nhận chuyện khởi nghiệp bán hàng online đang là câu chuyện hot, phù hợp với lớp trẻ. Thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam là có 4 mùa hoa trái, mùa nào cũng có sản phẩm đặc sản dồi dào, việc bán hàng onilne giải quyết được việc làm cho nhiều người, có thu nhập lớn, khai thác tốt lợi thế nông nghiệp vùng miền. Đặc biệt, nếu gắn với du lịch thì sẽ cực kì hiệu quả, giúp người tiêu dùng kết nối được với nông sản ở các vùng miền khác nhau.
Ấn tượng của tôi là các hợp tác xã, chủ hộ, chủ trang trại có sản phẩm đặc thù riêng biệt đã ăn nhập với thị trường rất nhanh. Ví dụ một số thanh niên dân tộc thiểu số trên trên Bắc Kạn đã nhờ mạng kết nối được với thị trường, đưa nông sản từ miền núi về với đồng bằng và tiêu thụ rất tốt.
Thị trường online phù hợp với các bạn trẻ bởi tích hợp được nhiều tiện ích: Thanh toán, vận chuyển, so sánh sản phẩm cùng loại trên thị trường. Các bạn đang đi đúng hướng nhưng có vẻ mới tập trung 3 vấn đề: sử dụng phầm mền; bán được hàng và thu hút nhiều người xem. Tuy nhiên, trong quá trình bán hàng còn hạn chế, nhất là trong khâu tìm nguồn hàng và xác định khách hàng chủ đích, nên hầu hết việc bán hàng trên nền tảng số hiện nay mới là tổng hợp và bán nông sản, còn nông sản nhằm vào mục tiêu có chủ đích chưa được các bạn thực sự quan tâm.
Bên cạnh đó, khâu tương tác với khách hàng, giải quyết các vấn đề với khách hàng còn yếu mà mới tập trung bán hàng. Thiếu nhân lực giải đáp các vấn đề với khách hàng, khi thiếu vấn đề này thì tính truyền thông về mặt hàng sẽ bị hạn chế. Do đó, việc phát triển thị trường, kết nối học tập và trao đổi của các bạn vẫn còn khá khiêm tốn.
Tại hội nghị, Tiktoker Nguyễn Thị Tường Thảo (Kênh TikTok Thảo Mola của “Món lạ vườn nhà” với gần 180.000 lượt theo dõi và 1,5 triệu lượt thích đến từ Đà Lạt (Lâm Đồng) chia sẻ: Tôi sinh ra và lớn lên ở Ka Đô, Đơn Dương - thủ phủ rau của tỉnh Lâm Đồng. Tuổi thơ của tôi không chỉ có những ruộng vườn xanh mướt quanh nhà, mà còn gắn bó với sạp rau nhỏ trong chợ quê của mẹ, trong sâu thẳm, tôi luôn dành một tình yêu đặc biệt đối với nông sản.
Khi trưởng thành, tôi là một kỹ sư hóa học, từng có thời gian làm việc trong phòng kiểm định hóa chất của một công ty nước ngoài ở TP Hồ Chí Minh với mức lương không hề thấp. Thế nhưng, tình yêu với nông sản khiến tôi đưa ra quyết định “trở về”, trở về khởi nghiệp với nông nghiệp.
Mơ ước của tôi là được làm chủ của một cửa hàng rau sạch. Ở đó, tôi được chú tâm, chăm chút vào từng sản phẩm, chia sẻ với mọi người về lối sống và ăn uống healthy (lành mạnh, cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể…).
Tháng 9/2022, tôi bước thêm bước nữa trên hành trình thực hiện ước mơ của mình bằng quyết định nghỉ việc, trở về quê hương Lâm Đồng và xin làm thuê lại HTX Vườn nhà Đà Lạt. Làm việc tại HTX đã giúp tôi tiếp cận nguồn nông sản sạch, tìm hiểu về quy trình trồng và chăm sóc rau, củ để có thể hiểu rõ hơn. Tại HTX tôi làm công việc đóng rau.
Những ngày đầu làm việc, tôi nhận thấy tuy quy mô HTX rất lớn, với hàng chục nhân viên, mỗi năm trồng cả trăm loại rau, củ, quả khác nhau nhưng quy trình làm việc còn theo lối truyền thống, lạc hậu. HTX có website, có fanpage nhưng không chăm sóc, chỉ cập nhật vài tấm hình rất cũ. Một lần nghe chị Yến Vân chia sẻ mong muốn xây dựng một cộng đồng ăn uống healthy và đây là con đường mà tôi đang hướng đến. Vậy là tôi xung phong nhận việc, từ đó cũng đã tạo nên những sự đổi mới. Tôi nghĩ thời đại 4.0 nếu chỉ duy trì cách bán hàng hiện tại thì chắc chắn HTX sẽ bị đi lùi.
Tôi bắt đầu chăm sóc lại fanpage, trang web, chăm chút từng tấm hình. Đặc biệt, nhận thấy sức mạnh của trang mạng xã hội chuyên về các video ngắn tiktok, Tôi nảy ra ý tưởng bán lẻ nông sản trên mạng xã hội đang có nhiều ưu thế này. Tôi tự tạo kênh tiktok “Món lạ vườn nhà”, tự quay, dựng và up video lên với mục đích giới thiệu cho nhiều người biết về những sản phẩm nông sản độc lạ mà HTX Vườn nhà Đà Lạt đang có.
Từ các video giới thiệu về ớt trái cây sweet palermo, chanh dây Nam Mỹ, cà rốt cầu vồng, ớt móng tay,... sau chưa đầy 2 tháng lập kênh, tôi đã có video trên 4 triệu lượt xem. Đặc biệt, video giới thiệu bí sợi mì với hơn 5 triệu lượt xem như trở thành một hiện tượng mạng. Có ngày tôi nhận được cả nghìn tin nhắn hỏi mua loại bí này. Lần đầu tiên mở tính năng livetream bán hàng, chỉ sau 15 phút, tôi chốt được gần 1.000 đơn hàng.
Nhờ cách bán hàng qua nền tảng mạng xã hội, doanh thu của HTX tháng cao nhất đạt 1,2 tỷ đồng.
Không chỉ Thảo Mola mà còn có rất nhiều các bạn trẻ khác cũng tham gia khởi nghiệp, quảng bá nông sản địa phương trên nền tảng mạng xã hội khác như Chảo Thị Yến (chaoyenofficial), Diệu Linh (daohaisanvn),...
Xuất thân là dân nghiên cứu, học thạc sĩ chuyên ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững nên những kiến thức về công nghệ số hay bán hàng online với Chảo Thị Yến - Nữ Thạc sĩ 9X người dân tộc Dao Tuyển, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai gần như là số 0.
Chia sẻ với Dân Việt, Chảo Yến kể lại: "Đến khi tham gia Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân do Báo NTNN/Dân Việt tổ chức, em đã có suy nghĩ khác và bắt đầu với con đường khác hoàn toàn với mục tiêu ban đầu của em. Kênh của em xây dựng với mục đích truyền cảm hứng nhưng khi bản thân mình chưa thực sự thành công và có những thành quả thiết thực giúp cộng đồng thì mãi mãi chỉ là "cảm hứng" trên giấy mà thôi. Vì thế, em quyết định khởi nghiệp, phải làm giàu, kiếm được tiền và tạo được sinh kế cho cộng đồng thì mới có chỗ đứng nhất định. Khi có chỗ đứng thì tiếng nói của em mới có trọng lượng hơn. Do đó, em đã quyết định bán hàng trên Tik Tok. Việc bán hàng trên Tik Tok với em vẫn còn mới lạ và chập chững những bước đầu, hiện tại doanh số chưa nhiều và sản phẩm cũng chưa đa dạng, em cũng mới nộp hồ sơ thành lập HTX ngày hôm qua nên chắc chắn sẽ còn rất nhiều khó khăn, nhưng em tin mình sẽ làm được. Nhất là qua đợt livestream bán vải vừa qua ở Bắc Giang, em đã rất tự tin và có thêm động lực để tiếp tục con đường đã chọn.
"Thực tế, ngay từ mùa Covid, em đã nhìn thấy tiềm năng bán hàng trên Tik Tok nhưng em lại không có sản phẩm để bán, trong khi bà con nông dân có hàng bán nhưng chưa biết cách làm video Tik Tok. Do đó, em đã có hướng dẫn cho các nhóm nông dân để họ bước đầu tiếp cận với nền tảng bán hàng số này. Tuy nhiên, hiệu quả cũng chưa thực sự như mong đợi, đó chính là lý do mà em nghĩ mình phải tiên phong, đi đầu, làm được thì mới khuyến khích được người dân quê em làm theo. Giá trị lớn nhất mà khi tham gia bán hàng trên Tik Tok của em chính là vượt qua chính mình. Trước đây, em vẫn nghĩ việc livestream bán hàng khiến "giá trị" bản thân đi xuống, sao mình là thạc sĩ học ở nước ngoài về mà phải ngồi bán hàng livestream. Nhưng khi live thì thấy hiệu quả rất to lớn, và thấy việc làm này có thể mang lại hiệu quả rất to lớn cả về mặt hình ảnh lẫn lợi nhuận kinh tế và tạo sinh kế cho cộng đồng thì không lý do gì mà không tiếp cận" - Chảo Thị Yến chia sẻ thêm.
Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho rằng, những chia sẻ của các bạn trẻ đã truyền cảm hứng cho ông rất nhiều. Tuy nhiên, ông vẫn thấy có 3 cái thiếu mà các bạn trẻ cần khắc phục. Đó là các bạn còn thiếu thông tin, thiếu sự tìm hiểu thị trường, chính điều này đã tạo điểm nghẽn trong quá trình các bạn khởi nghiệp bán hàng online.
Cái thiếu thứ 2 chính là tim nguồn hàng và khách hàng chủ đích. Cái này dẫn đến cái thiếu thứ 3 là kéo theo việc tương tác với khách hàng, giải đáp yêu cầu khách hàng. Các bạn trẻ có thể thành công, tăng doanh số bán hàng nhưng chính vì thiếu tương tác với khách hàng nên tính bễn vững, truyền thông lan tỏa chưa cao.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực cũng đề nghị, trong bối cảnh hiện nay, việc vận chuyển giao nhận của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nên các bạn trẻ bán hàng online cần thông tin rõ cho khách hàng để họ hiểu. Bà Thực ví dụ, khâu vận chuyển sầu riêng tử trên cây cho đến tay người tiêu dùng có thể tiêu hao tới 35% chi phí, cho nên mới có việc giá bán tại vườn chỉ 70.000 đồng/kg nhưng đến tay người tiêu dùng có khi gần 200.000 đồng/kg, nếu không truyền thông rõ, người tiêu dùng sẽ không thể hiểu sự chênh lệch giá lại lớn đến thế.
Kết thúc hội thảo, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cũng đề nghị, các bạn trẻ khởi nghiệp kinh doanh trên mạng cần có kịch bản phòng chống rủi ro. "Việc thành công trong bán hàng của các bạn chắc chắn sẽ gặp phải nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến sản phẩm đang bán của mình. Có một kịch bản phòng rủi ro, tuân thủ pháp luật sẽ khiến việc kinh doanh của các bạn bền vững và hiệu quả hơn"-ông Thủy nói.
Tham gia Hội nghị có:
- Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty CP Bagico, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam.
- Ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp
Ở các điểm cầu kết nối trực tuyến có:
- Ông Đặng Dương Minh Hoàng, Chủ nhiệm mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, chủ nhân của thương hiệu Bơ Ông Hoàng do chính anh Hoàng xây dựng và phát triển.
- Bà Phạm Thị Ngọc Tuyền - Đại diện ngành hàng TikTok Shop.