dd/mm/yyyy

Huyện vùng cao Lai Châu chủ động phòng chống bệnh dại

Huyện Sìn Hồ (Lai Châu) đã có nhiều giải pháp trong công tác phòng chống bệnh dại, qua đó, giảm thiểu số ca tử vong do bệnh dại gây ra.

Công tác phòng chống bệnh dại ở Sìn Hồ gặp nhiều khó khăn

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện Sìn Hồ đã triển khai tiêm phòng đợt 1 được 8.450 liều vắc-xin dại cho chó, mèo. Dù vậy, công tác tiêm phòng dại trên địa bàn huyện vẫn gặp nhiều khó khăn, do người dân còn chủ quan không đăng ký tiêm phòng cho chó, mèo..., nhất là ở các bản vùng sâu, vùng xa; tình trạng thả rông chó, mèo, không đeo rọ mõm vẫn diễn ra thường xuyên.

Công tác tiêm phòng cho chó, mèo được huyện thực hiện theo quy định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y nên phải trả phí, khiến nhiều người dân không chủ động kê khai và đưa vật nuôi đi tiêm phòng. Hiện toàn huyện có hơn 11.100 con chó, 7.000 con mèo, nhưng lượng chó, mèo được tiêm phòng dại chỉ chiếm khoảng 50% tổng số chó, mèo toàn huyện. Việc này ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn và ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Huyện vùng cao Lai Châu chủ động phòng chống bệnh dại  - Ảnh 1.

Ở các bản vùng sâu, vùng xa huyện Sìn Hồ, người dân chưa chủ động tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo...(Ảnh: P.H)

Việc đăng ký, quản lý đàn chó, mèo được người dân nuôi và công tác xử lý vi phạm đối với hộ nuôi chó mèo không tiêm phòng dại, thả rông... chưa được thực hiện nghiêm túc.

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn có 145 trường hợp người bị chó, mèo cắn phải đến cơ sở y tế để tiêm phòng dại.

Trao đổi với phóng viên báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, chị Triệu Thị Thanh ở khu 3, thị trấn Sìn Hồ (Lai Châu), chia sẻ: Đầu tháng 7 vừa qua trên đường đi chợ về, tôi bị một con chó nhà hàng xóm lao ra tấn công, tôi bị cắn vào chân vết thương khá sâu. Ngay trong ngày hôm đó tôi đã chủ động đến cơ sở y tế để tiêm phòng.

"Nghĩ lại chuyện này, đến bây giờ tôi vẫn thấy sợ, tôi nghĩ các gia đình có nuôi chó, mèo cần rọ mõm hoặc xích, nhốt lại không để cho vật nuôi chạy rông ngoài đường tấn công người rất nguy hiểm"- chị Thanh cho hay.

Chủ động phòng chống bệnh dại

Trao đổi với phóng viên báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, Bác Sỹ Nguyễn Trung Quyền – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ (Lai Châu) cho biết: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút dại gây ra, thời gian ủ bệnh thường từ 1 - 3 tháng. Người bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn nếu không tiêm phòng, khi phát bệnh, tỷ lệ tử vong là 100%. Bệnh do vi-rút dại thuộc họ Rhabdoviridae lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo. Vi-rút xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có thể điều trị dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh ngay sau khi bị phơi nhiễm tùy theo từng mức độ tổn thương. Tiêm phòng vừa là biện pháp dự phòng, vừa là biện pháp điều trị duy trì để có thể cứu sống bệnh nhân khi bị động vật dại cắn.

Huyện vùng cao Lai Châu chủ động phòng chống bệnh dại  - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng thị trấn Sìn Hồ ra quân bắt giữ và nhốt chó, hạn chế tình trạng chó thả rông nhằm phòng chống bệnh dại. (Ảnh: P.H)

Để phòng chống bệnh dại và giảm nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người thì người dân khi bị chó, mèo hoặc động vật cắn cần phải xử trí sơ bộ bằng cách rửa vết thương dưới vòi nước chảy càng sớm càng tốt; rửa bằng các thuốc diệt khuẩn (cồn iod; cồn 70 độ trở lên hoặc rượu mạnh (có nồng độ cao); chất khử trùng có sẵn trong nhà như dầu gội, sữa tắm, xà phòng...). Không sờ vào vết thương bằng tay không; không cho các chất kích thích (ớt, dầu, lá thơm, phấn, lá trầu không...) lên vết thương. Ðến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng vắc-xin dại kịp thời.

Các cơ quan chuyên môn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng, chống bệnh dại từ các loại động vật như chó, mèo...Các cơ sở y tế cần thường xuyên tuyên truyền lồng ghép về sự nguy hiểm của bệnh dại và cơ chế lây nhiễm, thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các cuộc họp bản, khu dân cư.

Huyện vùng cao Lai Châu chủ động phòng chống bệnh dại  - Ảnh 3.

Can bộ thú y tiêm phòng dại cho vật nuôi. (Ảnh: P.H)

Cần tăng cường quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo của từng hộ, tại các xã, thị trấn đã thành lập các đội bắt giữ, chó, mèo thả rông, bị bệnh; tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở chủ hộ gia đình nuôi chó, mèo không tham gia đăng ký tiêm phòng dại và không đeo rọ mõm cho chó.

Đồng thời, người dân cần tích cực tham gia phòng và quản lý tốt đàn vật nuôi của gia đình mình; không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó, mèo ra, vào vùng dịch. Khi phát hiện hay nghi động vật bị dại cần báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại.

Thanh Ngân-Phạm Hoài