dd/mm/yyyy

Hòa Bình: Triển khai các giải pháp phòng chống bệnh dại

Thời gian qua, các lực lượng chức năng tỉnh Hoà Bình đã tích cực triển khai nhiều giải pháp phòng chống bệnh dại, trong đó, việc tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo được coi là giải pháp quan trọng để khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại.

Theo thống kê của UBND tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2017 - 2021, toàn tỉnh có 9.733 người đi tiêm phòng và điều trị phơi nhiễm với bệnh dại tại các cơ sở y tế do bị chó, mèo nghi dại cắn. Cũng trong giai đoạn này, trên địa bàn tỉnh có 7 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong đó, năm 2018, tỉnh Hòa Bình có 4 trường hợp tử vong (tại huyện Lương Sơn) do bệnh dại. Theo đánh giá của ngành chức năng, nguyên nhân chính dẫn tới những cái chết thương tâm trên là do chưa tiêm phòng dại triệt để cho đàn chó, mèo. Cùng với đó, là tâm lý chủ quan của nhiều người khi bị chó, mèo cắn không đi tiêm phòng và điều trị phơi nhiễm, mà chữa trị bằng các bài thuốc nam.

Hòa Bình: Triển khai các giải pháp phòng chống bệnh dại - Ảnh 1.

Nhân viên thú y huyện Lạc Sơn tiêm vaccine phòng chống bệnh dại cho đàn chó.

Nếu năm 2017, tỷ lệ tiêm phòng vaccine phòng dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh đạt 77,25% thì trong hai năm tiếp theo, con số này đã giảm xuống còn 69,5%, năm 2020 chỉ đạt có 58,4% trên tổng đàn. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ này chỉ đạt hơn 56% tổng đàn.

Trong đó, huyện Lạc Sơn là địa phương có tổng đàn chó, mèo cao nhất tỉnh với tỷ lệ tiêm phòng bình quân hằng năm đạt trên 80% tổng đàn. Trong đó, cao nhất là năm 2017 đạt 99,1%; thấp nhất là năm 2020, với tỷ lệ tiêm đạt 73% tổng đàn.

Huyện Mai Châu là địa phương có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất cũng chỉ đạt gần 37% tổng đàn. Các năm 2018, 2020 và 6 tháng 2021, tỷ lệ tiêm chỉ đạt hơn 10%. Lý giải nguyên nhân, theo ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu thì công tác tuyên truyền cho người dân về tiêm vaccine phòng bệnh dại của nhiều xóm, xã trên địa bàn huyện còn hạn chế. Là địa bàn rộng, dân cư phân bố thưa thớt và nhiều người dân không hợp tác trong việc tiêm vaccine phòng dại cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm hàng năm ở huyện Mai Châu đạt kết quả chưa cao.

Hòa Bình: Triển khai các giải pháp phòng chống bệnh dại - Ảnh 3.

Người dân thành phố Hoà Bình đưa chó đi tiêm vaccine phòng chống bệnh dại.

Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Hoà Bình, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn hiện có trên 115.000 con. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các địa phương đã triển khai tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo đợt 1. Tuy nhiên, chỉ có huyện Lạc Sơn và Kim Bôi có tỷ lệ tiêm đạt trên 80%, huyện Tân Lạc xếp thứ 3 với tỷ lệ tiêm đạt hơn 76% tổng đàn, còn lại đều đạt rất thấp. Cá biệt như huyện Yên Thủy với tỷ lệ tiêm chỉ đạt 5,64%, Đà Bắc hơn 26%… Tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo chính là để bảo vệ con người, đây là giải pháp quan trọng nhất để khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại. Tuy nhiên, với những kết quả nêu trên thì bệnh dại vẫn tiềm ẩn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Hòa Bình: Triển khai các giải pháp phòng chống bệnh dại - Ảnh 4.

Khi bị chó, mèo nghi dại cào, cắn (kể cả chó, mèo đã được tiêm vaccine phòng dại), người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình cho biết, song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp chủ nuôi chó mèo không chấp hành các quy định của pháp luật. Ví dụ như: Các hành vi thả rông vật nuôi nơi công cộng; không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Ý kiến này, nhận được sự đồng tình của nhiều địa phương và cơ quan chuyên môn.

 

Hà Hoàng - Đinh Minh Khanh